26/05/2020 - 09:35

Nông nghiệp An Giang quyết tâm vượt qua thách thức từ đại dịch 

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay, với tỉnh An Giang, nông nghiệp vẫn được xem là “bệ đỡ” quan trọng trong phát triển kinh tế. Do đó, vấn đề xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản cũng như đời sống nông dân là những mục tiêu ưu tiên mà ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng tới.

Công nhân Công ty TNHH xuất nhập khẩu Nông sản Xanh Việt kiểm tra sự đồng đều của chuối trước khi thu hoạch. 

Tìm hướng đi riêng

Thời gian qua, trước tác động của dịch COVID-19, nông nghiệp của một số địa phương gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt trong tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên tại An Giang, vẫn có nhiều HTX, doanh nghiệp nhờ những tính toán hợp lý cùng đầu tư bài bản vẫn tận dụng tốt cơ hội để phát triển. Tuy mới đi vào hoạt động được 2 năm, nhưng HTX Dịch vụ nông nghiệp và trồng xoài VietGAP Bến Bà Chi (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) đã thu hút hơn 36 xã viên là các nhà vườn trồng xoài theo chuẩn VietGAP và hữu cơ ở xã Lê Trì, thị trấn Ba Chúc của huyện Tri Tôn tham gia với diện tích hơn 56ha. Khi tham gia vào HTX, sản phẩm xoài cát Hòa Lộc của xã viên được doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu với giá ổn định, nên thời gian qua mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vấn đề tiêu thụ xoài của HTX vẫn không bị ảnh hưởng, thậm chí có thời điểm không đủ hàng để cung cấp cho đối tác.

Còn tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Xanh Việt (xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn), vùng nguyên liệu hơn 100ha trồng chuối cấy mô xuất khẩu vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, bất chấp các ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Xanh Việt, cho biết sản phẩm chuối cấy mô của công ty được canh tác theo quy trình an toàn sinh học nên rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng, nhất là Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc, Trung Đông… Hơn nữa, nhờ chủ động trong khâu xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty trong thời gian qua không bị đình trệ. “Hiện nay, công ty đang tính tới phương án mở rộng thêm khoảng 30ha để trồng bưởi da xanh ruột hồng theo chuẩn VietGAP để xuất khẩu”- bà Thủy cho biết thêm. Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn)- một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đã tìm cho mình một hướng đi riêng và từng bước tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ông Trịnh Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú, chia sẻ giữa lúc thị trường lúa gạo Việt Nam đang bị bão hòa, bởi ai cũng có thể kinh doanh, xuất khẩu gạo, thì công ty quyết đi theo hướng kinh doanh gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng không chỉ để xuất khẩu mà còn tiêu thụ nội địa. “Công ty đã đầu tư 142,9 tỉ đồng để xây dựng kho chứa, nhà máy xay xát - chế biến lúa gạo với quy mô 56.480m2, sản xuất 62.720 tấn/năm; trong đó, công ty tiến hành liên kết với bà con nông dân để sản xuất các giống lúa hữu cơ, có hàm lượng dinh dưỡng cao theo một quy trình riêng, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của những thị trường khó tính: Nhật Bản, EU… Chính vì thế, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường”– ông Phú chia sẻ.

Nắm bắt cơ hội

Mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã có chuyến khảo sát thực tế để nắm tình hình và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp trên địa bàn trước tác động của dịch COVID-19. Khi đến tham quan các doanh nghiệp và HTX nói trên, ông Bình cho rằng đây là hướng đi đúng cần tiếp tục mở rộng, thu hút thêm nhiều xã viên cùng tham gia để mở rộng diện tích, tăng sản lượng, hướng đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Bình cho rằng đợt dịch COVID-19 mang đến không ít những thay đổi lớn, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, là bài học để các doanh nghiệp đánh giá lại vấn đề “tránh phụ thuộc vào một thị trường”, là cơ hội để tái cấu trúc, các doanh nghiệp sẽ tìm ra hướng đi mới ở các ngành nghề kinh doanh, bạn hàng mới. Rủi ro của ngành này nhưng cũng có thể là cơ hội của ngành khác. Ví dụ, khi xảy ra dịch bệnh sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng 3,82%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2019 (quý I năm 2019 tăng 3,01%). “Đã đến lúc cần thay đổi thói quen sản xuất của bà con nông dân. Trước đây, bà con sản xuất chỉ chạy theo sản lượng, ít quan tâm đến chất lượng, thì nay thị trường và khách hàng lại quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng. Người tiêu dùng đang chuyển dần từ thói quen “ăn no” sang “ăn ngon”, vì vậy sản phẩm phải sạch, ngon, đầy đủ dinh dưỡng” - ông Bình nêu quan điểm.

Theo ông Bình, trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng, số lượng có thể giảm, nhưng giá trị nông sản phải tăng lên, đây là hướng đi bền vững mà các HTX, doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh cần hướng đến. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19, ông Bình cũng yêu cầu Sở NN&PTNT tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thu hút, kêu gọi, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tập trung xây dựng các mô hình liên kết, quy vùng sản xuất tập trung; chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định đáp ứng đủ điều kiện, chất lượng xuất khẩu theo yêu cầu của từng thị trường. “Cần tiếp tục chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có lợi thế hơn hoặc nuôi trồng thủy sản, phát triển mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, công nghệ cao. Tập trung tái đàn gia súc, gia cầm và tái cơ cấu giống vật nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP; thúc đẩy liên kết, hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Các sở ngành và những đơn vị liên quan cần xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ nông sản... Các sở, ngành hỗ trợ địa phương nâng cấp hạ tầng giao thông, phục vụ các dự án nông nghiệp lớn trên địa bàn. UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng- doanh nghiệp để triển khai chỉ thị của Trung ương, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh một cách cụ thể nhất”- ông Bình nói.

Bài, ảnh: Minh Anh

Chia sẻ bài viết