25/05/2020 - 19:19

Nợ hộ gia đình - “bom nổ chậm” ở Hàn Quốc? 

Nhiều hộ gia đình tại Hàn Quốc hiện ngập đầu trong nợ nần do nhiều nguyên nhân, từ chi xài bằng thẻ tín dụng quá mức cho tới nghiện cờ bạc.

Dịch COVID-19 đã khiến Koo Yong-gyu mất công việc bán thời gian hồi tháng rồi. Ảnh: CNA

Mỗi tháng kiếm được 620.000 won (gần 500 USD) nhưng Koo Yong-gyu sở hữu 4 thẻ tín dụng với tổng hạn mức hằng tháng lớn gấp 60 lần khoản thu nhập đó. Anh đi du lịch và mua sắm nhiều thứ. Cuối cùng, khi chưa bước sang tuổi 30, Koo đã nợ thẻ tín dụng gần 87 triệu won, nên thường bị các đối tượng thu nợ quấy rối. Trong tuyệt vọng, Koo từng 3 lần tìm đến cái chết nhưng bất thành.

Thật ra, trường hợp của Koo không phải hiếm. Trong giai đoạn 2014-2018 đã có hơn 800 người tự tử bằng cách nhảy cầu Mapo ở thủ đô Seoul, mà nguyên nhân hàng đầu là nợ nần. Tuy Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, song các hộ gia đình tại nước này đang trong cảnh nợ nần chồng chất. Xứ kim chi có tỷ lệ nợ hộ gia đình tính theo tỷ lệ tổng sản phầm quốc nội (GDP) thuộc hàng cao nhất châu Á.

Năm nay, các hộ gia đình Hàn Quốc nợ ngân hàng và các thể chế tài chính khác lên tới 1.611 ngàn tỉ won. Số nợ này đang “tăng với tốc độ nhanh rất nhiều” so với thu nhập của hộ gia đình, theo Anwita Basu tại tổ chức Fitch Solutions. Nợ hộ gia đình ở đây bao gồm vay tiền đóng học phí, mua xe hơi, thế chấp nhà cửa, vay để buôn bán nhỏ và nợ thẻ tín dụng. “Thủ phạm” chính khiến tỷ lệ nợ hộ gia đình của Hàn Quốc cao là do các cá nhân dựa vào thẻ tín dụng để chi tiêu, chiếm khoảng 40% GDP nước này, so với chỉ 18% ở Mỹ.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 có một phần vai trò trong sự bùng nổ chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Khi ấy, Chính phủ Hàn Quốc đã khởi động nền kinh tế bằng cách khuyến khích người tiêu dùng chi xài, trong đó giảm thuế đối với việc thanh toán qua thẻ tín dụng. Qua nhiều năm, số lượng công ty phát hành thẻ tín dụng đã tăng, đồng thời họ cũng nới lỏng hạn mức để thu hút chủ thẻ.

Tuy nhiên, hồi năm 2018, khoảng 134.000 người đã tuyên bố phá sản, có cả Koo Yong-gyu. Nhóm có tỷ lệ “bể nợ” cao là những người tầm 20 tuổi, trong đó nhiều cô cậu không thể tìm được việc làm. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc trong năm 2018 lên tới 10,5%. Giới phân tích đổ lỗi cho luật mức lương tối thiểu khiến các doanh nghiệp nhỏ ngại thuê mướn những người trẻ ít kinh nghiệm. Nộp đơn xin phá sản tuy giúp Koo được xóa nợ, nhưng vay tiền hợp pháp sẽ là điều bất khả thi đối với anh trong 5 năm.

Thật ra, ngoài việc xài thẻ tín dụng quá mức, nghiện cờ bạc cũng là nguyên nhân đẩy nhiều người trẻ Hàn Quốc đến cảnh nợ nần. Số lượng thanh thiếu niên nước này phải đi cai nghiện cờ bạc đã tăng 6 lần, từ 168 trường hợp hồi năm 2015 lên 1.027 vào năm 2018.

Để kiềm chế nợ hộ gia đình, năm ngoái Chính phủ Hàn Quốc đã phải tăng cường các nỗ lực nhằm “xì hơi bong bóng bất động sản”. Seoul còn siết chặt các quy định về vay tiền mua nhà, tăng thuế đối với tài sản và cấm thế chấp những căn nhà có giá trên 1,5 tỉ won. Trong khi đó, để giảm bớt gánh nặng nợ nần cho những chủ doanh nghiệp làm việc cho chính mình (nhóm này chiếm ¼ lực lượng lao động Hàn Quốc), chính phủ cũng thực hiện các biện pháp, bao gồm hạ thấp lãi suất cho vay.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNA)

Chia sẻ bài viết