28/12/2021 - 08:53

Những vụ thiên tai “đắt đỏ” nhất năm 2021 

Báo cáo mới của tổ chức từ thiện Christian Aid (Anh) thống kê thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra năm 2021 giữa lúc các chính phủ bị thúc giục đảm bảo biến đổi khí hậu là ưu tiên trong năm 2022.

Siêu bão Ida quật ngã một phần mái nhà ở bang Louisiana hồi cuối tháng 8. Ảnh: AP

Siêu bão Ida quật ngã một phần mái nhà ở bang Louisiana hồi cuối tháng 8. Ảnh: AP

Mỗi năm Christian Aid đều tính toán tổn thất từ các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, cháy rừng, nắng nóng dựa trên những báo cáo và khoản bồi thường của bảo hiểm. Trong tài liệu công bố ngày 27-12, Christian Aid ước tính 10 thảm họa thiên nhiên lớn nhất năm 2021 gây thiệt hại đến 170 tỉ USD, tăng 20 tỉ USD so với năm ngoái. Như vậy, 2021 là năm thứ sáu chứng kiến tổn thất do sự kiện thiên tai vượt 100 tỉ USD. Theo tổ chức này, xu hướng gia tăng phản ánh những tác động của biến đổi khí hậu do con người tạo nên.

Gây tốn kém nhất trong năm 2021 là siêu bão Ida ở Mỹ hồi tháng 8. Sau khi đổ bộ vào bang Louisiana, cơn bão dữ di chuyển về hướng Bắc gây lũ lụt diện rộng ở thành phố New York và các vùng lân cận. Hậu quả, Ida làm chết 95 người và cuốn phăng tới 65 tỉ USD. Đứng thứ hai là nạn lũ lụt ở các nước châu Âu gồm Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg trong tháng 7, khiến 242 người thiệt mạng và tổn thất 43 tỉ USD. Trước đó, bão mùa đông tấn công bang Texas, kéo theo tình trạng mất điện lớn nhất tại Mỹ trong gần 20 năm qua và làm thiệt hại 23 tỉ USD. Trong trận bão tuyết này, thành phố Houston ghi nhận nhiệt độ thấp thứ hai trong lịch sử, âm 11 độ C.

Tại châu Á, trận lụt hoành hành ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) trong tháng 7 không chỉ quét sạch 17,6 tỉ USD mà còn cướp đi sinh mạng của hơn 300 người. Những thảm họa tỉ đô khác trong danh sách còn có lũ lụt tại miền Tây Canada, đợt giá lạnh ở Pháp hồi đầu năm, bão Yaas quét qua Ấn Độ, Bangladesh vào tháng 5. Bốn trong số 10 thảm họa thiên nhiên hao tổn nhất năm 2021 xảy ra ở châu Á.

Cần nỗ lực cắt giảm khí thải, kiềm chế ấm lên toàn cầu

Tuy nhiên, Christian Aid thừa nhận báo cáo trên chủ yếu là ước tính thiệt hại từ các nước giàu, nơi cơ sở hạ tầng được bảo hiểm tốt hơn, trong khi tổn thất ở những quốc gia nghèo khó tính toán hơn do thiếu phương tiện. Ví dụ, lũ lụt ở Nam Sudan đã gây ảnh hưởng 850.000 người nhưng lại không được liệt vào danh sách. Do vậy, tổn thất thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

“Thiệt hại do biến đổi khí hậu trong năm nay quá lớn, cả về tài chính lẫn nhân mạng, số người di tản trên thế giới”, Tiến sĩ Kat Kramer, tác giả chính của báo cáo Christian Aid, nhận định. Các thảm họa thiên nhiên lớn trong năm 2021 đã làm chết ít nhất 1.075 người và buộc 1,3 triệu người đi lánh nạn.

Bà Kramer cũng lưu ý rằng “môi trường” là vấn đề được người tham gia đề cập nhiều nhất trong cuộc thăm dò với câu hỏi giải pháp trong năm mới của Chính phủ Anh nên tập trung vào đâu. Christian Aid cảnh báo thiệt hại về tài chính và con người do biến đổi khí hậu gây ra dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao, trừ khi các chính phủ tăng cường nỗ lực cắt giảm khí thải và kiềm chế tình trạng ấm lên toàn cầu.

Hồi giữa tháng 12 này, Công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới Swiss Re phỏng đoán các thảm họa thiên nhiên và hiện tượng thời tiết cực đoan khiến thế giới mất đi khoảng 250 tỉ USD trong năm 2021, tăng 24% so với năm ngoái. 

HẠNH NGUYÊN (Theo Sky News, AFP)

Chia sẻ bài viết