09/12/2023 - 10:22

Vụ đông xuân 2023-2024

Nông dân chủ động thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa 

Năm nay, lũ nhỏ giúp nông dân giảm các chi phí bơm nước đầu vụ và giá lúa đang ở mức cao, tạo phấn khởi cho bà con khi bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2023-2024. Tuy nhiên, sản xuất lúa trong vụ này vẫn còn gặp khó khi giá phân bón cùng nhiều loại vật tư, chi phí đầu vào phục vụ sản xuất ở mức cao và thời tiết, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Ðể sản xuất thắng lợi vụ lúa đông xuân, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chủ động các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và ổn định đầu ra sản phẩm.

Sạ lúa bằng máy phun hạt ở quận Ô Môn.

Sạ lúa bằng máy phun hạt ở quận Ô Môn.

Kéo giảm chi phí sản xuất

Vụ đông xuân 2023-2024, 19,5 công ruộng của ông Tô Thành Mông ngụ ấp Ðông Hòa A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai sạ giống lúa Ðài Thơm 8 được hơn 10 ngày tuổi và phát triển tốt. Ông Mông cho biết: “Năm nay lũ nhỏ rút sớm nên không phải tốn nhiều chi phí để bơm nước ra khỏi ruộng nhằm phục vụ gieo sạ lúa. Ðồng thời, giá phân bón cũng có giảm so với những tháng trước. Tuy nhiên, nhìn chung hiện giá phân bón, xăng dầu, giá thuê các loại máy móc và nhân công phục vụ sản xuất lúa vẫn còn đang ở mức khá cao. Ðể sản xuất lúa trong vụ này đảm bảo có lời, bên cạnh việc chọn sản xuất giống lúa thơm để bán giá cao, ngay khi thu hoạch lúa của vụ trước là vụ thu đông, tôi đã chủ động vệ sinh đồng ruộng, thực hiện làm đất và tranh thủ mở đồng để đưa nước lũ vào ruộng nhằm tiêu diệt các mầm sâu bệnh và bồi bổ phù sa cho đồng ruộng. Ðồng thời, gieo sạ thưa, tiết kiệm giống, giúp cây lúa khỏe mạnh, ít sâu bệnh, tạo điều kiện tiết kiệm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)” .

Ông Phạm Văn Hoàng ngụ xã Ðông Thuận, huyện Thới Lai cũng cho biết: “Vụ này giá phân bón vẫn còn cao, trong khi giá nhiều loại lúa giống đã tăng 3.000-4.000 đồng/kg so với trước đây và giá thuê nhiều loại máy móc như máy xới, máy trục... cũng tăng từ 10.000-20.000 đồng/công. Do vậy, tôi chú ý thực hiện các giải pháp được ngành chức năng khuyến cáo để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm”. Theo ông Hoàng, cùng với việc chọn sạ giống lúa cho gạo thơm ngon là Jasmine 85 cho 20 công lúa của mình, ông đã gieo sạ thưa, với lượng sử dụng giống chỉ 10-11kg/công và áp dụng các máy móc cơ giới nhằm giúp gieo sạ, bón phân và phun thuốc hiệu quả, tiết kiệm chi phí nhân công. Ngay từ sau thu hoạch lúa vụ trước, ông đã mở đồng để đón lũ được gần 2 tháng, nhờ vậy đồng ruộng cũng được bồi bổ một lượng phù sa. Vụ này dự kiến mỗi công lúa chỉ sử dụng phân bón các loại khoảng 50kg trở lại”.

Rút kinh nghiệm từ các vụ sản xuất trước và thực hiện theo các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, nông dân đã và đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giảm pháp đảm bảo có vụ mùa thắng lợi. Ðặc biệt, quan tâm thực hiện các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa để nâng cao hiệu quả trong canh tác lúa. Theo bà Ðoàn Thị Phụng ngụ phường Trường Lạc, quận Ô Môn, vụ này 8 công lúa của tôi đều được gieo sạ bằng máy phun hạt. Với việc áp dụng các máy phun hạt và máy bay không người lái, nông dân có thể thực hiện gieo sạ lúa một cách nhanh chóng, giảm được hơn 50% thời gian so với trước và tiết kiệm chi phí, đồng thời lúa được gieo sạ đều, giúp phát triển tốt và giảm được lượng sử dụng giống. Việc sử dụng các loại máy để bón phân, phun thuốc cũng giúp giảm chi phí.

Hỗ trợ, khuyến cáo nông dân

Ðông xuân là vụ lúa rất quan trọng, năng suất chất lượng lúa thường cao nhất trong năm và thời vụ sản xuất của vụ lúa này ảnh hưởng trực tiếp đến các vụ lúa sau. Ðể sản xuất lúa đông xuân đạt năng suất, sản lượng và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do điều kiện thời tiết, cũng như dịch bệnh gây ra, ngay từ sớm ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thực hiện nhiều giải pháp chủ động trong sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ lúa.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, trong vụ đông xuân, điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng có nhiều thuận lợi để sản xuất các loại lúa thơm và đặc sản, do vậy ngành chức năng khuyến cáo nông dân tập trung sản xuất các loại lúa này là chính để bán được giá cao (như lúa Ðài thơm 8, Jasmine 85, OM 18...). Ðồng thời, nông dân cần sử dụng giống tốt, đạt cấp xác nhận trở lên và đẩy mạnh ứng dụng cơ giới và các tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động và giảm chi phí. Chú ý áp dụng các máy móc và thiết bị công nghệ để thực hiện gieo sạ thông minh, chính xác và mạnh dạn giảm lượng sử dụng giống trong gieo sạ xuống dưới 100 kg/ha. Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều nơi nông dân đã thực hiện các mô hình gieo sạ thưa, với lượng sử dụng giống chỉ 45-60 kg/ha nhưng năng suất lúa vẫn đảm bảo mà lại giảm được nhiều chi phí phân bón và thuốc BVTV. Ðể giảm chi phí sản xuất, nông dân cũng cần chú ý phân bón tiết kiệm và sử dụng cân đối, phù hợp giữa đạm, lân và kali, không bón thừa phân đảm nhằm hạn chế sự phát triển của sâu bệnh hại lúa. Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng đã được ngành chức năng khuyến cáo. Tuyệt đối không vì tăng năng suất mà lạm dụng trong sử dụng phân bón và thuốc BVTV, nhất là khi thấy giá lúa cao. Cần chú ý xuất lúa theo hướng chất lượng cao, an toàn và thân thiện với môi trường để sản xuất bền vững, sản phẩm có đầu ra tốt và ổn định lâu dài. Ðồng thời, nông dân cần tăng cường liên kết với nhau và với các doanh nghiệp theo hướng hài hòa lợi ích với nhau. Qua đó, xây dựng các vùng nguyên liệu và mô hình liên kết hợp tác bền chặt giúp nâng cao được chuỗi giá trị lúa gạo và thu nhập của các bên có liên quan.

Vụ đông xuân 2023-2024, TP Cần Thơ dự kiến gieo sạ 72.049ha lúa. Ðến đầu tháng 12-2023, nông dân trên địa bàn thành phố đã xuống giống được hơn 54.100ha, đạt 75% so với kế hoạch. Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cũng đã yêu cầu ngành Nông nghiệp các địa phương cần theo dõi tình hình rầy vào đèn và thủy triều để khuyến cáo nông dân xuống giống kịp thời vụ và né rầy. Trên những diện tích đã xuống giống, cần thường xuyên nhắc nhở bà con nông dân theo dõi và ngăn chặn tốt sự xâm nhiễm của ốc từ bên ngoài vào ruộng trong 20 ngày đầu sau gieo sạ nhằm đảm bảo mật độ cây mạ lên đồng đều trên ruộng. Chủ động điều tiết nước để khống chế cỏ dại, cũng như che chắn cây lúa non để phòng tránh sự gây hại của rầy nâu.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Chia sẻ bài viết