08/10/2019 - 10:32

Nở rộ trào lưu đầu tư lấy hộ chiếu 

Thay vì xếp hàng tại các quầy làm thủ tục nhập cảnh, những người siêu giàu trên thế giới tham gia vào chương trình đầu tư để mua quyền công dân (CIP). Ngày 4-10, Montenegro đã trở thành quốc gia mới nhất thông báo tiếp nhận các đơn xin theo dạng CIP.

Hộ chiếu Montenegro. Ảnh: citizenshipconsultant

Montenegro đang dành cho 2.000 người cơ hội bỏ túi hộ chiếu của đất nước Đông Âu này. Điều kiện là người tham gia phải đầu tư ít nhất 274.000USD vào các dự án phát triển, đồng thời đóng phí hơn 109.000USD/đơn (số tiền này dùng để rót vào các khu vực chưa phát triển).

Tuần rồi, hãng Henley& Partners đã công bố danh sách các quốc gia sở hữu hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2019, trong đó Nhật Bản và Singapore đứng đầu, do được miễn visa vào 190 nước và vùng lãnh thổ. Đối với những người có hộ chiếu ít hấp dẫn hơn, CIP sẽ là một lựa chọn khác. Khung pháp lý này cho phép người nước ngoài sở hữu hộ chiếu bằng cách đầu tư những khoản tài chính lớn, thường là vào việc phát triển cơ sở hạ tầng hoặc trái phiếu chính phủ. Mô hình này xuất hiện lần đầu ở đảo quốc St. Kitts và Nevis hồi năm 1984 và phổ biến hơn kể từ năm 2009. Một ước tính hồi năm 2017 cho thấy mỗi năm có khoảng 5.000 người được cấp hộ chiếu quốc gia khác thông qua CIP. Đến nay, các chương trình tương tự cũng đã có mặt ở những nước phát triển như Mỹ, Canada và Anh. Áo, Antigua & Barbuda, Malta, CH Síp và Dominica đều tích cực “tiếp thị” các phiên bản CIP.

Nghe có vẻ dễ, nhưng quy trình xem xét các đơn xin cấp hộ chiếu loại này có thể mất nhiều tháng, thậm chí là vài năm. Cơ quan sở tại cần đánh giá tình trạng tài chính và có phạm pháp hay không của người xin cấp hộ chiếu để đảm bảo tiền đầu tư là “sạch”. Không ngạc nhiên khi chương trình CIP của Mỹ nằm trong số những hộ chiếu khó xin nhất. Người nộp đơn phải đáp ứng được yêu cầu cư trú 5 năm tại đây trước khi có đủ điều kiện xin cấp quyền công dân và cũng không chắc có được nó. Theo hãng tin CNN, phí xin cấp hộ chiếu có nhiều mức, từ 100.000USD ở Dominica cho đến ít nhất là 2,15 triệu USD ở CH Síp. Nhìn chung, những hộ chiếu tốt nhất, xét về khả năng miễn thị thực đến nhiều quốc gia, thường đắt nhất.

Theo khảo sát “Quyền công dân thứ hai” của hãng tư vấn pháp lý CS Global Partners hồi năm 2017, có đến 89% người được hỏi muốn sở hữu hộ chiếu thứ hai và hơn 34% cho biết đang xem xét đầu tư.

►Nhiều lợi ích

Có nhiều lợi ích của việc sở hữu nhiều hơn một hộ chiếu, đặc biệt với những doanh nhân vì họ cần di chuyển liên tục và không muốn chờ trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng để xin visa. Chẳng hạn ở Bulgaria, họ chỉ cần đầu tư 560.000USD để mua trái phiếu chính phủ nước này là có trong tay hộ chiếu, cho phép đi lại tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số khác thì xem việc đầu tư này là phương án dự phòng trong trường hợp nơi họ sinh sống bị cấm vận, chiến tranh hoặc thảm họa thiên nhiên. Thậm chí, đối với một số người, sưu tập hộ chiếu giống như một biểu tượng quyền lực bởi nó chứng minh họ đạt đến một mức độ tài chính nào đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo mô hình CIP kéo theo nhiều hệ lụy về mặt kinh tế và chính trị. Theo giải thích của George DeMartino- Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Denver (Mỹ), CIP cho phép những người có ít nhu cầu di cư nhất có được quyền này và giành được quyền công dân ở một quốc gia mới, trong khi những người thực sự muốn di cư, chẳng hạn do gặp những hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại quê nhà thì hoàn toàn không được hưởng lợi từ các chương trình như vậy.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết