11/06/2022 - 14:58

Những điều cần biết khi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3, 4 phòng COVID-19 cho người dân và tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc này hoàn thành trong quý II-2022. Hiện các địa phương đang tích cực triển khai tiêm chủng, nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch theo chỉ đạo của Trung ương.

Tiêm mũi 4 cho người dân tại CDC Cần Thơ.

Vì sao cần tiêm mũi 4?

Dữ liệu từ Israel, quốc gia đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng tích cực bằng cách sử dụng vaccine mRNA Pfizer và BioNTech, cho thấy khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng của vaccine này giảm từ 95% xuống chỉ còn 39% trong suốt 5 tháng. Từ những con số này, các nhà nghiên cứu thấy rằng: Theo thời gian, dù mất dần khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm, nhưng vaccine vẫn giữ được khả năng ngăn ngừa bệnh tật nghiêm trọng. Khả năng bảo vệ khỏi nhiễm trùng có thể đang suy yếu, nhưng khả năng bảo vệ khỏi nhập viện dường như đang được duy trì. Và bất kể loại vaccine nào, liều thứ 4 có thể làm tăng cao mức độ kháng thể “trung hòa”, điều này có thể ngăn chặn sự xâm nhiễm virus vào tế bào.

Theo tổng hợp từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện tại có 7 nghiên cứu về hiệu quả mũi 4 vaccine phòng COVID-19. Trong đó, 6 nghiên cứu từ Israel và 1 nghiên cứu từ Canada. Tất cả đều được tiến hành trong thời gian mà Omicron là biến thể lưu hành phổ biến trên toàn cầu. Mặc dù các nghiên cứu khác nhau về thiết kế và dân số được điều tra nhưng hầu hết đều đánh giá mũi 4 vaccine phòng COVID-19 là có hiệu quả.

Cụ thể, trong số 7 nghiên cứu điều tra việc sử dụng liều vaccine mRNA COVID-19, có 2 nghiên cứu được thực hiện trên nhân viên y tế ở Israel. Kết quả của nghiên cứu thứ nhất cho thấy rằng vaccine đã kích hoạt một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ (cả kháng thể IgG và kháng thể trung hòa) đều tăng gấp 9 hoặc 10 lần và không gây ra tác dụng phụ nào lớn cho đối tượng nghiên cứu. Nghiên cứu thứ hai đã khảo sát những trường hợp nhiễm COVID-19 sau tiêm vaccine ở những nhân viên y tế được tiêm 3 mũi vắc-xin Pfizer-BioNTech và đưa ra so sánh với những người được tiêm mũi 4 vaccine này. Kết quả cho thấy ở những người được tiêm mũi 4 đã giảm tỷ lệ mắc COVID-19 so với tỷ lệ được quan sát thấy chỉ sau mũi 3 của vaccine này.

Trong số 5 nghiên cứu còn lại, tất cả đều được thực hiện ở những người trên 60 tuổi, không bao gồm những người đã nhiễm COVID-19 trước đó cho thấy, mũi 4 vaccine có hiệu quả. Trong số đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc COVID-19 nặng một tháng sau mũi 4 thấp hơn 3,5 lần so với ở nhóm tiêm 3 liều. Nghiên cứu cuối cùng được thực hiện tại Canada cho thấy rằng với mỗi liều bổ sung, hiệu quả vaccine tăng lên đối với bệnh nặng.

Tính đến cuối tháng 5-2022, trên thế giới có khoảng 7 quốc gia triển khai tiêm nhắc lại thứ 2 (mũi 4) như: Israel, Hoa Kỳ, Canada, Thụy Ðiển, Lào... Vì vậy, để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng, Bộ Y tế đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân.

Tuân thủ hướng dẫn khoảng cách tiêm

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khoảng cách ít nhất là 4 tháng sau mũi 3. Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: Hoãn 3 tháng sau khi mắc COVID-19. Hiện các địa phương đã ban hành kế hoạch tiêm mũi 4. Như TP Cần Thơ, ngày 31-5-2022, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) trên địa bàn TP Cần Thơ.

Cụ thể, theo Kế hoạch số 119/KH-UBND, đối tượng tiêm: người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc trong các khu công nghiệp...; các trường hợp khác theo hướng dẫn bổ sung của Bộ Y tế (nếu có) và các đối tượng khác do UBND thành phố quyết định...

Tính đến ngày 8-6-2022, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, các cơ sở y tế trên toàn thành phố đã tiêm mũi 4 gần 9.000 người dân. Tính đến ngày 6-6-2022, thành phố còn tồn 106.778 liều vaccine. Trong đó, 106.278 liều vaccine Pfizer của người lớn và trẻ em; 500 liều Moderna để tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo ông Trần Trường Chinh, Phó Giám đốc CDC TP Cần Thơ, việc tiêm chủng mũi 3 và 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có chiều hướng chậm lại. Nguyên do người dân có tâm lý chủ quan tiêm mũi 2 là đủ hoặc tiêm đủ 3 mũi vẫn bị mắc COVID-19, tâm lý sợ tác dụng phụ nên không đồng ý tiêm và tâm lý có mắc bệnh cũng nhẹ. Thêm vào đó là sự chỉ đạo thiếu quyết liệt của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể.

Trong thực tế, một số người dân truyền tai cho rằng tác dụng phụ của vaccine làm rụng tóc, giảm trí nhớ, giảm khả năng tình dục, sinh sản. Tuy nhiên, theo CDC Hoa Kỳ, cơ quan kiểm soát bệnh tật hàng đầu thế giới chưa từng khuyến cáo các tác dụng này.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết