Nằm ngoài dự đoán, có tới 52% cử tri Anh đã quyết định ủng hộ con đường rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hôm 23-6. Những người bỏ phiếu Brexit (Anh rời EU) đã ăn mừng thắng lợi, trong khi phần còn lại như chết lặng, thất thần.
"Cuộc ly hôn" vô tiền khoáng hậu
Kết quả trên quả thật khá bất ngờ, bởi số lượng cử tri được cho không ủng hộ Brexit đã đi bỏ phiếu thấp hơn dự kiến. Có tổng cộng 46,5 triệu người đăng ký, nhưng rốt cuộc chỉ có hơn 33,5 triệu người tham gia bỏ phiếu. Tính ra số người đi bỏ phiếu chỉ chiếm 72,6%, dù đây là mức cao kỷ lục đối với một cuộc bầu cử ở Anh. Số cử tri ủng hộ Brexit đi bỏ phiếu cao hơn số chống là 1.269.483 người. Sự chênh lệch không quá lớn này cho thấy người dân xứ sương mù đang bị chia rẽ trong vấn đề EU.

Phe ủng hộ Brexit vui sướng, nhóm chống Brexit đau buồn. Ảnh: Guardian

Những hình ảnh trên đường phố, quảng trường và các điểm kiểm phiếu cho thấy có nhóm người quá vui mừng, nhóm khác đứng lặng người trong nước mắt. Hai trạng thái rất khác biệt của dân Anh giống như thời khắc chia tay giữa người muốn được tự do và người muốn cùng chung sống với EU. Hãng tin Reuters của Anh vì thế giật tít mô tả đây là "cuộc ly hôn lịch sử". Hãng tin AP cũng bình luận đây là cuộc ly hôn vô tiền khoáng hậu qua gần 60 năm lịch sử hình thành EU.
Lo ngại cho tương lai của nước Anh và EU
Reuters nhận định kết quả trên đang đặt nước Anh vào con đường không chắc chắn và là bước lùi lớn nhất trong các nỗ lực của châu Âu mang lại sự thống nhất lớn hơn kể từ sau Thế chiến thứ hai. Tiền thân của EU là Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), chính thức được thành lập từ đầu năm 1958. Nước Anh gia nhập EEC vào năm 1973 và cơ quan này được lấy tên EU vào hai thập niên sau đó.
Sự ra đi của nước Anh trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại của EU là điều có thể hiểu được, song nó ẩn chứa nhiều rủi ro có thể dễ dàng nhận thấy đối với cả Luân Đôn lẫn Brussels. Thủ lĩnh đảng Độc lập của Vương quốc Anh (UKIP) Nigel Farage gọi ngày 23-6 là "ngày độc lập của Vương quốc Anh", trong khi giới lãnh đạo châu Âu nói đây là "ngày buồn", "cơn ác mộng" của EU.
Reuters cảnh báo khả năng Anh một lần nữa đối diện với mối đe dọa tồn vong của chính mình, nếu Scotland lại tổ chức trưng cầu dân ý tách khỏi liên hiệp để thành lập một quốc gia độc lập. Cựu lãnh đạo Scotland Alex Salmond tuyên bố vùng lãnh thổ này có thể phát động cuộc trưng cầu dân ý mới sau khi có tới 62% cử tri nơi đây bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU. Phó Thủ tướng Thứ nhất Bắc Ireland Martin McGuinness cũng bày tỏ mong muốn tổ chức trưng cầu dân ý tách khỏi Liên hiệp Anh để thống nhất với CH Ireland.
Các phe cực hữu châu Âu như Mặt trận Quốc gia (FN) ở Pháp, đảng Tự do tại Hà Lan ngay lập tức kêu gọi hai nước này tiến hành trưng cầu dân ý tương tự. Trong khi đó, chính phủ Hungary, Ba Lan, CH Czech gọi giới lãnh đạo EU phải lắng nghe tiếng nói bất mãn của công chúng để suy nghĩ lại và nhanh chóng thay đổi mình. Thủ tướng Ý Matteo Renzi nói rằng EU cần "nhân văn hơn, công bằng hơn".
Trấn an dư luận, xoa dịu thị trường
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hôm qua đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu và quốc gia chủ tịch luân phiên châu Âu là Hà Lan. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố: "Hôm nay, với tư cách là đại diện của 27 lãnh đạo quốc gia EU, tôi có thể nói rằng chúng ta quyết tâm duy trì sự thống nhất con số 27". "Brexit không giết chết chúng ta, mà nó làm chúng ta mạnh mẽ hơn" - ông Tusk nhấn mạnh.
Thủ tướng David Cameron, người đã tuyên bố từ chức vào tháng 10 tới sau thất bại trên, cũng trấn an rằng nước Anh vẫn có thể tiếp tục thực thi hiệp ước của EU theo điều khoản 50 ngay cả khi rời khỏi khối này. Ông bày tỏ nhân dân Anh cần được tôn trọng và "không có sự thay đổi tức thời" sau Brexit. Riêng thủ tục rút khỏi EU có thể kéo dài trong hơn hai năm.
Những lời động viên, xoa dịu trên giữa lúc thị trường tiền tệ và chứng khoán châu Âu, châu Á khởi đầu ngày 24-6 rớt giá thê thảm. Đồng bảng Anh mất 10% giá trị so với USD, mức kỷ lục từ năm 1985 và giảm 8,3% so với đồng euro. Đồng euro thì giảm 3,6% so với USD. Ba thị trường chứng khoán lớn nhất châu Âu là Anh, Đức và Pháp giảm từ 5% - 8%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 8%, mức lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.
KIẾN HÒA (Theo Reuters, AFP, AP, Guardian, BBC)