20/09/2023 - 09:23

Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau 

Sơn Mai Hoa

Bài 3: Cần trợ lực cho doanh nghiệp

Thời gian qua, mặc dù thành phố có những chính sách hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp, hợp tác xã rất cần thành phố "hà hơi tiếp sức" để nhanh chóng tiếp cận được các chính sách đó, nhằm ổn định sản xuất, đồng nghĩa với việc tạo thêm việc làm và giữ chân lao động có tay nghề…

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP may Tây Đô. Ảnh: M.H

"Gồng mình" duy trì sản xuất

Trước tình hình khó khăn chung, một số doanh nghiệp phải "gồng mình" để duy trì sản xuất, giữ chân lao động. Theo ông Trần Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp thủy sản miền Nam (SOUTH VINA), trước bối cảnh khó khăn của tình hình xuất khẩu thủy sản như hiện nay, tập thể Ban giám đốc SOUTH VINA đã đồng lòng, cùng nhau "hy sinh" việc giảm lợi nhuận để bảo toàn mọi hoạt động, đảm bảo thu nhập ổn định cho công nhân. Hiện SOUTH VINA tập trung triển khai chiến lược giữ vững các thị trường truyền thống, chủ động đàm phán với các khách hàng truyền thống, nhất là đối tác lớn như Brazil (chiếm trên 70% lượng hàng xuất khẩu của SOUTH VINA); đồng thời, tăng cường tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại quốc tế, để tiếp cận và tìm kiếm các khách hàng tiềm năng ở các nước châu Âu, Trung Quốc…

Công ty Cổ phần May Tây Ðô có năng lực sản xuất với trên 3,5 triệu sản phẩm áo sơ mi, quần tây các loại/năm, cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc điều hành Công ty CP May Tây Ðô, cho biết: "Công ty đảm bảo doanh thu tiêu thụ và tạo việc ổn định cho 1.250 lao động, với mức lương bình quân từ 6,5-7 triệu đồng/người/tháng, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tiền lương và thưởng Tết cho người lao động, ngay cả trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Những tháng đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu của ngành may mặc bị sụt giảm đáng kể, ước tính doanh số tiêu thụ của May Tây Ðô chỉ đạt 90% so với kế hoạch đề ra và hoạt động của doanh nghiệp gần như không có lãi. Do đó, hiện May Tây Ðô đang dồn sức thực hiện các mục tiêu như định vị thị trường, áp dụng có hiệu quả các công nghệ mới, tìm kiếm đối tác xuất khẩu mới, sản xuất các mặt hàng, sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao…".

Hoạt động gần 1 năm, với trên 20 nhân công làm việc thường xuyên, Công ty TNHH May túi xách Nhi Khang, ấp Thới Hiệp B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, sản xuất cơ bản ổn định, đơn hàng dồi dào nhưng công ty chưa mạnh dạn tiếp nhận do nguồn lực chưa thật sự đảm bảo. Ông Bùi Thanh Lâm, đại diện Công ty cho biết: "Công ty gặp khó về diện tích nhà xưởng chật hẹp, nguồn chi phí mua sắm thêm trang thiết bị còn hạn chế… nên không thể tổ chức đào tạo lao động mà chỉ thu nhận lao động có tay nghề sẵn".

Hay như HTX làng nghề Cờ Ðỏ, được thành lập với mục đích tạo "công ăn việc làm" ổn định cho lao động nông nhàn, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho bà con dân tộc Khmer. Ðồng thời, góp phần khôi phục và phát huy làng nghề đan đát sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguồn nguyên liệu lục bình hiện có tại địa phương. Bà Sơn Thị Lang, Giám đốc HTX làng nghề Cờ Ðỏ, cho biết: "Trong quá trình hoạt động, mặc dù đã trở thành một trong những địa chỉ uy tín, chuyên cung cấp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt chất lượng cao được khách hàng tin tưởng, nhưng HTX không thể mở rộng sản xuất, làm nhà xưởng sơ chế hay bảo quản sản phẩm, do thiếu nguồn vốn".

Cần trợ lực

Ông Trần Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty SOUTH VINA, cho rằng mặc dù doanh nghiệp nỗ lực, nhưng cũng rất cần các ngành chức năng thành phố tiếp sức cho doanh nghiệp giải quyết ngay các vấn đề trước mắt. Ðó là, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế, để phát triển đa dạng thị trường xuất khẩu thủy sản. Ðồng thời, quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp ngành thủy sản, như miễn, giảm, gia hạn thuế; cơ cấu lại nợ; miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay của ngân hàng; giảm giá tiền thuê đất… Qua đó, giúp doanh nghiệp phần nào vơi bớt khó khăn, phát huy tối đa năng lực nội tại, từng bước ổn định sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động tại địa phương.

Những ý kiến của Công ty SOUTH VINA về các chính sách cũng là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Ngoài ra, theo ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc điều hành Công ty CP May Tây Ðô, các ngành, các cấp cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình khuyến mãi tập trung, để kích cầu tiêu dùng… giúp doanh nghiệp phát triển thêm nhiều kênh tiêu thụ nội địa, bù đắp cho các đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm; kết hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, kết nối đối tác nước ngoài để mở hướng hợp tác, phát triển đa dạng khách hàng quốc tế… Qua đó, ổn định sản xuất và đảm bảo đời sống, thu nhập cho người lao động.

HTX Nhất Tâm, quận Ninh Kiều làm ăn có hiệu quả, thu hút trên 180 người lao động, sau gần 7 năm hoạt động, năng lực sản xuất và cung ứng ra thị trường từ 200 tấn các mặt hàng thủy sản/tháng, trong đó có 40% sản lượng thủy sản được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Canada, Úc… Ðồng thời, xây dựng được mạng lưới đại lý ở nhiều tỉnh, thành vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh, cung cấp trên 30 mặt hàng thủy sản sơ chế cho các nhà hàng, khách sạn, hệ thống siêu thị. Vừa qua, HTX Nhất Tâm đã mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm 1 nhà xưởng sơ chế và đóng gói các loại chả cá, với quy mô diện tích trên 4.300m2 tại khu công nghiệp Trà Nóc 2, quận Ô Môn. Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng theo ông Nguyễn Minh Ðạt, Phó Giám đốc sản xuất HTX Nhất Tâm, HTX rất mong muốn thành phố hỗ trợ HTX tham gia nhiều hội nghị, hội chợ, xúc tiến thương mại kết nối thị trường trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bà Sơn Thị Lang, Giám đốc HTX làng nghề Cờ Ðỏ cũng mong muốn ngành chức năng thành phố, tạo điều kiện cho người lao động trong HTX được tham gia nhiều lớp đào tạo nghề, để nâng cao tay nghề, làm ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Hỗ trợ HTX tiếp cận được các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất. Ðồng thời hỗ trợ HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP nhằm tiếp cận các xu thế của thị trường, để cải tiến mẫu mã và tạo thêm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, với chất lượng cao hơn, đáp ứng được thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước.

Ðể mở rộng quy mô sản xuất và thu hút lao động tại chỗ, ông Bùi Thanh Lâm, đại diện Công ty TNHH May túi xách Nhị Khang, kiến nghị cơ quan chức năng hướng dẫn cách thức và kết nối cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo nhu cầu, đảm bảo tiến độ sản xuất. Bên cạnh đó, Công ty cần được hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục ưu đãi để thuê mặt bằng mở rộng nhà xưởng và đào tạo nghề cho lao động địa phương. Mục tiêu của công ty vừa phát triển kinh tế vừa giúp lao động tại địa phương có việc làm, thu nhập ổn định, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp trên địa bàn.

Ðể hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay, thành phố cần lắng nghe và xắn tay vào tháo gỡ những vướng mắc, nhất là về các thủ tục tiếp cận nguồn vốn, giảm thuế, tiền thuê mặt bằng, xúc tiến thương mại… cho doanh nghiệp. Ðể doanh nghiệp tiếp cận các chính sách dễ dàng, thì việc làm dành cho người lao động cũng sẽ ổn định, điều này đồng nghĩa với việc kinh tế - xã hội của thành phố sẽ ngày càng phát triển.

Theo Cục Thống kê thành phố, quý II-2023, số doanh nghiệp đánh giá nhận được đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu cao hơn so với quý trước lần lượt là 33,7% và 35,71%. Xu hướng quý III-2023 so với quý II-2023, lần lượt có 44,44% và có 41,3% số doanh nghiệp dự báo đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu sẽ tăng, cao hơn số doanh nghiệp dự báo giảm. Đây là tín hiệu vui cho nền kinh tế thành phố và hơn hết là cho doanh nghiệp và người lao động.

( Còn tiếp)

Bài cuối: Tìm lời giải bài toán lao động

Chia sẻ bài viết