28/09/2010 - 09:30

Nỗi lo về nguồn đất hiếm trên thế giới

Khai thác đất hiếm tại Trung Quốc.
Ảnh: Rex Features

Dù Trung Quốc phủ nhận ý định cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản vì vấn đề va chạm chính trị, nhưng các nước công nghiệp phát triển vẫn canh cánh nỗi lo về nguồn cung nguyên liệu chế tạo hàng hóa kỹ thuật cao.

Tháng 7-2010, theo tờ Le Monde (Pháp), Bắc Kinh đã thông báo ý định cắt giảm 72% sản lượng xuất khẩu đất hiếm vào cuối năm nay. Thế nên, ngay trong tháng 8, một số phái đoàn quan chức và doanh nghiệp Nhật Bản đã chủ động sang Trung Quốc nhằm thuyết phục Bắc Kinh đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đất hiếm cho Tokyo. Tuy nhiên, nỗ lực của họ bất thành, vì Trung Quốc tuyên bố nước này phải đẩy mạnh cuộc chiến chống nạn khai thác đất hiếm trái phép, ngăn ngừa nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Thật ra, theo Nhật báo Wall Street của Mỹ, Trung Quốc đã thực thi lệnh áp đặt hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm trên quy mô toàn cầu từ cách đây hơn một năm. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu đất hiếm năm 2009 đã giảm tới 40%, còn khoảng 30.300 tấn. Do đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng Trung Quốc theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch. Mỹ và Mexico sau đó cũng đã tham gia vụ kiện này. Các nước công nghiệp phát triển càng lo hơn khi thống kê 6 tháng đầu năm 2010 cho thấy sản lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc chưa tới 8.000 tấn. Thường thì quốc gia đông dân nhất hành tinh này mỗi năm sản xuất khoảng 124.000 tấn đất hiếm, trong khi nhu cầu của thế giới là 134.000 tấn. Bản thân nhu cầu sử dụng của Trung Quốc chiếm 51% sản lượng đất hiếm của thế giới, nhưng nước này vẫn cung cấp từ 90-97% nhu cầu nhập khẩu đất hiếm của thế giới. Nhật Bản tiêu thụ 17% sản lượng đất hiếm của thế giới và nhập khẩu 30.000 tấn đất hiếm từ Trung Quốc năm 2009.

Hiện nay, các nước khác trên thế giới có sản lượng khai thác đất hiếm rất nhỏ lẻ. Mỗi năm, quốc gia đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ chỉ sản xuất 2.700 tấn đất hiếm, còn Estonia khoảng 2.400 tấn. Sản lượng đất hiếm của Brazil và Malaysia cũng không đáng kể. Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ có ngành công nghiệp khai thác đất hiếm cách đây 50 năm, nhưng gần như đã bỏ hẳn từ những năm 1980-1990 vì không thể cạnh tranh nổi với nguồn nguyên liệu đất hiếm dồi dào và rẻ của Trung Quốc. Nhiều nguồn tin cho biết Mỹ đang tập trung khôi phục lại ngành công nghiệp này để phục vụ nhu cầu trong nước và hiện nay tập đoàn khoáng sản Molycorp tại California khai thác được 3.000 tấn đất hiếm/năm. Trong khi đó, Nhật Bản ráo riết tìm kiếm nguồn cung mới từ các nước như Kazakhstan, song song đó là xúc tiến đầu tư ngành tái chế nguyên liệu đã qua sử dụng.

PHÚC NGUYÊN
(Theo Le Monde, AFP và Wall Street Journal)

Đất hiếm bao gồm 17 nguyên tố hóa học, trong đó có Yttrium và Lanthanum. Chúng được sử dụng trong nhiều sản phẩm kỹ thuật cao như máy vi tính, bình điện dùng cho xe hơi vừa chạy xăng vừa chạy điện, đầu đĩa DVD, tua-bin gió, chất xúc tác trong xe hơi và nhà máy lọc dầu, đèn chiếu sáng, tia laser, sợi quang học, chất siêu dẫn và cả vũ khí. Loại nguyên liệu này làm cho pin, động cơ trở nên nhỏ và nhẹ hơn.


Khai thác đất hiếm tại Trung Quốc. Ảnh: Rex Features

Chia sẻ bài viết