|
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và các nhà lãnh đạo châu Âu vui mừng trước kết quả tốt đẹp của hội nghị hôm 27-10. Ảnh: Reuters |
Sau những bất đồng tưởng chừng nan giải, hội nghị thượng đỉnh “kép” của Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng euro (Eurozone) diễn ra trong hai ngày qua đã đạt được những thỏa thuận quan trọng có thể giúp giải quyết một cách cơ bản cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có tại khu vực này.
Các nhà lãnh đạo châu Âu với nụ cười rạng rỡ tuyên bố đạt được những thỏa thuận quan trọng như: Các ngân hàng đồng ý xóa 50% trong khoản nợ ước tính 350 tỉ euro cho Hy Lạp; Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) sẽ được nâng từ 440 tỉ euro lên 1.000 tỉ euro; quỹ tái cấp vốn cho các ngân hàng châu Âu dự kiến từ 80 tỉ euro sẽ tăng lên 106 tỉ euro.
Ngoài ra, Hy Lạp còn được cung cấp một khoản vay mới trị giá 100 tỉ euro. Với những nỗ lực đó, giới chức châu Âu hy vọng có thể kéo giảm nợ công của Hy Lạp mà theo báo cáo gần đây đã ở mức trên 160% GDP xuống còn 120% GDP vào năm 2020. Đổi lại, EU yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giám sát chương trình cứu trợ mới cho Hy Lạp, buộc nước này tăng cường chính sách tư nhân hóa có thể thu về 15 tỉ euro ngân khố quốc gia nhằm khôi phục lòng tin của EFSF.
Về con số 1.000 tỉ euro của EFSF, Chủ tịch Hội đồng châu Âu kiêm Chủ tịch Eurozone Herman Van Rompuy tuyên bố: “Đây là một hỏa lực được tăng cường có thể bảo vệ các nền kinh tế lớn hơn như Ý và Tây Ban Nha tránh khỏi sự hỗn loạn của thị trường vốn đã đẩy 3 quốc gia Eurozone (Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha) vào cảnh phải xin trợ giúp”. Bản thân Chính phủ Ý cũng đã đạt được sự đồng thuận về kế hoạch “thắt hầu bao” mới nên hy vọng có thể không cần cầu cứu EFSF.
Riêng quỹ tái cấp vốn cho các ngân hàng từ nay đến tháng 6-2012 sẽ hỗ trợ thêm cho Hy Lạp 30 tỉ euro, Tây Ban Nha 26 tỉ euro, Ý 14 tỉ euro, Pháp 8,8 tỉ euro và Đức khoảng 8 tỉ euro. Tính chung, sẽ có khoảng 70 ngân hàng lớn khắp châu Âu phải xin hỗ trợ từ quỹ tài chính này. Các ngân hàng nào nhận được tài trợ phải giữ lại tiền khen thưởng và lợi tức cho đến khi có đủ nguồn vốn đảm bảo an toàn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso đánh giá: “Thông qua những biện pháp đặc biệt cho hoàn cảnh đặc biệt này, châu Âu sẽ không bao giờ rơi vào nghịch cảnh hiện nay một lần nữa”. Còn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thì nhận định: “Các thỏa thuận đạt được là câu trả lời tin cậy, đầy tham vọng và mang tính toàn diện cho cuộc khủng hoảng của Hy Lạp”. “Vì tính phức tạp của các vấn đề cần thảo luận, chúng tôi gần như mất cả đêm qua để bàn bạc. Nhưng kết quả đạt được rõ ràng là một nguồn lực lớn làm nhẹ nhõm cả thế giới”, ông Sarkozy chia sẻ với các phóng viên sau hội nghị sáng 27-10.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)