18/09/2023 - 09:05

Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau 

Sơn Mai Hoa

Tình hình thế giới nhiều biến động, lạm phát, suy thoái diễn ra ở nhiều nước, đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp trong nước kể cả khu vực FDI, kéo theo thị trường lao động việc làm đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một lượng lớn lao động rơi vào tình trạng mất việc làm, phải trở về quê sinh sống. Trước tình trạng này, TP Cần Thơ đã có những giải pháp cùng cả hệ thống chính trị đồng hành với người lao động mất việc và doanh nghiệp, tháo gỡ phần nào khó khăn, vực dậy và mở rộng các loại hình sản xuất... đó là nền tảng để giải quyết bài toán cho lao động mất việc.

Bài 1: Người sử dụng lao động và người lao động cùng gặp khó

Ðơn hàng bị cắt giảm, không còn nguồn vốn duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã phải ngậm ngùi thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thời gian làm việc. Còn người lao động thì lao đao, chưa biết đối mặt với cuộc sống ra sao sau khi không còn việc làm.

  Người lao động được hướng dẫn làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP Cần Thơ. Ảnh: P.M

Ngậm ngùi cắt giảm lao động

6 tháng đầu năm 2023, Cần Thơ, có 875 doanh nghiệp thành lập mới, 239 doanh nghiệp hoạt động trở lại, 72 doanh nghiệp giải thể tự nguyện. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 89 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 5 doanh nghiệp hoạt động trở lại và giảm 17 doanh nghiệp giải thể. Các doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Trước tình hình khó khăn chung, thành phố có 1 doanh nghiệp giảm 50% giờ làm của 200 lao động, 1 doanh nghiệp giảm giờ làm cho công nhân chỉ làm việc 5 ngày/tuần, 1 doanh nghiệp giảm giờ làm 4 ngày thứ 7/tháng của 869 công nhân và 3 doanh nghiệp cắt giảm 81 lao động. Trong đó, cắt giảm chủ yếu là công việc văn phòng, kinh doanh, bảo trì, sản xuất, công nhân chế biến sản xuất, công nhân phổ thông… Nguyên nhân, do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động, không đảm bảo nguyên liệu sản xuất, số lượng đơn hàng giảm sút, doanh nghiệp khó khăn về kinh tế. Theo Trung tâm DVVL thành phố, 6 tháng 2023, Trung tâm tiếp nhận 8.051 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022 (7.869 hồ sơ). Trong đó, lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tập trung nhiều ở ngành may mặc, giày da, chế biến hải sản… như Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ (452 hồ sơ); Công ty TNHH thủy sản Biển Ðông (294 hồ sơ); Công ty TNHH Lạc Tỷ II (270 hồ sơ); Công ty TNHH KWONG-LUNG MEKO (189 hồ sơ); Chi nhánh Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa tại Cần Thơ (159 hồ sơ).

Theo ông Trần Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp thủy sản miền Nam (SOUTH VINA), từ quý III-2022 đến nay, SOUTH VINA phải đối mặt với nhiều khó khăn, bởi thị trường xuất khẩu cá tra bị sụt giảm hơn 20% so với trước, cộng thêm các khoản chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, làm cho giá thành sản phẩm tăng. Trong khi đó, doanh nghiệp phải giữ giá bán ổn định, thậm chí hạ giá bán để giữ chân khách hàng, nhất là đối với các đối tác truyền thống… Ðiều này, đã khiến doanh nghiệp sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, hoạt động gần như không có lãi, nhưng SOUTH VINA vẫn nỗ lực “gồng gánh” để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động làm việc trong Công ty.

Theo Cục Thống kê thành phố, từ ngày 1-4 đến ngày 15-6-2023, có 4.575 lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thôi việc, mất việc. Trong đó, có 2.595 lao động phổ thông chiếm 56,72% và 1.980 lao động có tay nghề chiếm 43,28%.

Băn khoăn khi trở về quê

Sau gần 20 năm làm việc ở TP Hồ Chí Minh, đầu năm 2023, anh Nguyễn Văn Khánh Vân, trở về quê ở ấp Nhơn Lộc 1, xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền. Vừa nhanh tay trộn hồ, anh Vân vừa bộc bạch: “15 tuổi rời xa quê hương, tôi cố gắng làm việc để gởi tiền về hỗ trợ cha mẹ. Khi dịch COVID-19 bùng phát, ông chủ cho nghỉ việc, tôi vội khăn gói về quê, nhưng khi đó, các tỉnh, thành thắt chặt kiểm soát, tôi không ra khỏi thành phố được nên đành ở lại. Sau khi dịch bệnh lui dần, tôi cố gắng tìm việc làm, nhưng tình hình khó khăn, tôi xin làm phụ hồ được 1 thời gian thì chủ cũng không thuê nữa. Ðầu năm 2023 tôi quyết định về quê”. Từ khi trở về, anh Vân xin đi làm làm phụ hồ với thu nhập khoảng 350.000 đồng/ngày, nhưng công việc bấp bênh, còn nuôi dưỡng cha mẹ già, nên cuộc sống anh cũng lúc đủ, lúc thiếu. Nhà anh Vân hiện còn 1 công đất vườn tạp, anh đang phân vân chưa biết khai thác công đất vườn này như thế nào…

Chị Lý Ngọc Hân, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, có 10 năm làm công nhân công ty chế biến thủy sản ở KCN Trà Nóc. Sau dịch COVID-19, tình hình công ty khó khăn, chị Hân nghỉ việc, ở nhà chăm con nhỏ và tìm việc làm khác. Chị Nguyễn Thị Mỹ Thu, ở phường Thới An, quận Ô Môn, từng làm nhân viên văn phòng ở trang trại chăn nuôi tại Ðồng Nai 3 năm, mức lương đủ trang trải cuộc sống. Nhưng khi dịch bệnh COVID-19 khởi phát, chị Thu đã về quê, phụ tiếp việc nhà để tìm công việc mới. Và còn nhiều trường hợp như vậy nữa.

Cùng chung tâm trạng chờ tìm việc, chị Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi), ở quận Ninh Kiều, cho biết: “Tôi phỏng vấn nhiều doanh nghiệp nhưng được hẹn sẽ liên hệ sau. Tôi nghĩ bị “từ chối” do độ tuổi và mức thu nhập trước đây. Tôi đang phụ bán hàng cho người bạn và tiếp tục chờ “thời” xem sao”. Chị Trang có trên 10 năm làm kế toán cho 2 công ty ở TP Hồ Chí Minh, với mức lương hấp dẫn, đủ chi tiêu thoải mái cuộc sống bản thân và chăm lo chu đáo cho gia đình. Do gia cảnh và việc làm, thu nhập bấp bênh sau dịch bệnh, chị Trang nghỉ việc, về quê, hưởng trợ cấp thất nghiệp và đang dò tìm việc làm mới tại Trung tâm DVVL thành phố. Theo một số người lao động bị mất việc, nhiều công ty thu hẹp sản xuất, giảm sút đơn hàng nên họ sàng lọc lao động theo các tiêu chí khác nhau như độ tuổi, thời gian làm việc… Nhiều lao động làm việc lâu năm cũng rơi vào tình trạng bị mất việc, khi đi xin việc khác với mức lương tương đương rất khó.

Ông Cao Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Số lao động của huyện Vĩnh Thạnh bị mất việc làm từ đầu năm đến nay là 318 người. Số lao động trở về địa phương cũng phần nào do hoàn cảnh gia đình đơn chiếc như: về chăm sóc con nhỏ hoặc chăm sóc cha, mẹ và người thân bị già yếu, bệnh tật. Còn do công ty, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành khác hết đơn hàng với các đối tác hợp tác hoặc ngưng hoạt động với lý do giải thể, không còn vốn để hoạt động buộc họ phải cắt giảm lao động”.

Ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, cho biết: “Do ảnh hưởng tình hình kinh tế, chính trị chung của thế giới, hầu hết các nước giảm kim ngạch nhập khẩu, xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dung sau dịch COVID-19, một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng nên buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì sản xuất và chủ động củng cố, tìm kiếm mở rộng thị trường để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế thấp nhất việc cắt giảm lao động”.

Theo Tổng cục Thống kê, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định các cú sốc và rủi ro toàn cầu đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường lao động trong những tháng đầu năm 2023, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, chiến sự Nga - Ukraina kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của nước ta đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Tại các nước đang phát triển, việc ứng phó với nhiều cuộc khủng hoảng hiện nay bị hạn chế bởi sự kết hợp giữa lạm phát cao và lãi suất cao, cùng với khó khăn về nợ ngày càng tăng. Triển vọng của thị trường lao động toàn cầu vẫn còn rất bấp bênh.

Trong nước, lực lượng lao động và lao động đang làm việc quý II-2023 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thị trường lao động việc làm vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức chủ yếu do tình hình hậu COVID-19, các doanh nghiệp chưa thể phục hồi sản xuất do còn khó khăn, một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước; tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn ở quý II-2023, có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức cho thấy thị trường lao động việc làm phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững.

Còn tiếp

Bài 2: Chung tay vượt khó

Chia sẻ bài viết