01/05/2021 - 18:08

Những số phận bị lãng quên 

Phóng sự gần đây của Hãng tin Anh BBC về người tị nạn Afghanistan đã phơi bày một sự thật đau buồn về tình cảnh ngày càng có nhiều cá nhân tìm đến cái chết sau nhiều năm chờ đợi tái định cư trong vô vọng.

Mujtaba Qalandari và gia đình đã đợi nhiều năm ở Indonesia để được tái định cư. Ảnh: BBC

Mujtaba Qalandari và gia đình đã đợi nhiều năm ở Indonesia để được tái định cư. Ảnh: BBC

Chúng tôi bị lãng quên

Ðối với Mujtaba Qalandari, người bạn Ali Joya giống như một thành viên trong gia đình khi cả hai bị kẹt lại Indonesia để chờ cơ hội định cư ở nước khác. Sau gần 8 năm hy vọng, Ali vào cuối năm ngoái đã quyết định tự sát khi vẫn đang ở độ tuổi hai mươi. Về phần mình, anh Qalandari cùng vợ và con trai di cư đến Indonesia từ năm 2015. “Chúng tôi đăng ký với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) vào năm 2015 nhưng đến nay không nhận được liên lạc. Chúng tôi đã bị lãng quên” - người đàn ông 34 tuổi buồn bã cho biết.

Mujtaba Hossain, một người Afghanistan khác, cũng mất bạn cùng phòng Abdul vốn đã ở Indonesia 7 năm. Vào tháng 12 năm ngoái, Abdul khi đó 36 tuổi, đã từ bỏ hy vọng đoàn tụ cùng vợ với hai con và kết thúc cuộc đời mình. Hiện Mujtaba vẫn sống trong căn phòng chật chội từng ở chung với Abdul và chàng thanh niên 22 tuổi giờ đây nhận ra rằng bản thân đã lãng phí 1/3 cuộc đời để chờ đợi tái định cư.

Những ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời

Hầu hết người Afghanistan tị nạn ở Indonesia hy vọng sẽ được định cư ở một nước thứ 3, đặc biệt là Úc. Nhưng vấn đề là nhiều quốc gia chấp nhận cứu xét ít đơn đăng ký mới hơn trong những năm gần đây. Theo số liệu thống kê năm 2016, có khoảng 1.271 người tị nạn từ Indonesia được tái định cư đến các quốc gia khác và con số này giảm gần một nửa trong năm tiếp theo. Ðến năm 2018, chỉ có 509 người tị nạn được tái định cư.

Musa Sazawar, một phóng viên truyền hình đến từ Afghanistan, cảm nhận được thực tế lạnh lùng của những con số đó. Theo như lời kể thì gia đình đã khăng khăng yêu cầu Musa rời khỏi Afghanistan sau khi anh nhận những lời đe dọa từ các nhóm nổi dậy địa phương. Chớp mắt kể từ khi để lại người vợ đang mang thai ở tỉnh Ghazni, con trai anh giờ đây đã 8 tuổi nhưng bản thân Musa vẫn không tìm được giải pháp nào khác cho tình trạng của mình. Hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn giờ đây chỉ còn lại sự đau buồn và thất vọng, người đàn ông 42 tuổi cho biết “những ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi là những năm xa nhà”.

Mohammad Yasin Alemi, đại diện cho người tị nạn Afghanistan, cho biết có ít nhất 13 đồng hương ở Indonesia đã tự kết liễu đời mình trong 3 năm qua. Hầu hết đều trong độ tuổi đôi mươi. Mỗi người trong số họ đã chờ từ 6 đến 10 năm với hy vọng nhận thông báo từ UNHCR về khả năng được tái định cư ở nơi khác. “Vấn đề tài chính, nỗi sợ hãi và lo lắng cho tương lai là một trong những nguyên nhân thúc đẩy họ chấm dứt mạng sống của mình” - ông Alemi giãi bày về các vụ tự tử đang tăng trong cộng đồng người tị nạn Afghanistan.

Hiện người Afghanistan là nhóm người xin tị nạn lớn thứ 3 trong danh sách UNHCR trên toàn cầu với khoảng 2,7 triệu người đã rời bỏ đất nước trong các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang. Nói với BBC, đại diện của UNHCR tại Indonesia, Ann Maymann thừa nhận thực trạng đau lòng về các vụ tự tử và cam kết cơ quan này sẽ tăng cường dịch vụ sức khỏe tâm thần cho người tị nạn, tạo điều kiện để họ hòa nhập với cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, bà Maymann nói rõ chỉ có một số phương pháp có thể thực hiện thông qua liên kết với chính phủ, người dân bản địa hoặc viện trợ quốc tế. Riêng tại Indonesia, vì nước này không phải bên ký kết Công ước Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc nên những giải pháp cải thiện điều kiện sống như trên có thể bị hạn chế.

Theo UNHCR, có khoảng 1,4 triệu người tị nạn trên toàn cầu mong muốn được định cư lâu dài ở một quốc gia khác với nơi họ đang tị nạn. Điều này có thể do nhu cầu cá nhân, an ninh hoặc thiếu sự bảo vệ của các điều ước quốc tế. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, toàn thế giới có 26 triệu người tị nạn và hơn 4 triệu người nộp đơn xin tị nạn vào năm 2019.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết