17/03/2011 - 08:04

Nỗ lực ngăn thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản

Một nhóm nhỏ các kỹ thuật viên cố gắng bám trụ ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima trong nỗ lực nhằm ngăn chặn thảm họa hạt nhân lan rộng.

Sứ mệnh cuối cùng

Đeo mặt nạ phòng hơi độc và bình ô xy trên lưng, họ gồm khoảng 50 -70 người tình nguyện (hoặc được chỉ định) ở lại để bơm nước biển vào tháp ngăn nhiên liệu hạt nhân, nơi lo sợ đã bị rò rỉ phóng xạ, trong khi tất cả nhân viên nhà máy Fukushima được lệnh sơ tán. Những người ở lại nỗ lực ngăn hàng ngàn tấn bụi phóng xạ có nguy cơ lan trong không khí, gây nguy hiểm cho hàng triệu người. Họ vất vả giữ hàng trăm lít nước biển mỗi phút đổ vào 3 lò phản ứng 1, 2, 3 bị ảnh hưởng nặng do động đất. Có tin thêm một đám cháy nữa bùng phát tại lò phản ứng số 4 của nhà máy, nơi các thanh nhiên liệu đang được làm lạnh. Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cho biết họ đang cân nhắc việc dùng trực thăng rải acid boric, chất ngăn cháy, tại lò phản ứng số 4. Nhiệt độ tại các lò phản ứng 5 và 6 cũng tăng lên đáng ngại, nhưng đang được kiểm soát.

 

Bất chấp chính phủ Nhật kêu gọi bình tĩnh, tâm lý hoang mang vẫn đang lan tỏa khi một vài hãng hàng không hủy các chuyến bay tới Tokyo và các chuyến bay rời khỏi Nhật bị “cháy vé”. Người nước ngoài đang rời khỏi Nhật trong khi nhiều người ở Tokyo đang rời thủ đô tới thành phố Osaka, còn những người ở lại vẫn đóng chặt cửa. Trong bài phát biểu mới trên truyền hình, Thủ tướng Naoto Kan kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, nhưng yêu cầu mọi người trong bán kính 20 km quanh nhà máy phải di tản đi chỗ khác ngay lập tức và 140.000 người trong vòng 30 km ở lại trong nhà.

Tính đến 10 giờ tối qua, số người thiệt mạng ghi nhận được đã lên tới 4.164 người và hơn 8.000 người mất tích. Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ cho biết, 60.000 tòa nhà bị hủy hoại, cùng với 704 con đường, 26 cây cầu và 8 tuyến đường sắt hư hỏng nặng. Văn phòng nhân đạo Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 371.000 người phải ở trong các lều trại do chính quyền thiết lập.

Các nước láng giềng lo lắng

Những vụ nổ tại nhà máy Fukushima khiến nhiều nước trong khu vực lo sợ thảm họa hạt nhân lan rộng khắp châu Á. Hầu hết các chuyên gia cho rằng việc lặp lại vụ nổ như Chernobyl là khó xảy ra, vì các lò phản ứng ở Nhật được thiết kế tốt hơn và kết hợp cả kết cấu ngăn cản bằng thép và bê tông. Nhà máy Fukushima cũng được đóng cửa trước khi phản ứng dây chuyền nguy hiểm có thể xảy ra. Tuy nhiên, Hồng Công, Singapore, Malaysia và Hàn Quốc cho rằng họ sẽ giám sát những dấu hiệu ô nhiễm phóng xạ mới, trong khi tuyên bố sẵn sàng kiểm tra tất cả hàng hóa Nhật nếu cần thiết.

Người dân ở nhiều nước cũng có hành động tự bảo vệ. Công dân Nga ở vùng Viễn Đông đã mua thuốc ngăn ngừa bệnh phóng xạ trong khi các đơn vị quân đội ở các đảo Sakhalin và quần đảo Kuril còn tranh chấp với Nhật, chuẩn bị sơ tán nếu mức đe dọa hạt nhân được nâng lên cấp độ nghiêm trọng hơn. Tại Philippines, các cơ quan chính phủ và các tổ chức y tế đã phải trấn an người dân đang hoang mang do những tin nhắn điện thoại di động cho rằng những đám mây bụi phóng xạ có thể lan tới nước này. Tương tự, nhiều tin nhắn gây hoang mang cũng xuất hiện ở Thái Lan và Indonesia.

N. MINH
(Theo Guardian, NYT, WSJ và TTXVN)

Việt Nam ít có khả năng chịu ảnh hưởng của bụi phóng xạ

Ngày 16-3, thay mặt cho cơ quan lý Nhà nước về lĩnh vực điện hạt nhân của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến đã bác bỏ thông tin Việt Nam phải chịu ảnh hưởng của bụi phóng xạ từ việc nổ các tổ máy của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1-Nhật Bản do hậu quả của trận động đất và sóng thần xảy ra ngày 11-3 và khẳng định Việt Nam ít có khả năng chịu ảnh hưởng vì sự cố này.

Theo đánh giá của các nhà khoa học hạt nhân Nhật Bản và quốc tế, sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 khác hẳn về mặt bản chất và mức độ so với thảm họa Chernobyl năm 1986 (ở Liên Xô cũ), bụi phóng xạ thoát ra từ các vụ nổ được đánh giá là không lớn.

Ngay sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập một tổ công tác bao gồm các nhà quản lý và các chuyên gia khoa học để thường xuyên theo dõi diễn biến sự cố, trực tiếp trao đổi với đại diện công ty phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam để cập nhật những thông tin mới nhất. Trên cơ sở các nguồn thông tin chính thức, trong đó có Nhật Bản và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các nhà khoa học đã kết luận nguyên nhân sự cố tại lò số 1 và số 3 là do các lò phản ứng hạt nhân này thuộc thế hệ cũ, khả năng chống chọi động đất thấp hơn cường độ trận động đất đã xảy ra. Hệ thống an toàn của các lò được thiết kế hoàn toàn tự động, khi xảy ra sự cố, hệ thống tự ngắt điện, hệ thống làm mát khẩn cấp không hoạt động được, gây tình trạng mất nước, làm tăng nhiệt độ và áp suất vùng hoạt lò phản ứng dẫn tới các vụ nổ khí hydro.

Theo các nhà khoa học Việt Nam, sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 là bài học, kinh nghiệm hết sức cần thiết cho Việt Nam trong việc chuẩn bị xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và ứng phó với các thảm họa thiên nhiên. Trong đó, vấn đề lựa chọn công nghệ mới, có khả năng chống chịu với những thảm họa môi trường lớn, cường độ mạnh cũng được các nhà khoa học lưu ý. Ngoài ra, theo các nhà khoa học, Việt Nam tuy không phải là quốc gia thường xuyên xảy ra động đất với cường độ lớn nhưng những gì xảy ra tại Nhật Bản đã nhắc nhở tất cả các quốc gia cần có sẵn kế hoạch ứng phó hiệu quả, kịp thời trước những sự cố xấu nhất có thể xảy ra.

Hồng Ninh (TTXVN)

N. MINH (Theo Guardian, NYT, WSJ và TTXVN)

Chia sẻ bài viết