03/07/2021 - 14:25

Những nữ chiến binh bảo vệ môi trường ở châu Á 

Theo một đánh giá rủi ro môi trường, 99/100 thành phố dễ bị tổn thương nhất trên thế giới nằm tại châu Á. Số liệu của Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ ra rằng 80% số người phải rời bỏ nơi ở vì biến đổi khí hậu là phụ nữ. Trước những mối nguy mà khí hậu có thể gây ra đối với bản thân và cộng đồng, nhiều phụ nữ trẻ tại châu Á đang tích cực đấu tranh để các chính phủ đưa ra hành động khẩn cấp hơn nhằm bảo vệ hành tinh.

Marinel Sumook Ubaldo (Philippines)

Từ bé, Ubaldo đã ý thức về vấn đề biến đổi khí hậu qua vai trò thủ lĩnh thanh niên tại nhóm hoạt động vì quyền trẻ em Plan International. Nhưng phải đến khi siêu bão Hải Yến đổ bộ vào quê nhà năm 2013 và cướp đi sinh mạng của hơn 7.000 người, cô mới thực sự xem đây là vấn đề cá nhân và bắt đầu sứ mệnh gia tăng nhận thức của công chúng về biến đổi khí hậu cả trong và ngoài nước.

Nhà hoạt động 23 tuổi đã giúp tổ chức cuộc đình công đầu tiên của thanh niên nhằm bảo vệ môi trường tại Philippines hồi năm 2019, cũng như phát biểu tại hội nghị về khí hậu của LHQ. Hiện Ubaldo tiếp tục tích cực vận động các chính phủ về vấn đề môi trường, ủng hộ lệnh cấm đồ nhựa sử dụng một lần, giảm khí thải carbon và đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Avani Awasthee (Ấn Độ)

Năm 2016, Awasthee từng tham gia một hành trình đến Nam Cực nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, trở thành người Ấn Độ trẻ nhất đặt chân đến đây ở tuổi 18. Tuy vậy, hoạt động liên quan đến khí hậu đầu tiên mà cô gái trẻ tham gia là cuộc thi do Viện Năng lượng và Tài nguyên Ấn Độ tổ chức. Sau khi giành chiến thắng, Awasthee thành lập “đội quân tái chế” giúp người dân thành phố Pune hiểu về tầm quan trọng của việc này.

Còn ở cương vị người mẫu bán thời gian, cô làm việc với các thương hiệu thời trang thân thiện môi trường và mang tính bền vững. Nhờ những nỗ lực đó, cô được trao Giải thưởng danh giá Karmaveer Chakra vào năm 2019.

Mayumi Sato (Nhật Bản)

Sato vốn là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Con người và Rừng - một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế ở Bangkok (Thái Lan), song nhà hoạt động 26 tuổi hiện làm việc trên khắp Đông Nam Á, tập trung vào các tác động xã hội của phá rừng, phục hồi cảnh quan môi trường và giảm biến đổi khí hậu.

Gần đây, cô tham gia Sáng kiến Cảnh quan Thanh niên, một phong trào toàn cầu của các nhà hoạt động trẻ tuổi về môi trường và khí hậu để đấu tranh vì công lý và phục hồi cảnh quan trên khắp thế giới.

Natalie Sum Yue Chung (Hong Kong)

Trên cương vị là người đồng sáng lập và giám đốc của doanh nghiệp xã hội V’air, cô gái 24 tuổi muốn giúp thanh niên hiểu về lợi ích giảm khí thải carbon của hoạt động du lịch sinh thái, cũng như tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo, xuất bản và nghiên cứu về bảo vệ môi trường.

Ngoài việc điều hành những hoạt động thúc đẩy bảo vệ môi trường tại Hong Kong và châu Á thông qua V’air, Chung còn dẫn đầu một số sáng kiến giáo dục - bao gồm việc khởi động chương trình học bổng V’air, dành cho học sinh trung học và sinh viên đại học ở Hong Kong có đam mê với phát triển bền vững.

Ili Nadiah Dzulfakar (Malaysia)

Dzulfakar là một trong những thành viên giúp sáng lập tổ chức Klima Action Malaysia (KAMY), hoạt động với mục đích tăng cường sự tham gia của người dân và trao quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương cùng hành động để chống lại biến đổi khí hậu. Kể từ khi thành lập vào tháng 3-2019, KAMY đã góp phần thúc đẩy các cam kết chính trị và giáo dục khí hậu tại Malaysia.

NGUYỆT CÁT (Theo The Bharat Express News)

Chia sẻ bài viết