31/07/2022 - 08:05

Nỗ lực chống HIV/AIDS trên toàn cầu đang bị đe dọa 

NGUYỆT CÁT (Theo Reuters, The Canadian Press)

Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác đang đe dọa đến tiến bộ của cuộc chiến chống lại HIV/AIDS trên toàn cầu.

Trích máu xét nghiệm cho người nghi nhiễm HIV tại Rwanda.  Ảnh: State.org

Cụ thể, báo cáo mới của UNAIDS cho thấy có khoảng 1,5 triệu người bị nhiễm HIV trên toàn cầu trong năm 2021. Tuy con số này đã giảm 3,6% so với năm trước, nhưng là mức giảm thấp nhất kể từ năm 2016. Số ca nhiễm mới HIV hằng năm tại Ðông Âu, Trung Á, Mỹ La-tinh, Trung Ðông và Bắc Phi đã gia tăng trong những năm gần đây. Tại châu Á và Thái Bình Dương, số ca nhiễm mới HIV cũng tăng trở lại vào năm 2021 sau nhiều năm giảm liên tiếp trước đó. Như tại Philippines, số ca bệnh mới ước tính tăng thêm 21.000 người, cao hơn gấp đôi so với hồi năm 2015.

Báo cáo ước tính năm 2021, có khoảng 38,4 triệu người trên thế giới đang phải sống chung với HIV, trong đó khoảng 75% đang tiếp nhận điều trị bằng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, số người được tiếp nhận điều trị HIV tăng ở tốc độ chậm nhất trong hơn một thập kỷ qua. Có 650.000 người đã tử vong vì HIV trong năm 2021.

Giám đốc điều hành UNAIDS, Winnie Byanyima, cảnh báo nếu những xu hướng này tiếp tục, thế giới sẽ có thêm 7,7 triệu ca tử vong liên quan đến AIDS trong thập kỷ này. Theo bà, các cuộc khủng hoảng toàn cầu - chẳng hạn như đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine - là nguyên nhân khiến cho tiến trình chống HIV/AIDS trên toàn cầu bị chựng lại. Phó Giám đốc điều hành UNAIDS, Matthew Kavanagh, cũng cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt trên toàn cầu đã cản trở những nỗ lực chống HIV/AIDS. Trong 2 năm qua, các dịch vụ phòng chống “căn bệnh thế kỷ” đã bị gián đoạn ở nhiều quốc gia trong khi các nguồn lực bị thu hẹp, đặt hàng triệu người vào nguy cơ lây nhiễm.

Những thông tin tích cực

Các nhà khoa học Mỹ và Tây Ban Nha vừa công bố thêm một trường hợp được chữa khỏi và một trường hợp tự khỏi HIV, làm tăng thêm hy vọng cho những người đang sống chung với căn bệnh này.

Trường hợp bệnh nhân đầu tiên là một người đàn ông 66 tuổi sống tại California (Mỹ), đã được chữa khỏi hoàn toàn HIV nhờ liệu pháp cấy ghép tế bào gốc. Các chuyên gia cho biết họ không còn phát hiện HIV có thể nhân bản trong cơ thể người này kể từ khi ông dừng sử dụng thuốc kháng virus từ tháng 3-2021. Bệnh nhân này cũng là người cao tuổi nhất và cũng mắc HIV lâu nhất (từ năm 1988) đã được chữa khỏi bệnh, giúp các bệnh nhân cao tuổi có thể hy vọng. Trong khi đó, một bệnh nhân nữ ngoài 70 tuổi tại Tây Ban Nha được ghi nhận hàm lượng virus trong cơ thể sụt giảm, dù bà đã ngừng sử dụng thuốc ARV hơn 15 năm. Kết quả nghiên cứu trong nhiều năm cho thấy bà có 2 loại tế bào miễn dịch với mật độ cao, giúp kiểm soát sự nhân bản của virus gây bệnh. Thông tin chi tiết về cả 2 ca bệnh sẽ được công bố tại Hội nghị HIV/AIDS Quốc tế lần thứ 24, diễn ra ở Montreal (Canada).

Trước đó, thế giới từng ghi nhận 3 trường hợp chữa khỏi HIV. Người đầu tiên là “Bệnh nhân Berlin” Timothy Ray Brown, người loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cơ thể trong 12 năm. Bệnh nhân thứ hai là Adam Castillejo, được xác nhận khỏi HIV năm 2019. Cả hai đều được cấy ghép tủy xương từ những người hiến tặng mang đột biến ngăn chặn sự lây nhiễm của HIV. Người thứ ba là một phụ nữ, khỏi HIV bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc từ máu dây rốn của người hiến tặng.

Chia sẻ bài viết