02/03/2024 - 15:59

Nữ chuyên gia tiên phong nghiên cứu vaccine ung thư cá nhân hóa 

Với công trình nghiên cứu đặt nền móng khoa học cho việc cá nhân hóa vaccine ung thư cho từng người, Tiến sĩ Catherine J. Wu - nhà nghiên cứu nổi tiếng tại Viện Ung thư Dana-Farber (Mỹ) - vừa được trao Giải thưởng Sjöberg danh giá.

Tiến sĩ Catherine J. Wu nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Ðược Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Ðiển và Quỹ Sjöberg thành lập từ năm 2017, Sjöberg là giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân hoặc nhóm nghiên cứu đạt được thành tích đặc biệt, đóng góp vào việc nghiên cứu ung thư. Phần thưởng bao gồm tiền mặt trị giá 100.000USD cho cá nhân và khoản trợ cấp nghiên cứu trị giá 900.000USD. Với giải thưởng này, Tiến sĩ Wu đã gia nhập hàng ngũ các nhà nghiên cứu đang tạo ra tác động đáng kể trong việc thúc đẩy điều trị thành công bệnh ung thư.

Theo các chuyên gia, những phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất - bao gồm xạ trị và hóa trị - thường tấn công tất cả tế bào, nghĩa là cũng làm tổn thương luôn các tế bào khỏe mạnh. Vì lý do đó mà từ những năm 1950, các nhà nghiên cứu ung thư đã tìm cách kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể để tấn công các tế bào khối u. Công trình vừa được trao giải của Tiến sĩ Wu tập trung vào những đột biến nhỏ ở tế bào khối u ung thư. Những đột biến này xuất hiện khi khối u phát triển, tạo ra các prôtêin khác biệt so với các prôtêin trong tế bào khỏe mạnh. Prôtêin bị biến đổi tiếp tục tạo ra các kháng nguyên mới của khối u - gọi là neoantigen, thứ được các tế bào T của hệ miễn dịch nhận diện là “vật ngoại lai” và tấn công.

Bằng cách giải trình tự ADN từ các tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư, bà Wu và các cộng sự đã xác định được các neoantigen độc nhất của từng bệnh nhân ung thư. Tiếp theo, họ tạo ra “bản sao” của các neoantigen độc nhất đó và đưa vào vaccine nhằm kích hoạt hệ miễn dịch của bệnh nhân nhắm mục tiêu tấn công các tế bào ung thư, mà không ảnh hưởng tế bào khỏe mạnh.

Bác sĩ Wu cho biết công nghệ này đang được thử nghiệm ở những bệnh nhân có khối u ác tính giai đoạn nặng, bao gồm bệnh nhân ung thư vú Jennifer Davis, người đã thuyên giảm sau 5 năm bị bệnh. Kết quả thử nghiệm giai đoạn đầu cho thấy vaccine được cá nhân hóa ngày càng có triển vọng đối với các bệnh ung thư khó điều trị, gồm ung thư da ác tính (melanoma) và ung thư tuyến tụy, cũng như có thể được sử dụng rộng rãi cho nhiều loại trong số 200 dạng ung thư.

Ðược biết, Tiến sĩ Wu sinh ra và lớn lên ở New York (Mỹ). Bà bắt đầu quan tâm đến bệnh ung thư từ lúc mới học lớp hai, khi một giáo viên hỏi từng bạn trong lớp muốn làm nghề gì khi lớn lên. Về học vấn, Wu có bằng Cử nhân Khoa học về Hóa sinh của Ðại học Harvard và bằng Y khoa của Trường Y thuộc Ðại học Stanford. Niềm đam mê của bà đối với việc nghiên cứu sức mạnh của hệ miễn dịch trỗi dậy khi còn là thực tập sinh y khoa, sau khi chứng kiến một ca cấy ghép tủy xương và thấy được cách mà tủy xương có thể tái tạo máu cũng như hệ miễn dịch để chống lại ung thư.

Sau khi hoàn thành việc học y khoa, Wu có thời gian được đào tạo về nội khoa tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ (thuộc Trường Y Harvard) và hoàn thành nghiên cứu sinh y khoa về ung thư và huyết học tại Viện Ung thư Dana-Farber, cơ sở nghiên cứu và điều trị ung thư lớn nhất nước Mỹ và hàng đầu thế giới. Năm 2000, Wu chính thức làm việc tại đây và bắt đầu chương trình nghiên cứu độc lập vào năm 2005. Bà hiện là Trưởng Khoa Cấy ghép Tế bào gốc và Liệu pháp Tế bào của Viện Ung thư Dana-Farber.

NGUYỆT CÁT (Theo CNN, Medriva.com)

 

Chia sẻ bài viết