Lao là bệnh truyền nhiễm, chủ yếu lây qua đường hô hấp. Chẩn đoán và phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lao có ý nghĩa rất quan trọng, bệnh nhân có cơ hội điều trị khỏi bệnh nhanh, giảm gánh nặng bệnh tật; đồng thời, giảm nguồn lây truyền trong cộng đồng.
 |
Nhân viên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đang soi đàm trực tiếp để chẩn đoán bệnh lao. |
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi bệnh lao, xếp thứ 12/22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới và xếp thứ 14/27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Mỗi năm, Việt Nam ước tính có khoảng 180.000 người mắc và gần 30.000 người chết do bệnh lao. Riêng ở TP Cần Thơ, theo báo cáo tổng kết năm 2012 của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, phát hiện 2.022 trường hợp lao các thể, trong đó, lao phổi AFB (+) mới là 1.247 trường hợp, 223 trường hợp lao phổi AFB (+) tái trị (chiếm 11,02%), lao phổi kháng đa thuốc 35/223 tái trị, chiếm tỷ lệ 15,69%.
Để chẩn đoán bệnh lao hiệu quả, cần tìm được tác nhân gây bệnh lao (Mycobacterium tuberculosis - MTB) trong bệnh phẩm gửi xét nghiệm chẩn đoán. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thủy (khoa Xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ), hiện nay, phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao đơn giản, rẻ tiền nhất là soi đàm trực tiếp. Phương pháp này dễ thực hiện, vì có thể tiến hành tại phòng xét nghiệm của các tổ chống lao ở quận, huyện. Thời gian trả kết quả cũng khá nhanh (trong 24 giờ). Tuy nhiên, do độ nhạy thấp (chỉ phát hiện khoảng 45-60% số trường hợp), nên những bệnh nhân có nhiều vi khuẩn lao (5.000 vi khuẩn/1ml bệnh phẩm) mới phát hiện được bằng phương pháp này.
Phương pháp thứ hai là nuôi cấy vi khuẩn lao, giúp phát hiện nhiều ca bệnh hơn (từ 10 vi khuẩn/1 ml bệnh phẩm thì đã có thể phát hiện được) nhưng thời gian trả kết quả chậm hơn (khoảng 30 ngày, nếu cấy trong môi trường đặc; khoảng 4- 14 ngày, nếu cấy trong môi trường lỏng). Hiện nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ tiến hành nuôi cấy vi khuẩn lao trong môi trường lỏng. Nhược điểm của phương pháp này là phải có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2 mới thực hiện được và đòi hỏi trang bị nhiều máy móc.
Từ cuối tháng 7- 2012, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đã triển khai kỹ thuật mới GeneXpert do Hiệp hội chống lao Hoàng gia Hà Lan tài trợ, đây là kỹ thuật mang tính đột phá tích hợp của 3 công nghệ (tách gien, nhân gien và nhận biết gien). Với công nghệ này, máy Xpert MTB/RIF cho phép xác định vi khuẩn lao với độ nhạy rất cao. Ưu điểm của kỹ thuật này là cho kết quả nhanh trong vòng 2 giờ và điều đặc biệt là máy có thể cho kết quả kép, nghĩa là, cùng một lần trả lời cho biết, bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít vi khuẩn lao và có kháng với thuốc rifampicin hay không (một loại thuốc chủ lực trong phác đồ điều trị lao hiện nay). Ngoài ra, kỹ thuật GeneXpert cũng được ưu tiên áp dụng trong xét nghiệm chẩn đoán những trường hợp nghi ngờ mắc lao ở người nhiễm HIV và lao ở trẻ em. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thủy cũng lưu ý, bệnh phẩm để làm xét nghiệm bằng kỹ thuật GeneXpert, đối với mẫu đàm cần có thể tích tối thiểu là 1ml, tối đa là 3ml và có chất nhầy mủ, không lẫn máu hoặc thức ăn. Mẫu đàm có thể để ở nhiệt độ 350C trong 3 ngày, 40C trong 10 ngày.
Đến cuối tháng 2-2013, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đã thực hiện xét nghiệm 124 mẫu bằng kỹ thuật GeneXpert, trong đó, có 116 trường hợp nghi ngờ lao kháng thuốc, 3 trường hợp nghi ngờ lao ở người HIV, 5 trường hợp nghi ngờ lao ở trẻ em. Kết quả, phát hiện 18 trường hợp lao kháng rifampicin. Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai và thực hiện kỹ thuật này, trước đó, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đã cử 10 cán bộ tập huấn về triển khai thí điểm xét nghiệm bằng máy Xpert MTB/RIF; 5 nhân viên khoa Xét nghiệm được tập huấn về kỹ thuật xét nghiệm, vận hành máy Xpert MTB/RIF.
Kỹ thuật GeneXpert là bước tiến đột phá trong cuộc chiến phòng, chống lao hiện nay, đã được Tổ chức Y tế Thế giới chứng thực vào tháng 12-2010 và khuyến cáo áp dụng trong công tác phòng, chống lao.
Bài, ảnh: NGUYỆT HƯƠNG