30/12/2020 - 08:09

Ông Biden kêu gọi thành lập liên minh chống Trung Quốc 

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden hôm 28-12 kêu gọi thành lập liên minh đối phó Trung Quốc trên mặt trận thương mại và kinh tế, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) dường như sắp đạt được thỏa thuận đầu tư song phương với Bắc Kinh.

Tổng thống đắc cử Biden trong phát biểu hôm 28-12. Ảnh: AP

“Trong khi chúng ta cạnh tranh với Trung Quốc và buộc Chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hành vi lạm dụng về thương mại, công nghệ, nhân quyền và các mặt trận khác, vị thế của chúng ta sẽ mạnh hơn nhiều khi chúng ta xây dựng liên minh gồm những đồng minh và đối tác có chung tư tưởng. Chúng ta mạnh mẽ và hiệu quả hơn khi được sát cánh với các quốc gia có chung tầm nhìn” - ông Biden nhấn mạnh. Tổng thống tân cử cho biết nước Mỹ đang nắm trong tay khoảng 25% nền kinh tế toàn cầu và việc hợp tác với các nền dân chủ khác sẽ giúp Washington “tăng gấp đôi đòn bẩy kinh tế” để đối chọi với Bắc Kinh.

Ðề cập đến nỗ lực chống lại mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc và Nga, ông Biden cho rằng Mỹ phải tiến hành cải cách để có thể vươn lên vị trí mạnh nhất, gồm “hiện đại hóa nền quốc phòng nhằm ngăn chặn hành vi gây hấn trong tương lai, thay vì đầu tư quá mức vào các hệ thống ngăn chặn các mối đe dọa như trước đây”. 

Phát biểu của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh đại diện 27 quốc gia thành viên EU có những tiến triển tích cực trong đàm phán với Trung Quốc, gồm vấn đề tiêu chuẩn lao động - điểm tối trong các cuộc đàm phán trước đây. Nếu EU đạt được thỏa thuận đầu tư song phương với Trung Quốc, các doanh nghiệp lục địa già sẽ có thể tiếp cận lĩnh vực viễn thông, tài chính, xe điện và xe lai của Trung Quốc ở mức độ chưa từng có.

Phát biểu trên cũng cho thấy ông Biden có cách tiếp cận khác biệt so với chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Quan hệ Mỹ - Trung trong 4 năm qua đã xấu đi vì nhiều vấn đề theo cách riêng của ông Trump. Washington tố Bắc Kinh hoạt động thương mại không công bằng, thiếu minh bạch trong việc xử lý đại dịch COVID-19 và tăng cường hiện diện quân sự ở nhiều nơi. Ðại diện cho lập trường này ngoài ông Trump còn có Ngoại trưởng Mike Pompeo, người luôn xem việc cô lập Bắc Kinh là mục tiêu quan trọng. Trong bài phát biểu về Trung Quốc hồi tháng 7 vừa qua, nhà lãnh đạo ngoại giao xứ cờ hoa cảnh báo việc các chính phủ châu Âu và các nước khác hợp tác với Trung Quốc sẽ “lợi bất cập hại” đối với nền dân chủ thế giới. “Nếu chúng ta không hành động từ bây giờ, Trung Quốc cuối cùng sẽ làm xói mòn quyền tự do và phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ mà chúng ta đã nỗ lực xây dựng” - ông Pompeo lo ngại.

Tuy nhiên, khác với ông Trump, ông Biden cần có sự hợp tác của châu Âu và các đồng minh, đối tác khắp thế giới để đối phó với tham vọng của Trung Quốc. Trong động thái được cho là gia tăng áp lực lên Trung Quốc, ông Biden hồi tháng trước cho biết sẽ đề cử thân tín lâu năm Antony Blinken làm ngoại trưởng. Ông Blinken từng cam kết hợp tác với các đồng minh để đối đầu với Bắc Kinh trong các vấn đề như thương mại.

TRÍ VĂN (Theo SCMP, Business Standard)

Chia sẻ bài viết