31/12/2014 - 14:33

Những “phép mầu y học” trong năm 2014

Y học hiện đại luôn tạo ra nhiều điều tuyệt vời, nhưng 2014 là một năm đặc biệt đáng chú ý khi ghi dấu nhiều đột phá mới trong ngành y mà cách đây vài năm còn được xem là “bất khả thi”. Điển hình là 5 “phép màu y học” dưới đây:

1. Mắt giả sinh học khôi phục thị lực cho người mù

 

Tháng 10-2014, ông Larry Hester (66 tuổi) ở Bắc Carolina (Mỹ) đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được cấy ghép mắt giả sinh học, nhờ đó có thể khôi phục phần nào thị lực sau 33 năm sống trong bóng tối vì bệnh viêm sắc tố võng mạc. Mắt giả sinh học do các chuyên gia tại Đại học California phát triển thực chất là một cảm biến không dây, gọi là Võng mạc nhân tạo Argus II, được cấy vào mắt trái của ông Hester. Nó hoạt động bằng cách thu ánh sáng thông qua một camera nhỏ xíu gắn trên mắt kính của bệnh nhân, rồi truyền đến các dây thần kinh trong võng mạc, trước khi chuyển tiếp tín hiệu ánh sáng đến não.

Khi bác sĩ kích hoạt mắt giả, ông Hester đã giật mình và vui mừng khôn xiết vì lại nhìn thấy ánh sáng sau hơn 30 năm. Tuy Võng mạc nhân tạo Argus II không thể cho ông Hester nhìn thấy như bình thường mà chỉ có thể phân biệt giữa sáng và tối, nhưng nó giúp ông cải thiện chất lượng sống khi có thể phân biệt được cửa chính và bức tường, hay lối qua đường dành cho khách bộ hành trên đường đi.

2. Bộ đồ robot dành cho người bại liệt

 

Giải bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2014 diễn ra hồi tháng 6-2014 đã bắt đầu bằng cú sút bóng của một người đàn ông bị liệt hai chân nhờ mặc bộ đồ robot điều khiển bằng ý nghĩ, tên là “Iron Man”. Đây là kết quả của dự án Walk Again, với sự hợp tác của khoảng 100 nhà khoa học quốc tế do Tiến sĩ Miguel Nicolelis (người Brazil) dẫn đầu, nhắm tới mục tiêu giúp người tàn tật có thể đi đứng trở lại. “Iron Man” bao gồm một chiếc mũ tích hợp các điện cực đọc sóng não của bệnh nhân và cho phép họ điều khiển bộ trang phục thông qua những điện cực này. Sau khi tập luyện kỹ năng điều khiển bộ đồ, bệnh nhân đã có thể khiến nó “đi” và “đá” theo ý muốn. Hiện các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm điều khiển Iron Man với nhiều loại cử động khác.

3. In 3D nhiều bộ phận cơ thể

 

2014 là năm hiện thực hóa mục tiêu “in các phần cơ thể theo yêu cầu”. Một nhóm học sinh ở Trường Trung học Boylan (bang Illinois-Mỹ) đã thay đổi đáng kể cuộc sống của cô bé Kylie Wicker (9 tuổi) khi dùng một máy in 3D để tạo bàn tay giả trị giá chưa tới 10 USD (ảnh). Lấy mẫu thiết kế cùng hướng dẫn thực hiện trên trang web Robohand, nhóm học sinh đã tạo ra bàn tay ăn khớp với từng đốt ngón tay của Kylie, giúp em cầm nắm các vật thể vững vàng như một bàn tay thật.

 

Trong khi đó, một nhóm sinh viên kỹ thuật thuộc Đại học Trung tâm Florida thì “in” một cánh tay sinh học cho bé trai 6 tuổi Alex Pring ngụ cùng bang, bẩm sinh đã không có cánh tay phải. Sử dụng máy in 3D cùng với vật liệu mua qua Internet với giá chưa tới 350 USD, nhóm sinh viên đã giúp gia đình bé Alex tiết kiệm một khoảng tiền rất lớn thay vì phải mất tới 40.000 USD để mua một cánh tay giả có cùng chức năng.

 

Tháng 11-2014, các nhà khoa học thuộc Công ty Organovo ở bang California đã có một bước đột phá lớn khi dùng công nghệ in 3D tạo ra mô gan người để các hãng dược thử nghiệm thuốc trước khi thử nghiệm lâm sàng trên người. Organovo cho biết phần mô được in bởi “mực in sinh học” (trích xuất từ tế bào gan người) có chức năng tương tự gan thật và có thể tồn tại đến 40 ngày.

4. Những em bé kỳ diệu

 

Đó là cụm từ mô tả về cặp song sinh dính liền Owen và Emmitt Ezell ở thành phố Dallas (bang Texas). Hai bé chào đời dính nhau từ phần xương ức tới xương chậu, có chung nhiều nội tạng, bao gồm gan và ruột, được tiên lượng là khó qua khỏi năm đầu tiên của cuộc đời. Thế nhưng sau khi trải qua ca phẫu thuật vô cùng phức tạp tại Bệnh viện Nhi đồng Dallas, hai bé đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần và xuất viện hồi tháng 4. Cột mốc đáng nhớ là vào tháng 7-2014, gia đình đã đưa hai bé trở lại bệnh viện để mừng sinh nhật lần thứ nhất cùng các y bác sĩ đã tận tình cứu chữa (ảnh).

5. … và người mẹ diệu kỳ

 

Khi trái tim của Ruby Graupera - Cassimiro ngừng đập trong lúc lâm bồn ở bang Florida, các bác sĩ chuẩn bị báo tin xấu cho gia đình sau khi tiến hành nhiều biện pháp cứu chữa mà không có phản ứng gì. Nhưng đột nhiên họ phát hiện trên màn hình máy giám sát nhịp tim lóe sáng, người phụ nữ 40 tuổi được xác định còn sống, dù tim và mạch đã ngừng đập 45 phút.

Việc ngưng thở, ngưng tim này được Bệnh viện Mayo giải thích là do một tình trạng hiếm gặp gọi là tắc mạch ối trong quá trình chuyển dạ. Nó xảy ra khi nước ối rò rỉ vào dòng máu, hình thành các cục máu đông gây tắc mạch và khiến tim ngừng đập. Cô Ruby được cho là đã sống sót kỳ diệu vì ngưng tim quá lâu, đặc biệt là không có bất kỳ tổn thương nào về thần kinh.

HOÀNG ĐIỂU (Theo ABC, CBS News, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết