20/01/2021 - 06:46

Ông Biden tiếp quản Nhà Trắng 

Hôm nay 20-1, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức trong buổi lễ chưa từng có tiền lệ, giữa nỗi lo an ninh và đại dịch COVID-19.

Phá vỡ mọi truyền thống

Ông Biden và bà Harris sẽ nhậm chức vào hôm nay. Ảnh: ABC News

Ông Biden và bà Harris sẽ nhậm chức vào hôm nay. Ảnh: ABC News

Lễ nhậm chức tổng thống là dịp hàng triệu người ủng hộ trên khắp nước Mỹ đổ về thủ đô Washington D.C chờ đón tân chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch và bất ổn chính trị sau vụ bạo loạn tại Quốc hội hôm 6-1, lễ nhậm chức của tổng thống thứ 46 của Mỹ sẽ được truyền hình trực tiếp thay vì có nhiều người tụ tập như trước đây.

Sau cuộc bạo loạn, Washington D.C phải trải qua đợt phong tỏa lịch sử, biện pháp từng được áp dụng sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Tại khu vực gần tòa nhà Quốc hội, Vệ binh Quốc gia triển khai nhiều chốt chặn để đề phòng bất ổn. Điện Capitol, Nhà Trắng và các trụ sở của chính phủ đều được tăng cường an ninh với sự hiện diện của khoảng 25.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia, gấp 2,5 lần những lễ nhậm chức trước. Tuy nhiên, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller hôm 18-1 cho biết nhà chức trách “không có thông tin tình báo nào cho thấy có mối đe dọa bên trong” đối với lễ nhậm chức của ông Biden.

Theo truyền thống, trong ngày tân tổng thống nhậm chức, các nghị sĩ, quan chức chính phủ và thẩm phán hàng đầu tập trung tại mặt tiền phía Tây của Điện Capitol. Song đại dịch có thể phá vỡ truyền thống này, buộc họ phải hạn chế tham gia hoặc thực hiện giãn cách xã hội. Số người tham gia trực tiếp cũng bị giới hạn. Thông thường có ít nhất 20.000 khách đặc biệt được mời đến dự lễ nhậm chức của tân tổng thống, nhưng năm nay con số đó rút xuống chỉ còn hơn 1.000.

Theo chương trình ngày 20-1, các vị giám mục đứng đầu nhà thờ sẽ mở đầu với lời chúc phúc. Đến khoảng giữa trưa, Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts sẽ hướng dẫn Tổng thống đắc cử Biden đọc lời tuyên thệ nhậm chức. Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris cũng thực hiện nghi lễ tương tự cùng Thẩm phán Sonia Sotomayor. Sau lễ tuyên thệ là lễ diễu hành dọc Đại lộ Pennsylvania đến Nhà Trắng. Theo đội ngũ của ông Biden, quy mô buổi lễ năm nay sẽ “cực kỳ giới hạn” và được tổ chức lại để phù hợp với đại dịch COVID-19.

Bà Harris rời ghế thượng nghị sĩ

Hai ngày trước lễ nhậm chức, Phó Tổng thống đắc cử Harris đã chính thức đệ trình đơn rút khỏi Thượng viện Mỹ tới Thống đốc bang California Gavin Newsom, kết thúc vai trò một nhà lập pháp của Quốc hội mà bà nắm giữ trong 4 năm qua.

Trong bức thư gửi tới Thống đốc Newsom, Kamala Harris cho rằng “đây không phải là lời tạm biệt”, đồng thời nhấn mạnh chức vụ phó tổng thống Mỹ là vị trí duy nhất trong chính quyền thuộc cả nhánh hành pháp và nhánh lập pháp, song trách nhiệm của bà trên cương vị này sẽ lớn hơn bởi tương quan 50-50 giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Thượng viện.

Bà Harris hy vọng rằng sẽ không phải sử dụng đến lá phiếu quyết định của mình trong các quyết định tại Thượng viện. Bà Harris nói: “Kể từ khi thành lập nước Mỹ, chỉ có 268 phiếu bất phân thắng bại được quyết định bởi một Phó Tổng thống. Tôi dự định sẽ làm việc không mệt mỏi với tư cách là Phó Tổng thống, và nếu cần thiết sẽ hoàn thành nghĩa vụ Hiến pháp này”. Bà Harris hy vọng rằng thay vì sự cân bằng trong các vấn đề cần bỏ phiếu, Thượng viện Mỹ sẽ tìm thấy điểm chung và thực hiện công việc của người dân Mỹ.

Bà Harris là phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên và phụ nữ Nam Á đầu tiên trở thành phó tổng thống Mỹ.

Xóa “di sản” ngay ngày nhậm chức

Ngày nhậm chức cũng là ngày đầu tiên của nhiệm kỳ 4 năm và các quyền hạn của tổng thống chính thức được trao cho tổng thống đắc cử. Theo Kênh CNN, ông Biden sẽ ký hàng loạt sắc lệnh như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử nhằm xóa bỏ di sản chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump. Các sắc lệnh sẽ được ký vào hôm nay bao gồm Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đảo ngược lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia Hồi giáo, gia hạn lệnh tạm dừng thanh toán khoản vay cho sinh viên, tạm ngừng việc thu hồi nhà để thế nợ đối với người dân gặp khó khăn tài chính vì COVID-19, đồng thời bắt buộc đeo khẩu trang khi đi lại giữa các bang và trong tòa nhà liên bang.

Hầu hết các sắc lệnh là nhằm đảo ngược những chính sách chính quyền ông Trump theo đuổi mà không cần Quốc hội thông qua.

Người tiền nhiệm không dự

Theo thông lệ, tổng thống sắp mãn nhiệm và các cựu tổng thống Mỹ đều tham dự lễ nhậm chức, nhằm thể hiện sự thống nhất, đồng lòng với quy trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Tại buổi lễ lần này, các cựu Tổng thống Bill Clinton, George Bush và Barack Obama sẽ góp mặt trong khi ông Jimmy Carter (96 tuổi) không đến dự vì sợ nhiễm COVID-19. Đáng nói, Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump tuyên bố sẽ vắng mặt, sau những nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử bất thành. Ông Trump dự kiến rời Washington D.C trong buổi sáng cùng ngày, trở thành tổng thống thứ tư trong lịch sử không hiện diện tại lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Như vậy, sự kiện sẽ không có phần chào hỏi truyền thống giữa người đứng đầu Nhà Trắng và người sắp kế nhiệm. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ dự lễ nhậm chức của ông Biden.

Hai ca sĩ Lady Gaga và Jennifer Lopez sẽ tham gia trình diễn trong lễ nhậm chức của tân tổng thống, trong đó Gaga hát quốc ca. Tài tử Tom Hanks sẽ dẫn chương trình truyền hình đặc biệt “Celebrating America” nhằm chào mừng ông Biden bước vào Nhà Trắng. Chương trình có sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng như Jon Bon Jovi, Demi Lovato và Justin Timberlake.

Nhiều tòa nhà biểu tượng của Mỹ, bao gồm Empire State tại thành phố New York, sẽ được thắp sáng trong đêm nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden nhằm tưởng nhớ người dân nước này đã thiệt mạng vì đại dịch COVID-19. Đến nay, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới khi có trên 24 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 với 410.000 người chết.

Ông Trump rời Nhà Trắng với tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất trong nhiệm kỳ

Ngày 18-1, kết quả thăm dò được Hãng Gallup công bố cho thấy Trump sẽ rời Nhà Trắng với tỷ lệ tín nhiệm 34% - mức thấp nhất kể từ khi lên nắm quyền. Tỷ lệ ủng hộ trung bình trong 4 năm ông tại nhiệm cũng chỉ đạt 41%, thấp hơn 4% so với bất kỳ người tiền nhiệm nào kể từ khi Gallup tiếp hành thăm dò. Tỷ lệ ủng hộ cao nhất mà ông Trump đạt được là vào đầu năm 2020 cũng như trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, khi người dân Mỹ tin rằng ông có các biện pháp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.

Cùng ngày, Tổng thống Trump đã ký ban hành sắc lệnh hành pháp hạn chế mua các hệ thống máy bay không người lái từ các nước mà Washington cho là “đối thủ” như Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.  Sắc lệnh cũng khuyến khích sử dụng máy bay không người lái do Mỹ sản xuất.

Đệ nhất phu nhân Melania Trump gửi thông điệp chia tay đến người dân

Ngày 18-1, Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã gửi thông điệp chia tay đến toàn thể người dân Mỹ, hai ngày trước khi bà cùng chồng rời Nhà Trắng.

Trong bài phát biểu chính thức dài 6 phút được đăng tải trên trang web của Nhà Trắng, bà Melania chia sẻ: “Bốn năm qua là quãng thời gian khó quên. Khi Tổng thống Donald Trump và tôi kết thúc thời gian ở Nhà Trắng, tôi đã nghĩ tới tất cả những người mà tôi luôn ghi nhớ trong tim và những câu chuyện phi thường của họ về tình yêu, lòng yêu nước và sự quyết tâm”.

Trong thông điệp chia tay, bà Melania cũng gửi lời tri ân đến lực lượng thực thi pháp luật, các gia đình quân nhân, nhân viên y tế trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, người lao động, cũng như những người đã giúp đỡ các nạn nhân của việc lạm dụng thuốc giảm đau opioid. Bà kêu gọi người dân “hãy đam mê với tất cả những điều mình làm” và “luôn nhớ rằng bạo lực không bao giờ là câu trả lời và không thể biện minh”. Bà nhấn mạnh: “Khi nói lời chia tay vai trò Đệ nhất phu nhân, tôi chân thành hy vọng mọi người dân Mỹ sẽ góp phần dạy dỗ những đứa trẻ của chúng ta rằng thế nào là điều tốt nhất”.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết