12/11/2022 - 18:17

Những ngôi trường bí mật ở Afghanistan 

HẠNH NGUYÊN

Trên một con đường vắng lặng, các bé gái với cặp sách nhanh chân bước vào cánh cổng màu xanh. Các em mặc trang phục truyền thống, che mặt và mang bản sao kinh Quran của người Hồi giáo. Ðây là cách “ngụy trang” của các nữ sinh Afghanistan để có thể học ở các ngôi trường bí mật bởi họ bị giới cầm quyền Taliban cấm đến trường.

 Lớp học bí mật chỉ kéo dài vài giờ trong ngày để giảm nguy cơ bị Taliban phát hiện. Ảnh: Washington Post

Hơn một năm sau khi lên nắm quyền ở Afghanistan hồi tháng 8-2021, Taliban vẫn không cho phép nữ sinh đến trường, từ lớp 7 đến lớp 12. Phong trào Hồi giáo cực đoan này chỉ cho phép nữ sinh theo học tại các trường madrassa, nơi dạy các tôn chỉ của Hồi giáo.

Tuy nhiên, có một hình thức bất tuân tinh vi hơn cũng đang diễn ra. Ðó là những trường học bí mật dành cho nữ sinh mọc lên tại thủ đô Kabul và nhiều thành phố khác của quốc gia Tây Nam Á, bất chấp mối đe dọa lớn đối với cả cô lẫn trò. Nếu các mật vụ của Taliban ập vào trường, các nữ sinh sẽ lập tức lấy ra kinh Quran và giả vờ như đang học tại trường madrassa.

Phóng viên của tờ Washington Post đã nhiều lần đến thăm một ngôi trường bí mật tại Kabul, nơi có 25 bé gái được học nhiều môn trong 2 giờ mỗi ngày. Ðây là một trong 45 trường bí mật mà người phụ nữ có tên Ayesha lập ra trên khắp thủ đô cách đây 5 tháng, với lý do “giáo dục là con đường duy nhất để phụ nữ thoát khỏi những khó khăn”. Nhưng chỉ trong một tháng, ngân sách cạn kiệt khiến nhiều trường ngừng hoạt động, trong khi số khác đóng cửa vì lo sợ. Hiện chỉ còn 10 trường hoạt động và bà Ayesha đang đau đầu tìm kiếm nhà tài trợ để giúp trường tiếp tục đón nữ sinh. Các em này đến từ những gia đình nghèo khó nhất, khi kinh tế Afghanistan sụp đổ đã khiến phần lớn gia đình không thể đóng học phí, thậm chí mua sách giáo khoa. Tệ hơn, Ayesha sợ rằng mình bị bắt bởi bà đã 3 lần trốn lệnh triệu tập của cơ quan tình báo Taliban.

Taliban liên tục khẳng định sẽ mở cửa trở lại các trường nữ sinh khi có “một môi trường Hồi giáo” phù hợp, nhưng nhóm lại không đưa bất cứ tiêu chí nào để cấu thành môi trường như thế. Khi giành quyền kiểm soát đất nước lần đầu vào năm 1996, Taliban đã cấm tất cả nữ sinh đến trường (khi đó cũng xuất hiện các trường hoạt động ngầm), cấm phụ nữ đi làm và buộc họ phải trùm kín từ đầu tới chân trong chiếc áo burqa bất cứ khi nào ra khỏi nhà.

Ở lần kiểm soát này, Taliban ít hà khắc hơn và vấn đề giáo dục đã phơi bày những chia rẽ trong giới lãnh đạo Taliban. Tại một số vùng, quan chức Taliban địa phương đã phải chịu khuất phục trước sức ép từ các lãnh đạo cộng đồng khi cho phép nữ sinh trên lớp 6 đến trường.

Hồi tháng rồi, Thứ trưởng Ngoại giao Sher Mohammad Abbas Stanikzai trong lần hiếm hoi kêu gọi công khai đã thúc giục mở cửa trở lại tất cả các trường cấp hai dành cho nữ sinh, cho rằng việc trì hoãn đang đào sâu khoảng cách giữa chính quyền và đất nước. Tuy nhiên, các lãnh đạo cứng rắn và bảo thủ của Taliban vẫn giữ quan điểm phản đối. Gần đây, một giáo sĩ theo quan điểm bảo thủ trung thành với các nhân vật cứng rắn Taliban đã được chỉ định làm Bộ trưởng Giáo dục Afghanistan.

Theo báo cáo mới đây của tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save The Children), hiện có hơn 45% bé gái Afghanistan thất học, so với 20% ở bé trai. Báo cáo cũng cho rằng 26% bé gái có biểu hiện trầm cảm, so với 16% ở bé trai.

Chia sẻ bài viết