05/01/2020 - 18:42

Nỗ lực tháo ngòi nổ chiến tranh 

Giới chức Iran, từ Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei, Tổng thống Hassan Rouhani cho tới người đứng đầu ngành ngoại giao và quân đội đều đã lên tiếng sẽ “đáp trả khốc liệt” việc Mỹ dùng máy bay không người lái bắn tên lửa sát hại Tướng Qassem Soleimani tại sân bay quốc tế Baghdad của Iraq rạng sáng 3-1.

Trực thăng cất cánh từ chiến hạm Mỹ USS Boxer tại Eo biển Hormuz hồi tháng 7-2019. Ảnh: US Marine Corps

Trực thăng cất cánh từ chiến hạm Mỹ USS Boxer tại Eo biển Hormuz hồi tháng 7-2019. Ảnh: US Marine Corps

 

Soleimani về danh nghĩa chỉ mang hàm thiếu tướng, nắm chức tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), nhưng trên thực tế ông là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong giới quân sự ở Trung Đông, thậm chí được xem là người có quyền lực lớn thứ hai tại Tehran, chỉ sau lãnh tụ Khamenei. Sở dĩ như vậy là bởi vì Tướng Soleimani đại diện cho sự bất khuất của Tehran trước các biện pháp bao vây, cấm vận của Washington; đồng thời không ngừng khuếch trương thanh thế của Iran bằng cách xây dựng các nhóm trung thành tại nhiều quốc gia láng giềng như Iraq, Syria, Lebanon, Yemen…

Thế nên việc Mỹ công khai thừa nhận chính Tổng thống Donald Trump ra lệnh tiêu diệt ông Soleimani chẳng khác nào cái tát vào niềm tự hào của Iran và chắc chắn nước này sẽ đáp trả, dù sớm hay muộn, bằng cách này hay cách khác. Kịch bản khả dĩ nhất và cũng đáng sợ nhất là tấn công nhằm vào công dân Mỹ. Tướng Gholamali Abuhamzeh, chỉ huy IRGC ở tỉnh Kerman, nói thẳng rằng Tehran sẽ trừng phạt người Mỹ ở bất cứ nơi nào trong phạm vi của lực lượng nước này. Ông Abuhamzeh cũng nêu cụ thể Eo biển Hormuz là tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch và rất nhiều tàu chiến của Mỹ đi qua đây. Iran từ lâu đã xác định được các mục tiêu quan trọng thuộc Lầu Năm Góc trong khu vực, trong đó có khoảng 35 mục tiêu nằm trong tầm tấn công của họ. Trước mắt, đã có 2 quả đạn cối rơi vào khu vực gần Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad và 2 quả rocket rơi vào căn cứ Al-Balad của quân đội Mỹ tại Iraq vào tối 4-1, song may mắn không gây thương vong. Các nhóm dân quân thân Iran được cho là thủ phạm.

Đáp lại, sáng 5-1, ông Trump lên Twitter tuyên bố sẽ không kích 52 mục tiêu của Iran, kể cả các địa điểm văn hóa, nếu Tehran tiếp tục đe dọa Mỹ. “Hãy xem đây là lời cảnh báo. Nếu Iran tấn công bất cứ người Mỹ hoặc tài sản nào của Mỹ, chúng tôi đang nhắm 52 mục tiêu (đại diện cho 52 người Mỹ bị Iran bắt làm con tin nhiều năm về trước), trong đó một số rất quan trọng đối với Iran và nền văn hóa Ba Tư… Nước Mỹ không muốn có thêm bất cứ lời đe dọa nào nữa”, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định. 52 là số người Mỹ bị Iran bắt làm con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran trong cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Trước nguy cơ Tổng thống Trump tiếp tục rấn tới trong cuộc xung đột với hậu quả khôn lường, Thượng nghị sĩ  Bernie Sanders (đang tranh vé đại diện đảng Dân chủ chạy đua vào ghế tổng thống Mỹ) và Hạ nghị sĩ Ro Khanna vừa giới thiệu dự luật ngăn chặn tài trợ cho bất kỳ lực lượng quân đội tấn công nào tham gia hoặc chống lại Iran mà không có sự cho phép trước đó của quốc hội.

Các vị này cho rằng leo thang căng thẳng có thể dẫn tới một cuộc chiến thảm khốc với Iran khiến vô số người thiệt mạng và tiêu tốn hàng nghìn tỉ USD. Còn Thượng nghị sĩ Tim Kaine thì yêu cầu bất kỳ hành động thù địch nào đối với Iran phải được ủy quyền rõ ràng bởi một tuyên bố chiến tranh của quốc hội. Trước sức ép từ cơ quan lập pháp, Nhà Trắng đã chính thức gửi thông báo về cuộc không kích vào sân bay quốc tế Baghdad theo yêu cầu của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Và như để can gián lãnh đạo, nhiều người đã xuống đường biểu tình tại Thủ đô Washington cùng một số thành phố khác của Mỹ nhằm lên án cuộc không kích tại Iraq do Tổng thống Trump chỉ thị, cũng như quyết định triển khai thêm 3.000 binh sĩ tới Trung Đông. Họ cũng giương cao khẩu hiệu kêu gọi Mỹ rút binh sĩ khỏi Trung Đông và chấm dứt các lệnh trừng phạt chống Iran. 

Trong khi đó, trong nỗ lực không để xảy ra tính toán sai lầm, Chính phủ Iraq một mặt yêu cầu Mỹ và Iran kiềm chế, mặt khác ban hành lệnh cấm mọi hoạt động của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu mà không có sự chấp thuận của Thủ tướng kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nước này Adel Abdel Mahdi.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết