27/06/2013 - 21:05

Ông Lưu Phước Hậu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ:

Nỗ lực bảo vệ đàn gia súc, gia cầm

Ngành thú y đang tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi. Trong ảnh: Cán bộ thú y quận Cái Răng kiểm tra tại một hộ chăn nuôi heo. Ảnh: ANH KHOA

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có một số địa phương xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Do vậy, các địa phương đang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm nuôi nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi... Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ, xung quanh công tác phòng chống dịch của ngành thú y thành phố. Ông Lưu Phước Hậu cho biết:

- TP Cần Thơ có khoảng 1,8 triệu con gia cầm, đàn gia súc gần 120.000 con. Từ đầu năm 2013 đến nay, công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc tại TP Cần Thơ được triển khai chặt chẽ. Trong tháng 4-2013, trên địa bàn thành phố xuất hiện một ổ dịch cúm gia cầm tại khu vực Trường Hòa, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, ngành thú y cùng với địa phương áp dụng các biện pháp dập dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng và đến nay, thành phố không có phát sinh thêm ổ dịch mới. Tuy dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang tạm lắng, nhưng nguy cơ xảy ra dịch bệnh trở lại vẫn còn rất cao, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL khiến ngành thú y cũng rất khó kiểm soát hết do lực lượng mỏng. Trong tình hình dịch bệnh lắng dịu, công tác phòng chống dịch tại những hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đôi khi chưa chu đáo. Các loại bệnh có khả năng bộc phát bất cứ lúc nào và gây thiệt hại nhất là cúm gia cầm, heo tai xanh và lở mồm long móng trên gia súc.

* Như vậy, ngành thú y thành phố sẽ tiếp tục tập trung các biện pháp hiệu quả nào để ngăn chặn các loại dịch bệnh nguy hiểm tái phát trên đàn gia súc, gia cầm nuôi, thưa ông?

- Thời gian tới, ngành thú y thành phố vẫn duy trì áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả trên gia súc, gia cầm. Trong tháng 3 và 4-2013, ngành thú y đã tiêm phòng dứt điểm đợt 1 năm 2013 cho đàn gia súc nuôi của thành phố, chủ động phòng chống các dịch bệnh như: lở mồm long móng, heo tai xanh… Ngành đã tiêm vắc-xin lở mồm long móng được hơn 43.000 con gia súc (trâu, bò, heo) và vắc-xin heo tai xanh cho hơn 54.500 con heo... Ngành thú y còn triển khai thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi toàn thành phố trong tháng 5-2013, kết quả đã phun thuốc tiêu độc hơn 1,94 triệu m2 trên tổng số 23.825 hộ chăn nuôi… Hiện nay, lực lượng thú y đang tập trung tiêm phòng đại trà vắc-xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm nuôi của thành phố và chuẩn bị tiêm phòng đợt 2 -2013 cho đàn gia súc, dự kiến triển khai tiêm trong tháng 10 và 11 tới đây. Ngoài tiêm phòng, ngành thú y đang tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đến tận hộ chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm của người dân, nhất là tăng cường kiểm tra tại các điểm giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ…

* Người dân cần làm gì để hợp tác với ngành thú y góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại thành phố, bảo vệ sức khỏe cộng đồng?

- Đối với người chăn nuôi, trong điều kiện mưa nhiều, đàn gia súc, gia cầm dễ xảy ra bệnh nên cần tập trung chăm sóc, tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi qui mô vừa phải tuân thủ các biện pháp nuôi đảm bảo an toàn sinh học, nhất là thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tiêu diệt mầm bệnh…

Đối với người tiêu dùng sản phẩm gia súc, gia cầm, để đảm bảo sức khỏe của mình chỉ nên sử dụng sản phẩm tại những chợ, siêu thị, trung tâm thương mại có đóng dấu kiểm soát, kiểm dịch của ngành thú y. Tuyệt đối không mua sản phẩm động vật trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch của thú y, nhất là ở những điểm bán gia cầm sống và những nơi mua bán tự phát vì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân rất cao… Người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm động vật bày bán không an toàn, chưa qua kiểm dịch thú y cũng cần báo cho ngành chức năng, lực lượng thú y xử lý kịp thời, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Cần Thơ trong thời gian tới...

* Xin cảm ơn ông!

ANH KHOA (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết