01/04/2020 - 09:42

Nỗ lực để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh 

Quý I-2020, tình hình phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) của TP Cần Thơ duy trì nhịp độ ổn định và là bước khởi đầu tích cực để có những giải pháp khắc phục hạn chế, đẩy nhanh sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020. Trong đó, thành phố cần nỗ lực phấn đấu nhiều hơn của các cấp, các ngành, khống chế dịch COVID-19 và vận dụng, tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp…

Kè chống sạt lở sông Cái Sơn thuộc quận Ninh Kiều, Bình Thủy - một trong những công trình xây dựng cơ bản đang đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành trong năm 2020.  

Giữ nhịp tăng trưởng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Cần Thơ, quý I, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố giữ mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm 2019; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng trên 25%; điều hành tiền tệ và ngân hàng ổn định, an toàn. Giáo dục, khoa học công nghệ, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, công tác phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả…

Ông Nguyễn Thực Hiện, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Trước tác động kép của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường và hạn mặn diễn ra trên diện rộng đã tác động đến nhiều mặt của đời sống KT-XH trên địa bàn TP Cần Thơ, UBND thành phố đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương. Đồng thời, thành phố tổ chức thực hiện các giải pháp hạn chế ảnh hưởng, tập trung phát triển KT-XH; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Thành ủy, HĐND thành phố giao trong năm 2020. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp giải quyết các vấn đề mới phát sinh về KT-XH: phòng, chống dịch COVID-19; triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020; triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời các giải pháp thu- chi ngân sách, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội… trên địa bàn”.

Theo thống kê, quý I-2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giữ mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm 2019, ước tháng 3 tăng 1,26% so với tháng trước và tăng 8,36% so với cùng kỳ, tính chung trong quý I, IIP tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3 ước thực hiện 12.128 tỉ đồng, tăng 10,07% so với cùng kỳ 2019, lũy kế quý I ước thực hiện 37.314 tỉ đồng, đạt 24,86% kế hoạch, tăng gần 10% so cùng kỳ 2019; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3 ước thực hiện 185,65 triệu USD, tăng 2,65% so với tháng trước, quý I ước thực hiện 545 triệu USD, đạt 15,8% kế hoạch, tăng 0,75% so với cùng kỳ 2019; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều thuận lợi trong vụ lúa đông xuân 2019-2020, trúng mùa, được giá; tình hình thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng, với tổng thu trên địa bàn từ đầu năm đến ngày 16-3-2020 thực hiện trên 2.866 tỉ đồng, đạt 16,16% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 24,91% so với cùng kỳ năm 2019…

Nhiều giải pháp ứng phó

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố vẫn còn tồn tại một số khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, làm sức mua của thị trường từ sau Tết đến nay giảm từ 30-40%, một số cơ sở sản xuất trên địa bàn có nguy cơ thiếu nguồn vật tư, nguyên liệu, hiện tượng khan hiếm, sốt hàng ở một số mặt hàng phòng ngừa dịch bệnh có khả năng xảy ra; các hoạt động dịch vụ, kho bãi, vận tải giảm mạnh; lượng khách du lịch đến, lưu trú và doanh thu sụt giảm nhanh, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, có khả năng gây thiệt hại cho một số ngành, lĩnh vực trên địa bàn...

 “Dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động lớn, kéo dài. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, làm cho nhiều lĩnh vực KT-XH bị sụt giảm. Trong đó, việc đăng ký thành lập mới doanh nghiệp giảm mạnh, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị chậm lại; một số doanh nghiệp thiếu hụt nguồn cung ứng nguyên liệu, vật tư; sản phẩm chậm tiêu thụ, hàng tồn kho tăng; giải quyết việc làm giảm đáng kể… Đây là vấn đề cần khắc phục ngay khi dịch bệnh chấm dứt”- ông Nguyễn Thực Hiện cho biết thêm.

Quý II-2020, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tận dụng lợi thế những tháng mùa khô, sớm thi công và hoàn thành các công trình xây dựng cơ bản, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực KT-XH trên địa bàn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ triển khai sớm thực hiện các văn bản chỉ đạo về các giải pháp hỗ trợ, tăng khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh; Cục Thuế TP Cần Thơ nghiên cứu nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 và phối hợp với các sở, ngành thành phố, quận, huyện rà soát, thống kê, báo cáo UBND thành phố triển khai ngay các chính sách về miễn giảm thuế, tiền thuê đất, kéo dài thời gian, giản tiến độ nộp tiền thuế, tiền thuê đất… nhằm hỗ trợ một cách cụ thể, hữu hiệu, kịp thời cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng theo quy định. Các cơ quan chức năng,  hiệp hội doanh nghiệp, du lịch tập trung nghiên cứu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, du lịch, tìm đầu ra xuất khẩu hàng hóa, nông sản; quảng bá, liên kết chuỗi tham quan, du lịch của vùng để thu hút khách du lịch trở lại; theo dõi sát tình hình sản xuất, kinh doanh, bán buôn, xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp để tham mưu, kiến nghị UBND thành phố các giải pháp ứng phó, hỗ trợ, kịp thời khi doanh nghiệp gặp khó…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết