N gày Thế giới hiến máu 14-6 năm nay chuyển đến chúng ta một thông điệp rất đáng quan tâm: “Hiến máu thường xuyên”. Nhiều hoạt động có ý nghĩa sẽ được tổ chức trong ngày này nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến máu và kêu gọi mọi người có điều kiện hãy hiến máu để cứu người.
Vì sao phải Hiến máu thường xuyên? Song hành cùng sự phát triển của xã hội là sự gia tăng dân số, kéo theo hàng loạt nhu cầu của cuộc sống con người, trong đó có nhu cầu về máu để cứu người. Những năm gần đây, thời tiết, khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Động đất, sóng thần, bão lũ, dịch bệnh... xảy ra bất thường và liên tiếp, đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu con người trên thế giới. Trong những thảm họa ấy, máu để cứu người là hết sức cần thiết. Lượng máu dự phòng cấp cứu cho thảm họa luôn là một ưu tiên hàng đầu trong dịch vụ truyền máu của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hai khó khăn lớn nhất đối với ngành y tế thế giới trong truyền máu chính là: thiếu nguồn người hiến máu thường xuyên và an toàn truyền máu chưa bảo đảm (tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ngày càng tăng, tỷ lệ nhiễm vi-rút viêm gan B rất cao...). Do vậy, rất cần có nhiều người hiến máu tình nguyện.
Trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập-tự do cho dân tộc, đã có biết bao máu xương của đồng bào chiến sĩ ta từng đổ xuống mảnh đất quê hương mình. Đấy là những giọt máu của tình yêu non sông đất nước, tình yêu đồng bào - những giọt máu thấm đẫm tình người. Khi đất nước không còn tiếng súng, nhân dân lại phải tiếp tục gánh chịu không ít những mất mát đau thương từ thiên tai, bão lụt, tai nạn lao động, tai nạn giao thông... Những lúc như vậy, máu để cứu người là hết sức cấp thiết. Và cũng chính những lúc ấy, những giọt máu ấm tình người quí hơn bao giờ hết. Như hồi sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26-9-2007, các Trung tâm Truyền máu, các bệnh viện (không riêng ở TP Cần Thơ) đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của các tổ chức, cá nhân, danh sách hàng ngàn người đăng ký hiến máu. Riêng tại TP Cần Thơ, chỉ trong hai ngày 26 và 27-9-2007, có trên 3.000 người đến thẳng Trung tâm Huyết học-Truyền máu Cần Thơ để tình nguyện hiến máu. Được biết, có những em học sinh chưa đủ tuổi để hiến máu nhưng vẫn nằng nặc đòi được hiến máu cứu người. Những ngày ấy, khi lên mạng Internet vẫn thường thấy những mẩu tin nhắn như: “Tôi có nhóm máu..., khi cần vui lòng liên hệ với tôi số điện thoại...”.
Mới đây, TS. Jean-Marc Olive, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết: WHO rất ấn tượng bởi so với năm 1994 tổng số máu hiến tặng ở Việt Nam hiện đã tăng từ dưới 15% lên hơn 65%. Tuy nhiên, khoảng hơn 90% lượng máu hiến tặng tình nguyện tại Việt Nam là từ các thành phố. Theo TS. Jean-Marc Olive, nước ta chỉ thu được khoảng 40% trong tổng nhu cầu về máu và 60% lượng máu còn thiếu vẫn tiếp tục lấy đi mạng sống của nhiều người, trong đó nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em vùng nông thôn nghèo.
Đó là chưa nói đến lượng máu cần được dự phòng cho thảm họa. PGS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chia sẻ: “Không ai mong có thảm họa nhưng trách nhiệm của chúng ta là cần phải làm mọi việc để không có thảm họa, và nếu có thảm họa thì phải tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của nó, đặc biệt là hậu quả đối với con người. Việc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị để có được một ngân hàng máu sống sẵn sàng cấp cứu trong các trường hợp thảm họa thực sự đã trở thành ưu tiên hàng đầu đối với ngành Huyết học - Truyền máu Việt Nam”.
Để việc hiến máu nhân đạo trở thành một thói quen trong đời sống của nhiều người, thiết nghĩ, việc tuyên truyền và giáo dục về hiến máu nhân đạo trong cộng đồng phải được thực hiện thường xuyên, từ thành thị đến nông thôn, từ các cơ quan, xí nghiệp, trường học đến chợ búa... Song song đó, ngành chức năng cần xem lại hình thức tổ chức tiếp nhận máu hiến cũng như việc đảm bảo tính an toàn cho người hiến máu... Nên chăng, công tác tiếp nhận máu hiến được di động đến tận các cơ sở y tế xã, phường, thị trấn... để người dân ở vùng xa tiện việc hiến máu nhân đạo. Cũng có thể ấn định những ngày định kỳ hiến máu (trong tháng) và thông báo rộng rãi đến người dân. Trong năm, thường xuyên mở các cuộc vận động hiến máu nhân đạo để nhiều người có thể tham gia... Ở khu vực phía Bắc đã có Câu lạc bộ nhóm máu hiếm Rh (D) âm. Đây là cách làm hay cần được nhân rộng: sắp tới có thể là Câu lạc bộ nhóm máu hiếm AB, hay các nhóm máu khác...
Có một điều đáng buồn là trong khi nhiều nơi trên thế giới đang khát khao máu để cứu người, thì ở đâu đó vẫn còn có những người lại có hành vi “khát máu” thông qua việc khủng bố, kiếm cớ để gieo rắc chiến tranh, gây nên cảnh đổ máu, tang thương... Đó là hành vi đáng lên án!
Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng ta vẫn vững tin rằng tình người luôn hiện diện mọi lúc, mọi nơi trên thế giới này. Từ những nghĩa cử cao đẹp của mỗi người trong chúng ta sẽ góp phần làm cho thế giới này thêm nhiều tiếng cười vui trong niềm hạnh phúc. Hy vọng rằng, mỗi ngày, mỗi giờ sẽ có thêm nhiều người được kịp thời cứu sống nhờ có những giọt máu thấm đượm tình người mà đồng loại mình đã hiến tặng.
XUÂN QUYÊN