31/03/2023 - 09:09

Ninh Kiều tăng cường công tác phòng, chống, ứng cứu thiệt hại do thiên tai 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Hằng năm, quận Ninh Kiều chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, các loại thiên tai như mưa lớn kèm theo lốc xoáy, sạt lở bờ sông… Năm 2023, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) quận Ninh Kiều yêu cầu các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tập trung thực hiện các biện pháp phòng, tránh thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra…

Triều cường dâng cao làm ngập sâu đường giao thông quận Ninh Kiều vào tháng 10-2022.

Theo Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN quận Ninh Kiều, năm 2023, quận Ninh Kiều tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra; xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ và 3 sẵn sàng để chủ động ứng phó với các tình huống xấu do thiên tai. Ban chỉ huy các cấp khẩn trương rà soát, bổ sung hoàn chỉnh phương án ứng phó với thiên tai theo phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp theo quy định Nghị định số 160/2018/NÐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai. Tổ chức thống kê, cập nhật số liệu số hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, triều cường uy hiếp; những người dân sống trong nhà tạm bợ, có nguy cơ sập đổ trong mùa mưa bão, trong đó chú ý đến các đối tượng dễ bị tổn thương (trẻ em, người già, người tàn tật...), các điểm giữ trẻ an toàn mùa lũ; các điểm cao ráo, an toàn làm nơi trú ẩn phục vụ sơ tán nhân dân tránh bão, lũ, thiên tai, nhằm bổ sung vào các phương án ứng phó của các đơn vị, phục vụ kịp thời cho công tác chỉ huy phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Tổ chức vận động người dân chằng chống nhà cửa, di dời, huy động lực lượng, trang thiết bị, thông tin tuyên truyền... khi mùa mưa sắp đến. Ngoài ra, quận đề nghị Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ trang bị thêm cho quận các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, như áo phao, phao cứu sinh, áo mưa và một số phương tiện cần thiết khác cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn (lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy)...

Ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Ðể chủ động và kịp thời ứng phó với các tình huống xấu do thiên tai gây ra, thường trực Ban Chỉ huy quận đã chỉ đạo các phường thường xuyên phối hợp thực hiện nhiệm vụ trước mùa mưa bão; đảm bảo nhiệm vụ trực chỉ huy, huy động nguồn lực tại chỗ để ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra; tiếp tục quán triệt thực hiện phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ” và 3 sẵn sàng “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, đồng thời triển khai phương hướng, nhiệm vụ trong năm, lấy phòng tránh là chính”.

Ông Huỳnh Trung Trứ nhấn mạnh: “Quận chủ động kiểm tra, đôn đốc thực hiện và kịp thời khắc phục hậu quả  các trường hợp thiệt hại do thiên tai, lốc xoáy, ngập lụt, bão, sạt lở... Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê, bờ bao, đặc biệt các vị trí có nguy cơ sạt lở cao; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, lực lượng cho các phương án cứu hộ. Ðặc biệt, quận triển khai thực hiện các biện pháp chống ngập úng do mưa lũ, triều cường ảnh hưởng đến kinh doanh, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân...”.

Năm 2022 quận Ninh Kiều cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa giông, sạt lở; nhiều đợt triều cường dâng cao vào các tháng 8, 9 và 10 âm lịch. Ðợt ngập sâu nhất là từ ngày 9 đến 14-10-2022, vượt mức báo động III (2m), mực nước cao nhất tại Trạm Cần Thơ trên sông Hậu lên mức 2,25-2,27m, làm ngập trên 40 tuyến đường nội ô. Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN quận Ninh Kiều phối hợp với UBND các phường kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, bờ bao, tổ chức phân công lực lượng trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, lũ, bão trên địa bàn, nhằm khắc phục sự cố xảy ra. Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN quận đề nghị Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ trích từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tại đầu tư xây dựng mới 2 đập ở khu vực 3 Sông Hậu gồm: đập Tám Be và đập Cầu Ðá ở khu vực 3 Sông Hậu, Cồn Khương, phường Cái Khế nhằm phòng ngập sâu khi triều cường dâng cao, ảnh hưởng đến đời sống của trên 500 hộ dân đang sinh sống tại đây.

Chia sẻ bài viết