Hiện nay, nông dân canh tác lúa và các loại cây trồng nói chung tại vùng ÐBSCL ít sử dụng các loại phân bón hữu cơ mà chủ yếu sử dụng phân vô cơ (phân hóa học). Ðiều này đã khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn khi giá các loại phân bón vô cơ đã liên tục tăng cao, trong khi giá bán nhiều loại nông sản lại ở mức thấp. Do vậy, việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ đang là một trong những giải pháp quan trọng giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Nhờ sử dụng tro trấu và các loại phân bón hữu cơ mà nông dân tại Hợp tác xã rau an toàn Hòa Phát ở quận Ô Môn có thể trồng rau muống thâm canh, an toàn, với 12 vụ/năm và lợi nhuận có thể đạt 90 triệu đồng/công/năm.
Bất lợi về chi phí sản xuất
So với hồi đầu năm 2021 và cùng kỳ năm trước, giá nhiều loại phân bón vô cơ như Urê, DAP, Kali, NPK... hiện tăng ít nhất từ 200.000-300.000 đồng/bao (50kg) và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Giá các loại phân bón tăng mạnh do giá phân bón trên thế giới tăng cao, cùng với giá các loại nguyên liệu nhập khẩu và chi phí đầu vào phục vụ sản xuất phân bón trong nước tăng. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm cho việc nhập khẩu và vận chuyển phân bón giữa các địa phương trong nước có phần gặp khó và phát sinh thêm chi phí, góp phần làm tăng giá bán khi đến tay người tiêu dùng. Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang… hiện DAP nhập khẩu từ Philippines có giá lên đến 960.000-990.000 đồng/bao, DAP Trung Quốc (loại hạt xanh) 930.000-950.000 đồng/bao. Giá NPK 20-20-15 Ba Con Cò, NPK 20-20-15 Ðầu Trâu và NPK 20-20-15 +TE Ðầu Trâu ở mức từ 830.000-870.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá Kali (Canada, Israel, Nga) cũng đang ở mức rất cao, từ 680.000-720.000 đồng/bao. Còn giá các loại Urê (phân đạm) ở mức từ 600.000-670.000 đồng/bao trở lên.
Giá phân bón tăng cao, trong khi giá bán nhiều loại nông sản lại không tăng, thậm chí còn bị giảm mạnh nên nông dân gặp nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Văn Giỏi ngụ xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Chưa bao giờ giá phân bón lại tăng cao như năm nay, trong khi giá nhiều loại nông sản bị giảm thấp do đầu ra gặp khó vì dịch COVID-19. Do giá phân bón và các chi phí sản xuất đầu vào tăng mạnh và giá lúa giảm hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ, xuống chỉ còn mức 4.500 đồng/kg nên vụ lúa thu đông 2021 này lợi nhuận sẽ rất thấp, khoảng 800.000 đồng/công lúa. Tôi rất lo cho vụ lúa đông xuân 2021-2022 tới đây cũng sẽ tiếp tục gặp khó vì giá phân bón quá cao. Hiện DAP có giá gần 1 triệu đồng/bao, tính ra nông dân phải bán hơn cả chục giạ lúa mới mua được một bao DAP”. Trước tình hình giá phân bón tăng cao và giá đầu ra nhiều loại nông sản ở mức thấp, nhiều nông dân tạm thời buộc phải giảm lượng bón phân cho nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, về lâu dài, đều này có thể ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng của các loại cây trồng. Nông dân rất mong ngành chức năng cần kịp thời có giải pháp kéo giảm giá phân bón, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tăng cường sản xuất, sử dụng các loại phân bón hữu cơ có chi phí thấp và giá rẻ để hạn chế sử dụng phân bón hóa học mà vẫn nâng cao được hiệu quả sản xuất.
Cần sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn
Hiện nay, các nguồn phụ phẩm rất lớn trong nông nghiệp có thể dùng để làm phân bón hữu cơ với chi phí khá thấp, trong đó có rơm rạ trong quá trình sản xuất lúa và các chất thải từ quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Tuy nhiên, do còn thiếu thông tin và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu gom, xử lý và ngại tốn nhiều nhân công nên nông dân chưa khai thác tốt chúng để biến thành các loại phân bón hữu cơ có chi phí thấp nhằm phục vụ cho cây trồng. Do vậy, ngành chức năng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trong khai thác, sử dụng các nguồn phân bón hữu cơ.
Cách nông dân đốt rơm rạ sau các mùa thu hoạch lúa để làm phân bón không mang lại hiệu quả cao vì rơm sau khi bị đốt hầu như chỉ còn giữ lại lượng kali, còn phần lớn các chất dinh dưỡng khác đều bị mất. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, để giúp nông dân tận dụng tốt nguồn rơm rạ trong sản xuất lúa làm phân bón hữu cơ bổ sung cho đất và hạn chế việc đốt rơm rạ, các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Bộ NN&PTNT cần quan tâm nghiên cứu, chuyển giao việc ứng dụng các công nghệ và máy móc cơ giới để tăng cường thu gom, chế biến và biến rơm rạ thành phân bón hữu cơ.
Việc hạn chế sử dụng phân bón hóa học và tăng cường dùng phân bón hữu cơ không chỉ giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cả người sản xuất và tiêu dùng sản phẩm. Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ, tạo sự ổn định, bền vững lâu dài. Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết: “Phân bón hữu cơ không chỉ giúp cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng mà còn giúp cải thiện chế độ mùn, hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Việc tăng cường sử dụng phân bón hữu vừa góp phần năng cao năng suất, chất lượng nông sản, vừa thúc đẩy khai thác tiềm năng rất lớn về tận dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi”. Hiện nay, người ta phân loại phân hữu cơ gồm 2 nhóm. Ðó là phân bón hữu cơ truyền thống gồm các nguồn từ chất thải động vật, thực vật, rác hữu cơ, than bùn… được chế biến theo phương pháp ủ truyền thống. Thứ 2 là nhóm phân bón hữu cơ công nghiệp được chế biến từ các nguồn hữu cơ khác nhau để tạo thành phân bón tốt hơn so với nguyên liệu thô ban đầu, trong nhóm này có nhiều loại như phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh…Theo thống kê từ các địa phương và doanh nghiệp, năm 2020 cả nước sử dụng 19,51 triệu tấn phân bón hữu cơ, trong đó có 2,63 triệu tấn sản xuất công nghiệp và hơn 16,88 triệu tấn nông hộ tự sản xuất…
Dù lượng sử dụng phân bón hữu cơ vẫn còn ở mức thấp nhưng đã liên tục có xu hướng tăng trong những năm qua, đây là tín hiệu rất đáng mừng, nhất là đối với phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp. Năm 2017 nước ta chỉ sử dụng 1,07 triệu tấn phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp thì đến năm 2018 tăng lên 1,64 triệu tấn, năm 2019 là 2,28 triệu tấn, năm 2020 đạt 2,63 triệu tấn. Ngành Nông nghiệp đã đề ra mục tiêu phát triển phân bón hữu cơ đến năm 2025, với công suất sản xuất phân bón của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đủ điều kiện được nâng lên 1,25 lần, tương đương 5 triệu tấn/năm. Lượng phân bón hữu cơ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, để khuyến khích người dân và doanh nghiệp sản xuất và sử dụng các loại phân bón hữu cơ, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp các địa phương và ngành hữu quan tăng cường tập huấn, hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả. Đặc biệt, xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ tiêu biểu trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia trong kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG