10/02/2025 - 04:31

Ổn định thu nhập với nghề may gia công 

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn thành phố phổ biến mô hình may gia công, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động, nhất là phụ nữ trung niên. Mô hình này giúp chị em làm việc có kế hoạch, đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời rèn sự chủ động tìm nguồn hàng gia công liên tục, lâu dài…

Để trụ vững với nghề, chị em chủ động tìm nguồn hàng gia công liên tục, lâu dài.

“Khai máy” sớm trong những ngày đầu năm để kịp hoàn thành đơn hàng giao sau Tết, chị Hà Thị Kim Hừng, khu vực Rạch Sung, phường Thới Long, quận Ô Môn, vui vẻ cho biết: “Do thói quen nghề nghiệp, Tết năm nào tôi cũng may từ rất sớm mới an tâm. Theo tôi, việc giao hàng đúng hợp đồng, đảm bảo chất lượng sản phẩm mới có thể duy trì mối hàng thường xuyên”.

Gia cảnh đông anh em, kinh tế khó khăn, năm 18 tuổi, vừa tốt nghiệp lớp 12, chị Hừng xin cha mẹ theo chị em bạn trong xóm đi TP Hồ Chí Minh học nghề và làm công nhân may, gởi tiền về phụ giúp gia đình. Năm 27 tuổi, chị Hừng kết hôn với người cùng nghề và sinh con đầu lòng. Vợ chồng chị Hừng quyết định nghỉ việc, cùng trở về quê để ổn định chỗ ở, việc học hành của các con. Chồng làm công nhân may, chị Hừng chăm con nhỏ vừa tìm các mối hàng may gia công giỏ xách, ba lô tại nhà, tăng thu nhập. Khi chồng chị Hừng ký kết hợp đồng may gia công các mặt hàng của công ty, thì việc làm, thu nhập mới thật sự ổn định. Chị Hừng chia sẻ: “Để nhận được hợp đồng này, tôi phải ráp mẫu các loại sản phẩm của công ty thật khéo léo và cam kết giao hàng đúng hạn”. Mặt hàng của công ty rất đa dạng mẫu mã, chị Hừng khéo tính toán cách may tiện, nhanh và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, chị còn tranh thủ nhận may các đơn hàng tặng phẩm, như túi xách, bóp cầm tay, khẩu trang… kiếm thêm thu nhập. Được vay vốn ưu đãi, chị Hừng lắp thêm thiết bị để chồng và con trai cùng phụ may kịp giao hàng. Mỗi tháng, chị Hừng thu nhập bình quân từ 8-9 triệu đồng. “Sắp tới, khi đủ điều kiện, tôi sẽ mở tổ hợp may gia công để tạo việc làm, thu nhập cho chị em trong và ngoài khu vực” - chị Hừng bộc bạch.   

Cùng suy nghĩ với chị Hừng, chị Đồng Thị Trang, khu vực 1, phường Ba Láng, quận Cái Răng khởi nghiệp may hàng gia công quần áo trẻ em gần 7 năm nay. Năm 2003, chị Trang rời quê Nam Định vào Nam mưu sinh, làm công nhân công ty thủy sản. Khoảng 5 năm sau, chị Trang lập gia đình, sinh con và mở tiệm mua bán nhỏ tại nhà để có điều kiện chăm sóc gia đình. Năm 2018, vận dụng tay nghề may, chị Trang tìm mối may hàng gia công. Chị vốn khéo tay, sản phẩm hoàn chỉnh, ít lỗi, nhất là giao hàng đúng hẹn, nên số lượng hàng gia công tăng dần. Để tăng năng suất, giảm công lao động, chị Trang mua sắm thiết bị hiện đại. Chị Trang cho biết: “Mỗi tuần, tôi nhận may từ 300 bộ quần áo, giá 4.500 đồng/bộ. Với lợi thế nguồn hàng thường xuyên, tôi dự tính phối hợp thành lập tổ may gia công, thu hút phụ nữ vào làm việc, tăng thu nhập”.

Qua khảo sát, các quận, huyện có nhiều mô hình tổ, nhóm, cơ sở may gia công, thu hút nhiều phụ nữ tham gia để ổn định việc làm, tăng thu nhập. Chị Lê Thị Kim Huệ, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, nói: “Tôi từng bị mất việc làm, cuộc sống gặp khó khăn. Khi cơ sở may tại xã tuyển dụng, tôi vào làm việc hơn 1 năm, với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng. Tôi cân đối chi tiêu, an tâm chăm lo các con ăn học”. Chị Nguyễn Thị Diệu, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, cho biết khá thoải mái khi làm việc tại cơ sở may gia công gần nhà, thu nhập bình quân từ khoảng 7 triệu đồng/tháng, có điều kiện phụ giúp gia đình. Chị Diệu có 6 năm làm công nhân may ở TP Hồ Chí Minh, thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng, nhưng không tích lũy được vì xa nhà, phát sinh nhiều chi phí…

Hầu hết phụ nữ mưu sinh với nghề may gia công chia sẻ, nghề này phù hợp với phụ nữ trung niên. Sự kiên trì, bền bỉ  “trụ” vững với nghề giúp chị em thêm thu nhập, ổn định định cuộc sống.

Bài, ảnh: MAI THY

Chia sẻ bài viết