 |
Ảnh: CSM |
Sau 2 tháng bế tắc chính trị, nội các mới của nước Ý do Thủ tướng Enrico Letta (ảnh) thuộc đảng Dân chủ trung tả đứng đầu đã được thành lập và chính thức tuyên thệ nhậm chức sáng 28-4. Đáng chú ý là thành phần nội các gồm toàn những gương mặt mới, trẻ trung và có nhiều phụ nữ hơn.
Theo đó, Angelino Alfano, Tổng thư ký đảng Nhân dân Tự do (PDL) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, được bổ nhiệm vào vị trí Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Các vị trí khác gồm Ngoại trưởng thuộc về cựu Cao ủy châu Âu Emma Bonino trong khi chức Bộ trưởng Tài chính được trao cho Tổng giám đốc Ngân hàng Trung ương Ý Fabrizio Saccomanni. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử nội các nước này, có một người không phải da trắng là bà Cecile Kyenge, gốc Cộng hòa Dân chủ Congo, giữ chức Bộ trưởng Hội nhập.
Theo hãng tin Anh Reuters, nội các mới của vị thủ tướng trẻ nhất (46 tuổi) kể từ năm 1954 của nước Ý cho thấy có một sự thay đổi lớn khi 7/21 bộ trưởng là nữ giới và liên minh rộng lớn có nhiều đảng phái tham gia. Cụ thể, gần một nửa thành phần nội các đến từ liên minh trung tả của ông Letta, cùng với 4 đảng đại diện khác và 3 đảng độc lập.
“Tôi hy vọng chính phủ mới có thể hoạt động nhanh chóng và trên tinh thần hợp tác, mà không có những thành kiến hay xung đột”- Tổng thống 87 tuổi Giorgio Napolitano phát biểu sau khi nội các mới được thành lập.
Gianfranco Pasquino, giáo sư khoa học chính trị của khoa nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học John Hopkins tại Bologna cho rằng tân nội các Ý dựa trên nền tảng của một số chính khách có kinh nghiệm giữ vị trí then chốt, đồng thời nhiều thành viên trẻ và nữ giới giúp đưa ra các sáng kiến hữu ích, cái nhìn mới thổi vào đất nước hình chiếc ủng. Thế nhưng, giới phân tích dự báo một chính phủ liên minh đa dạng chỉ có thể tồn tại khoảng vài năm trước khi sự chia rẽ giữa các đảng phái xuất hiện, khiến kịch bản bầu cử sớm có thể xảy ra.
Trước mắt, một trong những thách thức lớn nhất của chính phủ mới là phải tìm ra phương hướng tiếp tục thanh toán nợ trong khi kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng euro (Eurozone) khôi phục chậm chạp và tiến hành cải cách quy định bầu cử cần thiết giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài như sau cuộc tổng tuyển cử cách đây 2 tháng.
Ông Letta cũng hứa ưu tiên của chính phủ mới là khôi phục lại các thiết chế chính trị đã đánh mất lòng tin công chúng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đầu tư (thay vì thắt chặt chi tiêu công như một số quốc gia chìm ngập nợ nần trong Eurozone) và tạo việc làm.
THANH BÌNH
(Theo Xinhua, Reuters, NY Times)