Tại buổi lễ trao giải Cuộc thi viết “Biển, đảo trong trái tim tôi”, tình cờ tôi đã gặp lại Phan Thị Thu Quyền, học sinh tiểu học ở đảo Song Tử Tây cách đây tròn 10 năm về trước. Hôm nay, em có mặt để nhận giải Khuyến khích cho tác phẩm “Nhớ lắm Song Tử Tây, ngôi nhà tuổi thơ tôi” do Quỹ học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ “Vì Trường Sa-Hoàng Sa thân yêu” và Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Tôi đã dành thời gian để tìm hiểu về tác phẩm và trò chuyện với tác giả đặc biệt này.
Mở đầu tác phẩm, Thu Quyền viết: Trường Sa-miền đất thiêng liêng của Tổ quốc, ở đó có những chú bộ đội Hải quân kiên trung đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đối với em, được đến và sinh sống ở đảo Song Tử Tây, thuộc huyển đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là niềm vinh dự, tự hào và hạnh phúc đến kỳ lạ. Dù xa xôi, hiểm nguy nhưng em và gia đình vẫn vững lòng quyết định đến với biển, đảo thân yêu!
Tác giả Thu Quyền cùng Chứng nhận tác phẩm “Nhớ lắm Song Tử Tây, ngôi nhà tuổi thơ tôi” đạt giải Khuyến khích
Em Quyền kể: Nhớ ngày đầu tiên em cùng ba mẹ bước lên chiếc tàu rất lớn để di chuyển ra đảo. Lênh đênh trên biển 2 ngày, 2 đêm cho đến khi tiếng còi tàu vang lên hồi dài đã đánh thức em dậy vào một sáng đẹp trời. Em nhìn xung quanh thấy mọi người đang vội vàng xếp dọn hành lý di chuyển ra lan can tàu, khi ấy em mới hiểu rằng mình đã chuẩn bị bước vào cuộc sống mới. Chiếc ca nô chở gia đình em và 2 hộ gia đình khác lao thật nhanh trên mặt biển. Ngồi trên ca nô nhìn từ xa thấy đảo Song Tử Tây như một viên ngọc màu xanh sáng lấp lánh giữa bao la biển trời. Vừa bước lên cảng là cảm xúc bỡ ngỡ đối với một đứa trẻ đang học lớp 1. Nơi đây sao toàn cây lạ và lại còn có rất nhiều chú bộ đội mặc quân phục màu trắng giống nhau. Các chú đang đứng xếp hàng thẳng tắp, tay thì giơ lên chào còn miệng thì nở nụ cười rất tươi khi thấy chúng em tới. Từ lúc này, em cảm thấy yêu đảo, yêu các chú bộ đội vô cùng.
Trong tác phẩm của mình Thu Quyền bộc bạch: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” đó là phương châm sống của quân và dân trên huyện đảo Trường Sa. Các bạn có biết không, trên hòn đảo xinh đẹp này không tiếng xe cộ ồn ào, không phố xá nhộn nhịp, cũng không lo cơm áo gạo tiền mỗi ngày như lúc ở đất liền. Nhưng ở đây có các chú bộ đội vui tính với tinh thần lạc quan, dũng cảm và trách nhiệm với Tổ quốc. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân luôn nâng cao tinh thần SSCĐ hết mình vì biển, đảo. Hơn hết, là tất cả mọi người đều gắn bó xem nhau như một nhà, cùng nhau trải qua những dịp lễ, cùng đón năm mới, cùng nhau chia sẻ những con cá, miếng thịt ngon. Tuy điều kiện ở biển, đảo còn thiếu thốn so với đất liền nhưng điều quý giá nhất mà mỗi công dân nhỏ ở Trường Sa như em đã nhận được chính là tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, ấm nồng bên cạnh một gia đình lớn có bố mẹ, thầy giáo và các chú bộ đội thương yêu!
Rồi cho đến khi có dịp trò chuyện với các chú bộ đội em mới biết có một loại cây được xem là đặc trưng ở “quần đảo bão tố” đó là cây phong ba. Mặc dù thời tiết khí hậu lúc đó vô cùng khắc nghiệt, nhất là độ mặn của nước biển và sức tàn phá của thiên nhiên, song kỳ diệu thay, cây phong ba vẫn vươn dài trong nắng gió, có sức sống mãnh liệt, chịu được khí hậu hanh khô, sống bền vững ở đảo từ xa xưa đến nay.
Thêm một loại cây đặc biệt trên đảo nữa đó là cây bàng vuông. Sở dĩ có tên bàng vuông vì quả nó vuông chứ không thuôn tròn như quả bàng thường, lá to hơn lá bàng thường. Vào ngày tết nếu thiếu lá dong, quân dân ở đảo vẫn dùng lá bàng vuông gói bánh chưng, bánh vẫn xanh và ngon. Quả bàng thì có bốn cạnh vuông, chóp nhọn nhìn lạ mắt, trông nó giống cái lồng đèn vậy. Còn hoa thì nở về đêm, khi nở nhụy hoa bung thành những chùm như tia màu trắng, phía trên màu tím có hạt phấn vàng tươi. Cây bàng vuông thể hiện sự dẻo dai và khả năng chống chọi kỳ diệu trước phong ba, bão tố. Vì thế nó thường được chọn làm quà tặng cho các đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo như một thông điệp, rằng những quân và dân Trường Sa vẫn kiên cường ngày đêm bảo vệ biển, đảo…
Làm rõ hơn câu chuyện trong tác phẩm, Thu Quyền khẳng định: Ở nơi xa xôi như ở đảo nỗi nhớ gia đình luôn trong sâu thẳm đôi mắt của các chú bộ đội và người dân trên đảo, nhưng ai nấy đều một lòng yêu Tổ quốc, giữ gìn biển, đảo. Khi được hỏi hoàn thành thời gian công tác ở đảo có muốn quay lại đây tiếp tục xây dựng đảo không thì chắc chắc từ quân đến dân đều cùng một câu trả lời là “Có”. Sẽ không có gì làm thay đổi được tình yêu quê hương đất nước, yêu biển, yêu đảo ở trong mỗi con người nơi đây. Trường Sa là thế đấy! Các chiến sĩ Hải quân và người dân luôn dũng cảm trước kẻ thù nếu dám xâm phạm vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc…
Nhìn em cầm tấm bảng chứng nhận giải trên tay tôi chợt nhận ra rằng, thời gian sao trôi nhanh quá! Từ lần cuối gặp em ở đảo Song Tử Tây đến nay đã được 10 năm rồi. Giờ em đã là sinh viên năm thứ 4 đầy hoài bão của Trường Đại học Kinh tế-Tài chính TP. Hồ Chí Minh. Em khẳng định với tôi: 10 năm qua em và ba, mẹ luôn mong ước có cơ hội trở lại hòn đảo thân yêu. Và hơn hết là em muốn góp chút công sức, trách nhiệm của một công dân trưởng thành từ đảo để tiếp tục trở lại xây dựng đảo giàu mạnh, thực sự là “phên giậu” vững chắc của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Quang Tiến (Báo Hải quân Việt Nam)