Như Báo Cần Thơ đã đưa tin, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã khen thưởng cho hai người dân có công phát hiện và giao nộp tượng cổ quý, tìm thấy ở sông Cổ Chiên. Quá trình nghiên cứu, xác minh, các nhà khoa học đã thống nhất định danh là tượng nữ thần Saraswati. Vậy, vị nữ thần này là ai và giá trị của pho tượng này như thế nào?
Về nữ thần Saraswati
Đầu năm 2017, ông Lê Văn Thông (ngụ ấp 3, xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) trong quá trình khai thác cát trên sông Cổ Chiên đã phát hiện một pho tượng bằng đá, cao 1,4m. Ông Thông không biết là tượng gì nên đem tặng cho chùa Phước An (ấp Hồi Thạnh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) lưu giữ. Nhận được thông tin, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long và ngành chức năng đã đến chùa tìm hiểu, vận động giao nộp theo đúng quy định. Pho tượng được đưa về Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long ngày2-4-2017 .
Tượng nữ thần Saraswati đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.
Tháng 5-2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long thành lập Hội đồng thẩm định hiện vật gồm các chuyên gia có kinh nghiệm trong việc giám định cổ vật trong cả nước. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu thống nhất định danh là tượng nữ thần Saraswati. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau đó có công văn đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long thực hiện các thủ tục giao tượng cổ cho Bảo tàng tỉnh để bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Nữ thần Saraswati là một vị thần trong Ấn Độ giáo. Theo đó, Ấn Độ giáo thờ Tam vị nhất thể, gồm 3 vị thần tối cao: Brahma là đấng tạo hóa, Vishnu là đấng bảo hộ, còn Shiva là đấng hủy diệt. Thần Vishnu và Shiva là hai thế lực đối nghịch nhau, còn thần Brahma là một thế lực cân bằng. Nữ thần Saraswati chính là phối ngẫu (được hiểu là vợ) của thần Brahma. Tên của bà có nghĩa là “Mẹ của dòng sông”.
Nữ thần Saraswati có nhan sắc tuyệt trần, căng tràn sức sống. Theo tác giả Nguyễn Anh Tuấn trong bài “Nữ thần Saraswati (Benzaiten) ở Nhật Bản - Quá trình hình thành, phát triển và bản địa hóa” in trên tạp chí Nghiên cứu tôn giáo (số 1, năm 2016), thì thần Saraswati là hiện thân cho trí tuệ, sự thông minh và nghệ thuật. Các bản kinh nói về thần Saraswati đều khẳng định: nữ thần hứa sẽ tăng thêm niềm vui và tài hùng biện cho những người thuyết pháp. Nữ thần khẳng định trí tuệ tuyệt đối của mình khi cam kết sẽ hoàn chỉnh, bổ sung lại các đoạn kinh văn bị thiếu sót cũng như hỗ trợ người thuyết pháp nhớ lại những đoạn kinh văn mình đã quên.
Nữ thần còn nhấn mạnh đến những quyền năng - đại trí tuệ có thể đem đến cho người thuyết pháp, bao gồm: phúc đức vô lượng; khả năng thấu hiểu; khả năng kiểm nghiệm và thông suốt tất cả các lý luận, học thuyết; khả năng biết rõ tất cả các nghệ thuật trên thế gian… Ngoài ra, nữ thần Sarawati thường xuất hiện với cây đàn, biểu trưng cho việc nữ thần là đấng bảo trợ cho âm nhạc, nghệ thuật.
Giá trị của pho tượng
Pho tượng cổ phát hiện trên sông Cổ Chiên có chiều cao 140cm, trong đó phần thân tượng cao 113cm, làm bằng đá sa thạch, thuộc dòng văn hóa Óc Eo, có niên đại từ khoảng thế kỷ VI đến thế kỷ VII. Điều đặc biệt là sau ngàn năm bị chôn vùi dưới lòng sông nhưng pho tượng vẫn còn khá nguyên vẹn, chỉ bị mẻ một chút phần bệ và gãy một đoạn tay phải. Hội đồng thẩm định hiện vật đánh giá pho tượng này quý và lạ, chưa tìm thấy ở Đông Nam Á vì nhiều lẽ.
Tượng nữ thần Saraswati vẫn thường thấy trong văn hóa Ấn Độ giáo là ngồi độc lập trên tòa sen hoặc cạnh bên vật thiêng là con ngỗng trắng (hansa). Pháp tướng của bà thường được thể hiện với 4 tay cầm 4 binh khí (4 tay gắn với hình tượng tứ diện của thần Brahma). Một pháp tướng khác được thể hiện là nữ thần Saraswati có 2 tay, cầm cây đàn rất mềm mại. Pho tượng tìm được ở sông Cổ Chiên lại khác, nữ thần Saraswati đứng trang nghiêm, phía sau có khung bệ đỡ hình chữ U rất vững chãi. Tay trái nữ thần cầm bình nước thánh Kendy, mang ý nghĩa tạo dựng mầm sống, biểu trưng cho sự tốt lành, sinh sôi nảy nở và gột rửa, thanh khiết con người.
Xét về mỹ thuật, tượng nữ thần Saraswati tìm được ở Vĩnh Long đạt đến trình độ điêu khắc tinh xảo. Từng hoa văn, chi tiết đến thần thái, biểu cảm khuôn mặt của nữ thần rất sống động, chân thực. Ở phương diện lịch sử, khảo cổ, theo đánh giá của ngành văn hóa tỉnh Vĩnh Long, tượng nữ thần Saraswati rất hiếm xuất hiện ở Việt Nam. Pho tượng cổ cho thấy sự giao thoa văn hóa từ xa xưa giữa Việt Nam với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Đây cũng là cơ sở để các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu sắc hơn nền văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam bộ.
Tóm lại, tượng nữ thần Saraswati là một tư liệu khoa học quý báu mà các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực: lịch sử, khảo cổ, văn hóa, tôn giáo, mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ… có thể tiếp cận. Hiện Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long cũng đang trưng bày để phục vụ khách tham quan, góp phần quảng bá một cổ vật có giá trị được tìm thấy ngay trên dòng sông quê hương.
Bài, ảnh: Duy Khôi