11/09/2011 - 09:56

Những phần tử đánh lẻ - mối đe dọa khủng bố mới

Hiện trường vụ tấn công lính Mỹ ở sân bay Frankfurt hồi tháng 3 năm nay. Ảnh: AP

10 năm sau vụ tấn công 11-9, nỗi ám ảnh bị khủng bố vẫn còn đeo bám tâm trí nhiều người Mỹ. Ngoài những kế hoạch đánh bom có tổ chức, cái mà họ thời gian gần đây lo sợ nhất là những vụ tấn công đơn lẻ của những phần tử quá khích, bị kích động bởi các tổ chức khủng bố qua Internet, để rồi một mình thực hiện tội ác. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) gọi những phần tử ấy là “những con sói đơn độc”.

Mới đây, phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết 10 năm sau thảm họa 11-9, nước Mỹ không còn lo sợ những cuộc tấn công từ bọn khủng bố có tổ chức nữa. Các cơ quan an ninh của Mỹ và phương Tây đã thâm nhập vào các tổ chức khủng bố, cài gián điệp, theo dõi sát sao hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan... nên có khả năng triệt tiêu mọi âm mưu khủng bố ngay từ đầu.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng thừa nhận những cuộc tấn công tự phát bởi các phần tử khủng bố đơn lẻ lại khiến Washington đứng ngồi không yên. Âm mưu khủng bố căn cứ quân sự Mỹ ở Fort Dix, New Jersey năm 2006; cuộc xả súng điên cuồng tại một bưu điện quân đội ở Texas năm 2009; vụ tấn công lính Mỹ tại sân bay Frankfurt (Đức) hồi tháng 3..., tất cả đều được gây ra bởi các cá nhân riêng lẻ, không thuộc bất cứ mạng lưới khủng bố nào. FBI cho biết các phần tử tự phát hoặc những nhóm khủng bố nhỏ là mối đe dọa an ninh lớn đối với nước Mỹ. Bởi lẽ, việc theo dõi đối tượng này là vô cùng khó khăn. Các nhân viên chống khủng bố không tài nào chỉ ra được cá nhân nào trong đám đông đang có âm mưu khủng bố cũng như kế hoạch của chúng là gì.

Thực tế, sự phát triển của công nghệ thông tin vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho bọn tội phạm tự phát. Các phần tử thuộc các mạng lưới khủng bố lớn đang lợi dụng Internet để liên lạc với nhau, đồng thời chiêu mộ những tín đồ mới.

“Trước đây, các phần tử khủng bố được tuyển mộ tại những đền thờ Hồi giáo. Song, giờ đây chúng được tìm qua Internet”, Marc Trevidic – một quan chức chống khủng bố của Pháp, cho biết. Theo ông, bọn khủng bố có tổ chức dễ theo dõi hơn vì chúng thường xuyên hội họp và để lại dấu vết. Trong khi đó, việc chúng truyền bá tư tưởng cực đoan để tuyển người qua Internet lại khiến công tác theo dõi của cơ quan chống khủng bố gặp nhiều thách thức.

Đó cũng chính là nguyên nhân giúp cuộc tấn công của một phần tử Hồi giáo vào binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ Đức hồi tháng 3 năm nay thành công. Arid Uka, một thanh niên 21 tuổi người Albanie, đã tiếp cận với chiếc xe buýt chở các binh lính không quân Mỹ tại sân bay quốc tế Frankfurt và tiến hành xả súng điên loạn khiến 2 lính Mỹ thiệt mạng. Theo bản cáo trạng, Uka đã bị tiêm nhiễm một thời gian dài với các bài truyền giáo cực đoan trên Internet. Đêm trước khi tiến hành vụ tấn công đơn độc, y đã xem một đoạn video miêu tả tội ác của binh lính Mỹ tại Afghanistan, thực chất chỉ được trích ra từ một bộ phim.

Theo các chuyên gia, những năm gần đây, al-Qaeda và các mạng lưới khủng bố khác đang nhắm đến những người sinh sống tại phương Tây như Uka. Chúng xúi giục những người này làm các đoạn video bằng ngôn ngữ địa phương và tung lên mạng để kêu gọi đồng hương tham gia các chiến dịch khủng bố. Thực tế, hàng loạt video bằng tiếng Đức đã được tải lên mạng Internet, kêu gọi mở những cuộc tấn công. Bên cạnh đó, giới điều tra phát hiện những bài phát biểu của một kẻ tự xưng là giáo sĩ Hồi giáo Anwar al-Awlaki cũng gần như có trong máy tính của mỗi nghi phạm khủng bố đơn độc ở Mỹ. Al-Awlaki cũng được cho là có liên hệ với tác giả cuộc tấn công tại bưu điện ở Texas và âm mưu khủng bố tại New Jersey.

BẢO TRÂM (Theo AP, KPBS)

Chia sẻ bài viết