28/06/2022 - 19:40

Nữ trọng tài tại World Cup 2022 

HẠNH NGUYÊN

Yoshimi Yamashita là một trong ba nữ trọng tài được Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) phân công điều khiển các trận đấu tại vòng chung kết World Cup 2022, khởi tranh ở Qatar vào tháng 11 tới. Ðây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử trọng tài nữ cầm còi tại lễ hội bóng đá nam lớn nhất hành tinh.

Trọng tài Yamashita làm nhiệm vụ tại AFC Champions League hồi tháng 4-2022. Ảnh: Getty Images

“Một trong những mục đích lớn của trọng tài là tạo ra sức hấp dẫn của bóng đá. Tôi đang nỗ lực hết mình vì điều đó”, nữ trọng tài người Nhật Bản Yamashita trả lời phỏng vấn Hãng tin AP ngày 27-6. Cô nhận thấy công việc của mình diễn ra theo cách hãy để các trận đấu tỏa sáng như lẽ thường tình. Hai bóng hồng còn lại cùng cô đến Qatar là trọng tài Stephanie Frappart của Pháp và Salima Mukansanga của Rwanda. Có tổng cộng 36 trọng tài làm nhiệm vụ tại kỳ World Cup sắp tới. Ngoài ra, trong số 69 trợ lý trọng tài được FIFA triệu tập, có 3 nữ trợ lý gồm Neuza Back (Brazil), Karen Diaz Medina (Mexico) và Kathryn Nesbitt (Mỹ).

Sự nghiệp của Yamashita thăng tiến rất nhanh. Hồi tháng 5-2019, Yamashita đã phá vỡ rào cản về giới tại châu Á khi được giao nhiệm vụ điều khiển các trận đấu trong khuôn khổ AFC Cup, đánh dấu lần đầu tiên một phụ nữ cầm còi một trận đấu của Liên đoàn Bóng đá châu Á. Sau đó, cô có được chứng nhận trọng tài Cấp 1 của Nhật và còn trở thành trọng tài nữ đầu tiên cầm còi tại giải vô địch quốc gia Nhật Bản J-League. Yamashita cũng tham gia điều khiển các trận đấu ở Olympic Tokyo năm ngoái. Ðến tháng 4-2022, cô trở thành phụ nữ đầu tiên bắt chính các trận đấu tại AFC Champions League, sân chơi cấp câu lạc bộ hàng đầu châu Á. Theo Yamashita, khác biệt trong các trận đấu của nam và nữ là tốc độ. Ðiều đó đồng nghĩa “vị vua áo đen” 36 tuổi này phải đưa ra quyết định nhanh hơn.

Việc chọn Yamashita tham gia điều hành trận đấu tại World Cup 2022 cũng cho thấy sự chú ý của quốc tế đối với thứ hạng thấp của đất nước Mặt trời mọc về bình đẳng giới. Hiện chỉ có 14,3% số ghế tại Quốc hội Nhật Bản do phụ nữ nắm giữ, khiến nước này đứng hạng 152/190 quốc gia. Tài liệu khác về khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ thì xếp Nhật đứng ở vị trí thứ 120/156 quốc gia.

Yamashita thừa nhận Nhật Bản vẫn còn một chặng đường dài để theo kịp thế giới bóng đá về tỷ lệ phụ nữ tham gia, vì vậy sẽ rất tuyệt vời nếu việc cô cầm còi tại World Cup 2022 có thể liên quan tới sự gia tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia theo nhiều cách, không chỉ trong bóng đá hay thể thao. Các cô gái Nhật từng vô địch thế giới ở World Cup nữ 2011, giành ngôi Á quân World Cup nữ 2015 và liên tục nằm trong nhóm những đội bóng mạnh nhất thế giới.

Chia sẻ bài viết