30/11/2024 - 13:42

Ông Kellogg với kế hoạch kết thúc xung đột Ukraine 

Keith Kellogg, người vừa được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn làm Ðặc phái viên về vấn đề Ukraine và Nga, từng tuyên bố sẽ tập trung đưa hai nước này ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ rất khó khăn.

Ông Kellogg, người được chọn làm Ðặc phái viên về vấn đề Ukraine - Nga. Ảnh: Getty Images

Trái ngược với “Kế hoạch chiến thắng” của Ukraine

Hồi tháng 4 năm nay, ông Kellogg là đồng tác giả của kế hoạch giải quyết xung đột Ukraine thông qua đàm phán.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine, nhưng tùy thuộc vào việc Kiev có tham gia đàm phán hòa bình với Mát-xcơ-va. Ngoài ra, để thuyết phục Nga tham gia hòa đàm, các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) phải đề nghị hoãn đơn xin gia nhập khối quân sự này của Ukraine. Nga cũng có thể được nới lỏng một số lệnh trừng phạt, tùy thuộc vào việc nước này ký một thỏa thuận hòa bình với Ukraine.

Kế hoạch cũng kêu gọi áp thuế đối với doanh số bán năng lượng của Nga để chi trả cho việc tái thiết Ukraine.

Nhìn chung, những đề xuất của ông Kellogg trái ngược với “Kế hoạch chiến thắng” gồm 5 trọng điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Việc Ukraine gia nhập NATO là điểm cốt lõi trong kế hoạch này.

Kế hoạch của ông Zelensky cũng kêu gọi các đồng minh viện trợ kinh tế và quân sự liên tục cho Ukraine. Còn theo ông Kellogg, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là có điều kiện.

Hồi tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu điều kiện để khởi động các cuộc hòa đàm, trong đó Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và chấp nhận toàn bộ 4 tỉnh mà Mát-xcơ-va đã tuyên bố sáp nhập.

Nga dọa tấn công Kiev bằng tên lửa siêu vượt âm

Phát biểu trước báo giới nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở Kazakhstan ngày 28-11, Tổng thống Putin khen ngợi Tổng thống đắc cử Trump là chính trị gia “thông minh và có kinh nghiệm” trong việc tìm kiếm các giải pháp cho cuộc chiến Ukraine. Ông Putin cho rằng chính Tổng thống Joe Biden đã “tạo thêm những khó khăn” cho chính quyền Trump sắp tới bằng cách cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga.

Ông chủ Ðiện Kremlin cũng cảnh báo sẽ tiếp tục tấn công Ukraine bằng tên lửa đạn đạo mới sau đợt không kích dữ dội vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của quốc gia láng giềng. Ðợt không kích của Nga đã sử dụng khoảng 100 máy bay không người lái và hơn 90 tên lửa, buộc Ukraine kích hoạt hệ thống phòng không trên khắp đất nước để đối phó. Thiệt hại được ghi nhận ở 14 khu vực, với hơn 1 triệu hộ gia đình mất điện. Ðây là cuộc tấn công quy mô lớn thứ 11 của Nga nhằm vào nguồn cung cấp năng lượng Ukraine trong năm nay.

Ông Putin tuyên bố đòn tấn công trên nhằm đáp trả việc Ukraine tập kích lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất. Chủ nhân Ðiện Kremlin cảnh báo sẽ cân nhắc phóng thêm các tên lửa Oreshnik, loại vũ khí mới mà lần đầu tiên được bắn vào tỉnh Dnipro của Ukraine hồi tuần rồi. Oreshnik là tên lửa siêu vượt âm tầm trung được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân.

Theo ông Putin, Bộ Quốc phòng Nga đang chọn mục tiêu ở Ukraine để tấn công. Ðó có thể là các cơ sở quân sự, doanh nghiệp quốc phòng hoặc các trung tâm ra quyết định ở thủ đô Kiev.

Tối 28-11, Ukraine bị cáo buộc tiến hành cuộc tập kích, gây ra hỏa hoạn lớn tại một cơ sở công nghiệp ở vùng Rostov của Nga.

Nga và Ukraine đã bị cuốn vào vòng xoáy leo thang trong những tuần gần đây. Giới phân tích cho biết cả hai bên đang tìm cách cải thiện vị thế đàm phán trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Trump, người cam kết sẽ kết thúc xung đột trong 24 giờ.

EU xác nhận dành cho Ukraine khoản vay 19 tỉ USD

Ngày 28-11, Liên minh châu Âu (EU) xác nhận sẽ cung cấp cho Ukraine 18,1 tỉ euro (19 tỉ USD) trong khuôn khổ một khoản vay lớn hơn từ Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dựa trên lợi nhuận thu được từ các tài sản bị phong tỏa của Nga.

Tháng trước, Nhóm G7 đã hoàn tất thỏa thuận cho Ukraine vay 50 tỉ USD để giúp nước này duy trì hoạt động quân sự. Mỹ cam kết cung cấp 20 tỉ USD trong số này, trong khi Anh, Canada và Nhật Bản cũng đồng ý đóng góp. Cam kết trên được đưa ra vào thời điểm then chốt đối với Ukraine khi xuất hiện nhiều hoài nghi về sự hỗ trợ của Mỹ khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Kể từ khi Mát-xcơ-va phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022, EU đã phong tỏa khoảng 235 tỉ USD tiền của Ngân hàng Trung ương Nga, chiếm phần lớn trong số tài sản của Nga bị phong tỏa trên toàn cầu.

Khoản cho vay mới của EU bổ sung vào khoảng 120 tỉ euro mà khối này và các quốc gia thành viên đã cung cấp cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

HẠNH NGUYÊN (Theo Al Jazeera, CNN)

 

Chia sẻ bài viết