18/09/2023 - 21:33

Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau 

Sơn Mai Hoa

Bài 2: Chung tay vượt khó

Số lao động mất việc làm, thiếu việc làm ở các tỉnh ĐBSCL ngày càng gia tăng từ sau đợt dịch COVID-19 năm 2021. Làn sóng lao động ồ ạt trở về quê vào quý I và đến quý II-2023, vẫn tiếp diễn. Nhiều lao động từ các tỉnh trở về quê nhà Cần Thơ đến nay vẫn đang loay hoay tìm kế sinh nhai. Trước tình hình này, Nhà nước  địa phương đã có những chính sách, hỗ trợ và bản thân người lao động cũng như doanh nghiệp đang nỗ lực “vượt lên chính mình” để tìm kiếm và tạo công ăn việc làm, góp phần hòa nhịp vào thị trường lao động đang biến động từng ngày.

Vận dụng những chính sách

Dịch COVID-19 bùng phát, Cần Thơ có khoảng 300.000 lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất và lao động tự do phải nghỉ việc, ngừng việc. Trước tình hình đó, thành phố tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đã giúp 28 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 41.745 lao động ảnh hưởng dịch COVID-19. Bên cạnh đó, thành phố cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 3.853 hộ, số tiền 188,589 tỉ đồng, trong đó, ưu tiên đối tượng lao động bị mất việc, ngừng việc trở về địa phương, theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Hoạt động sản xuất tại một cơ sở chế biến của HTX sản xuất thương mại Nhất Tâm ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2. Ảnh: M.H

Hoạt động sản xuất tại một cơ sở chế biến của HTX sản xuất thương mại Nhất Tâm ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2. Ảnh: M.H

HĐND thành phố cũng đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 52/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố. Qua đó, đã có 424.468 người được hỗ trợ với tổng kinh phí 848,862 tỉ đồng.

Chị Lê Ngọc, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: “Tôi buôn bán tạp hóa nhỏ tại nhà. Thời điểm dịch COVID-19, cuộc sống khó khăn, tôi được thành phố hỗ trợ 2 triệu đồng. Nhờ số tiền này mà khi tình hình tạm ổn, tôi mới có vốn tiếp tục buôn bán đến nay”.  Chị Thủy Tiên, làm việc tại một công ty trang trí ngoại thất ở quận Cái Răng, ở trọ tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều. Sau khi dịch COVID-19 tạm lui, chị đi làm trở lại và được hưởng chính sách cho thuê trọ. Chị Tiên bộc bạch: “Nhờ có 3 tháng tiền hỗ trợ thuê nhà của Nhà nước và được chủ nhà trọ hỗ trợ không thu tiền trong 3 tháng dịch bệnh, đã giúp gia đình tôi xoay xở qua những ngày khó khăn”. Trường hợp chị Tiên là 1 trong 55.978 lượt người lao động, tại 1.526 doanh nghiệp được hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động và hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động. Thực hiện quy định này, thành phố đã hỗ trợ tổng số tiền 29,295 tỉ đồng.

Trên địa bàn thành phố, tập trung chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, để giúp các doanh nghiệp này vực dậy sau COVID-19, đến nay, thành phố đã hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho trên 600 doanh nghiệp thông qua các khóa đào tạo tập huấn; duy trì hội nghị gặp gỡ giữa chính quyền thành phố và doanh nghiệp; hỗ trợ 20 doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số… Bên cạnh đó, thành phố cũng đã và đang thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thông qua công tác thông tin tuyên truyền về năng suất, chất lượng; tổ chức các khóa đào tạo trong nước, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng đạt tiêu chuẩn quy định, theo Nghị quyết 04/2022/NQ-HĐND.

Ông Nguyễn Minh Đạt, Phó Giám đốc sản xuất hợp tác xã (HTX) sản xuất thương mại Nhất Tâm, cho biết: “Thời gian qua, thành phố hỗ trợ cho chúng tôi hưởng ưu đãi về thuế, vay vốn, tạo điều kiện cho HTX có đất mở rộng sản xuất trong Khu công nghiệp Trà Nóc 2. Chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực để phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và đồng hành cùng sự phát triển của thành phố”.

Vượt lên chính mình

Thị trường lao động nhiều biến động, số người bị mất việc, thiếu việc làm chưa thể kéo giảm. Cái khó ló cái khôn, nhiều lao động trở về quê đã học nghề mới và tự đứng lên bằng khả năng của mình.

Trong căn nhà nhỏ với tên “Tiệm Điện lạnh Thanh Phúc” nằm trên quốc lộ 80, ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, 3 lao động, người lui cui lau chùi, người đang tỉ mẫn xem bo mạch của những chiếc máy lạnh khách gởi sửa. Anh Bùi Thanh Phúc, chủ tiệm vừa sửa máy vừa “để mắt” đến các lao động đang học việc này, chỉ cần học viên nhíu mày là anh lại “buông việc” đến chỉ dẫn tận tình. Trước đây, anh Phúc làm công nhân ở Bình Dương. Dịch COVID-19 bùng phát, anh Phúc theo dòng người về quê và quyết định trụ lại quê lập nghiệp. Anh Phúc làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và được giới thiệu học nghề kỹ thuật điện lạnh. Xong khóa học, anh Phúc vừa học vừa làm việc 2 tháng ở cơ sở sửa chữa điện lạnh để nâng cao tay nghề. Khi đã thạo nghề, anh thuê mặt bằng, mở tiệm Điện lạnh Thanh Phúc. Tiệm của anh thu hút khá đông khách hàng. Anh Phúc cho biết: “80% kỹ thuật có được của tôi do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ô Môn trang bị. Hiện nay, tôi còn dạy nghề, tạo việc làm cho 3 lao động, thu nhập 200.000 đồng/người/ngày”.

Chị Lý Ngọc Hân, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp, đã đăng ký học nghề kỹ thuật pha chế trong 5,5 tháng. Hiện chị Hân làm nhân viên pha chế tại tiệm giải khát để nâng cao tay nghề kỹ thuật, mức lương trên 5 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Thu, ở phường Thới An, quận Ô Môn, nhận trợ cấp thất nghiệp 3 tháng và đăng ký học nghề kỹ thuật trang điểm theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Học nghề xong, chị Thu làm thợ phụ cho tiệm làm đẹp tại chỗ, vừa học hỏi kỹ thuật để nâng cao tay nghề.

Vượt khó, một số lao động đã chủ động tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình. Chị Trịnh Thị Linh Huệ (33 tuổi), ở quận Ô Môn, theo chồng đi làm công nhân ở khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, với đồng lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống còn khá chật vật. Tháng 3-2023, chị Huệ về thăm con và thấy HTX sản xuất thương mại Nhất Tâm, quận Ninh Kiều có đăng tin tuyển dụng công nhân. Chị đã nộp hồ sơ xin việc và được nhận vào làm công nhân ở khâu làm sạch cá, với mức lương khởi điểm là 6 triệu đồng/tháng. Chị Huệ bộc bạch: “Qua 4 tháng làm việc ở xưởng sản xuất của HTX Nhất Tâm, tôi thấy công việc rất phù hợp với điều kiện của mình. Việc đi lại dễ dàng do gần nhà, thu nhập lại ổn định, giúp tôi đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Quan trọng hơn hết là tôi được gần gũi dạy bảo và chăm sóc con cái”. Trước đây, chị Thạch Thị Thanh Tuyền, ở ấp Thới Hòa C, thị trấn Cờ Đỏ, làm công nhân đóng gói bao bì cho doanh nghiệp sản xuất hóa mỹ phẩm ở Bình Dương, với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng, không đủ tiền gửi về quê cho ba mẹ nuôi giúp 2 con nhỏ… Do vậy, chị Tuyền trở về quê, mở quán cà phê, kết hợp học nghề đan đát các mẫu giỏ từ lục bình để kiếm thêm thu nhập… Chị Tuyền chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề làm giỏ lục bình đã nhiều năm. Khi địa phương vận động bà còn làm nghề đan đát lục bình vào HTX làng nghề, tôi liền tham gia và trở thành thành viên chính thức của HTX tới nay”.

Không chỉ người lao động nỗ lực trong tìm kiếm, tự tạo việc làm, các doanh nghiệp cũng đang cố gắng “gồng mình” để duy trì sản xuất kinh doanh, hạn chế việc cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm. Ông Trần Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp thủy sản miền Nam (SOUTH VINA), cho biết: “Công ty đã không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, kết hợp đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, để gia tăng chất lượng cho các sản phẩm cá tra chế biến, đáp ứng tối ưu nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, SOUTH VINA đã giữ ổn định thị trường và doanh thu tiêu thụ hằng năm; đảm bảo ổn định việc làm cho 1.000-1.500 công nhân và người lao động, với mức lương bình quân từ 6-10 triệu đồng/tháng. Hằng năm, SOUTH VINA còn tuyển mới từ 200-300 công nhân và đảm bảo cung cấp các điều kiện làm việc tốt nhất cho công nhân.

Sau nhiều năm bôn ba các tỉnh thành Đông Nam Bộ, đi làm công nhân may túi xách, mở cơ sở kinh doanh, chị Trần Hồng Nhị, ở ấp Thới Hiệp B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, cũng trở về quê sau đại dịch. Rồi chị trụ lại quê nhà mở Công ty TNHH May giỏ xách Nhi Khang. Chị Nhị cho biết, “Công ty hoạt động được gần 1 năm, với trên 20 nhân công thường xuyên, đảm bảo số lượng sản phẩm theo đơn hàng. Trong đó, Công ty có nhận một số lao động đi làm xa trở về xã, chưa tìm được việc làm. Mình cũng từng đi làm công nhân, nên cảm thông cho những lao động này”.

Trong tình hình khó khăn chung, bên cạnh những chính sách, hỗ trợ của Nhà nước, thành phố, chính người lao động và doanh nghiệp đã cố gắng tìm hướng đi cho mình, đây là những nỗ lực rất lớn để góp phần chung vào sự phát triển kinh tế của thành phố.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố có 851 người có quyết định hỗ trợ học nghề, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022 (1.470 người). Chỉ tính riêng tháng 7 đã có 1.581 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố. Trong đó, có 52 lao động được hỗ trợ học nghề.

Còn tiếp 

Bài 3: Cần trợ lực cho doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết