10/06/2019 - 21:45

Nóng rẫy cuộc đua vào ghế Thủ tướng Anh 

Ngày 10-6, đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh chính thức khởi động thủ tục tranh ghế tân lãnh đạo nhằm tìm kiếm người thay thế Thủ tướng Theresa May vừa thôi chức cuối tuần rồi.

Một số ứng viên ra tranh chức tân lãnh đạo đảng Bảo thủ và sẽ kế nhiệm Thủ tướng May. Ảnh: BBC

Một số ứng viên ra tranh chức tân lãnh đạo đảng Bảo thủ và sẽ kế nhiệm Thủ tướng May. Ảnh: BBC

Hôm 7-6 là ngày làm việc cuối cùng của bà May trên cương vị lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh. Tuy nhiên, bà vẫn giữ chức Thủ tướng và điều hành chính phủ cho đến khi người kế nhiệm được bầu chọn, dự kiến vào cuối tháng 7. Với thế đa số trong Hạ viện, tân lãnh đạo đảng Bảo thủ gần như chắc chắn được đề cử làm thủ tướng.

Theo quy định, bất cứ nghị sĩ Bảo thủ nào tại Hạ viện đều có thể tự đề cử hoặc được đề cử nếu có ít nhất 8 nghị sĩ khác trong đảng ủng hộ. Thủ tục ghi danh bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng hôm qua (giờ Luân Đôn) và đóng lại lúc 17 giờ cùng ngày. Các vòng bỏ phiếu kín trong nội bộ đảng sẽ tiến hành lần lượt vào ngày 13, 18, 19 và 20-6 cho đến khi chọn ra hai ứng viên giành nhiều phiếu nhất. Trong khoảng bốn tuần tiếp theo, hơn 160.000 thành viên đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu chọn một trong hai người làm lãnh đạo. Cuộc đua vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh sẽ hoàn tất khi tên người chiến thắng dự kiến được công bố vào ngày 22-7.

Với khung thời gian như trên, Thủ tướng kế tiếp của Anh sẽ chỉ còn vài tháng để quyết định cứu kế hoạch của bà May về việc rời Liên minh châu Âu (Brexit) hay trì hoãn tiến trình này thêm một lần nữa; hoặc rời EU mà không có thỏa thuận nào. Theo Giáo sư chính trị Tim Bale tại Đại học Queen Mary, nghị trình quan trọng nhất đối với các ứng viên thời điểm này là giải quyết Brexit trong bối cảnh Chính phủ Anh liên tục thất bại trong việc đạt một thỏa thuận làm hài lòng Quốc hội Anh lẫn các nhà đàm phán EU. Chia rẽ này có thể được nhìn thấy qua quan điểm của các ứng viên tranh chức lãnh đạo đảng Bảo thủ hiện nay.

Trong số gần 20 nghị sĩ, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson được dự đoán sẽ giành chiến thắng với sự ủng hộ ngày càng tăng của nhiều thành viên nội các cùng các nhóm nghị sĩ cánh hữu lẫn ôn hòa trong đảng Bảo thủ khi ông khẳng định có thể đánh bại lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn và chính trị gia dân túy chống EU Nigel Farage nếu tổ chức tổng tuyển cử sớm. Từng là nhân vật chủ chốt vận động cho chiến dịch Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, ông Johnson năm ngoái đã rời chính phủ để phản đối thỏa thuận Brexit của bà May. Trong tuyên bố tranh cử gần đây, chính trị gia 54 tuổi cho biết sẵn sàng ký thỏa thuận “hợp lý” với Brussels nhưng cũng để ngỏ khả năng “Brexit cứng” với cam kết đưa Anh rời EU đúng hạn vào ngày 31-10 dù có hay không đạt thỏa thuận. Người được Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ còn cảnh báo sẽ không trả EU khoản nghĩa vụ ngân sách 50 tỉ USD nếu khối này không chấp nhận những điều khoản Brexit “dễ thở” hơn.

Bám sát nút ông Johnson tranh vị trí “chủ nhân” nhà số 10 phố Downing là đồng minh cũ trong chiến dịch Brexit 2016 - Bộ trưởng Môi trường Michael Gove. Trái với cựu Ngoại trưởng, ông Gove ủng hộ việc kéo dài tiến trình Brexit nếu cần thiết để ký thỏa thuận mới. Ông còn cảnh báo khả năng Công đảng đối lập có thể nắm quyền kiểm soát chính phủ nếu Luân Đôn quyết theo đuổi kịch bản “Brexit cứng” vốn có thể bị Quốc hội phủ quyết, đồng nghĩa không còn lựa chọn nào khác ngoài tổ chức bầu cử sớm hoặc trưng cầu dân ý lần hai. Trong khi đó, ứng viên sáng giá khác là Ngoại trưởng Jeremy Hunt phát đi tín hiệu lạc quan về khả năng tái đàm phán với EU khi cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ý Brussels sẵn sàng cùng lãnh đạo mới của Anh xem xét bất cứ giải pháp nào, bao gồm giải pháp kỹ thuật cho vấn đề gai góc về biên giới với Ireland, điều mà trước đó EU khẳng định là phi thực tế.

Ngoài các ứng viên nêu trên, những người được truyền thông Anh nhắc tới còn có Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab và hai nhân vật cứng rắn về Brexit là cựu lãnh đạo phe Bảo thủ tại Hạ viện Andrea Leadsom và cựu Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Esther McVey - người tuyên bố sẽ sa thải các thành viên nội các muốn ở lại "mái nhà chung’’ để đảm bảo Anh rời EU vào ngày 31-10. Trong khi đó, phe ủng hộ trưng cầu dân ý lại gồm có những gương mặt: Bộ trưởng Phát triển quốc tế Rory Stewart, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, nghị sĩ Mark Harper và cựu Quốc vụ khanh phụ trách các trường đại học, khoa học, nghiên cứu và sáng tạo Sam Gyimah.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết