31/07/2010 - 21:21

Những "chiến sĩ xung kích" trên mặt trận tư tưởng

Đồng chí Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thừa ủy nhiệm Ban Tuyên giáo Trung ương trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo” năm 2010 cho các đồng chí có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển của ngành Tuyên giáo TP Cần Thơ. Ảnh: H.THU

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định công tác tư tưởng là một mặt trận quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động của Đảng; cán bộ tuyên giáo là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận vẻ vang ấy. Được sự quan tâm, chăm bồi của các cấp ủy Đảng, 80 năm qua, đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng không ngừng phấn đấu, ngày càng hùng hậu và trưởng thành. Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng, chúng tôi xin giới thiệu một số gương mặt trong rất nhiều cán bộ tuyên giáo tâm huyết ở cơ sở...

1. Từng trải qua nhiều vị trí công tác trong ngành tư tưởng, chú Nguyễn Thanh Phong, nguyên là cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hậu Giang, tiếp tục được các cán bộ đảng viên tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư thường trực Đảng ủy kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo phường Cái Khế, quận Ninh Kiều từ tháng 6-2010.

 

26 năm công tác trong lĩnh vực chính trị tư tưởng của Đảng đã giúp chú đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý và vận dụng phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Nhờ vậy, thời gian qua, chú Thanh Phong cùng các cán bộ tuyên giáo của phường đã kịp thời tham mưu, giúp lãnh đạo phường Cái Khế nắm tình hình, có những chủ trương, giải pháp đúng đắn trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn. Chẳng hạn như trước đây, nhận thấy tình hình an ninh trật tự ở một số khu vực trên địa bàn phường rất phức tạp, chú Thanh Phong đã tham mưu cho Đảng ủy chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các khu vực xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, quần chúng tích cực tham gia và vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, mạnh dạn tố giác tội phạm... Song song đó, chú vận động các đảng viên hưu trí, có kinh nghiệm và uy tín tham gia vào đội ngũ tuyên truyền viên và đề xuất trong các cuộc họp tổ nhân dân tự quản đều lồng ghép tuyên truyền để bà con tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn, chú trực tiếp đến nắm tình hình để phản ánh chính xác về cấp trên giải quyết. Như vừa qua, một số bà con bị ảnh hưởng bởi dự án cầu và đường qua Cồn Khương (khu vực 5, phường Cái Khế) ngăn cản không cho đơn vị thi công tiếp tục thi công. Sau khi tìm hiểu, xác định nguyên nhân khiến bà con bức xúc là do thành phố đã chấp thuận nâng chi phí hỗ trợ thuê nhà trong khi chờ đợi tái định cư, nhưng quận chậm thực hiện; chú Phong cùng các cán bộ phường, khu vực ghi nhận những ý kiến của bà con, kịp thời báo cáo với lãnh đạo phường, kiến nghị quận nhanh chóng giải quyết, đồng thời vận động bà con để công trình tiếp tục thi công... Chú chia sẻ: “Làm cho tất cả cán bộ, đảng viên, quần chúng quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy địa phương phát triển. Để làm được điều đó, trước tiên đội ngũ đảng viên phải kiên định lập trường quan điểm, đường lối của Đảng; đoàn kết, nhất trí để công tác tuyên truyền nhất quán. Bản thân những người làm công tác tư tưởng phải gương mẫu, luôn tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống trong sạch; thường xuyên học hỏi, nghiên cứu qua tài liệu, sách vở, báo chí... để nắm bắt tình hình kịp thời, có khả năng phân tích mọi vấn đề làm cho tất cả các đối tượng muốn tuyên truyền hiểu và thực hiện tốt. Đồng thời, phải thường xuyên bám sát cơ sở, phải có lòng nhiệt tình và chịu khó lắng nghe, kịp thời nắm bắt tư tưởng của đảng viên và quần chúng nhân dân để làm tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo phù hợp với tình hình địa phương”.

2. Theo anh Nguyễn Thanh Hồng, Đảng ủy viên, Trưởng Ban Tuyên giáo thị trấn Vĩnh Thạnh, quá trình 10 năm tham gia công tác đoàn thể trước đây đã giúp anh nhận ra tầm quan trọng của công tác tư tưởng. Anh kể: “Hồi tôi làm cán bộ xã đoàn Thạnh Quới, phong trào nào mà mình tổ chức tuyên truyền vận động tốt, làm thông suốt về tư tưởng, nhận thức thì đoàn viên thanh niên sẽ tích cực tham gia, ra sức cống hiến, và nếu làm không tốt thì kết quả ngược lại...”. Từ đầu năm 2007, khi thị trấn Vĩnh Thạnh thành lập, được phân công làm Phó ban, rồi Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy thị trấn, anh luôn nghiên cứu, tham mưu cho Đảng ủy triển khai quán triệt và đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Theo anh Hồng, để thực hiện thắng lợi các phong trào, thì trước hết phải làm cho trong nội bộ đảng thông suốt về tư tưởng, nhất trí trong triển khai thực hiện. Điển hình trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với sự tham mưu của Ban Tuyên giáo, Đảng ủy tổ chức học tập, quán triệt sâu trong cán bộ, đảng viên; lãnh đạo xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí; sửa đổi lối làm việc, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân tại từng bộ phận, ban, ngành, đoàn thể... Nhờ đó, ba năm qua, thị trấn đã tiết kiệm các khoản chi không cần thiết, kết dư ngân sách trên 300 triệu đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đội ngũ cán bộ chấp hành tốt giờ giấc làm việc; bộ phận “một cửa” khắc phục được tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn và nhã nhặn, lịch sự khi tiếp xúc với dân... Năm 2008, do ảnh hưởng suy thoái nền kinh tế, giá cả tăng cao, một số cán bộ xã có biểu hiện chưa an tâm công tác, một số cán bộ bán chuyên trách đến cơ quan trễ, về sớm. Anh Hồng đã tham mưu cho Đảng ủy tổ chức các buổi sinh hoạt tư tưởng, động viên các cán bộ, đảng viên nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước vượt qua những khó khăn chung...

 

Dù bận nhiều việc nhưng anh Hồng luôn dành nhiều thời gian đi cơ sở, tiếp xúc với nhân dân để tham mưu cho Đảng ủy giải quyết những vấn đề nảy sinh trong xã hội. Điển hình như năm 2008, huyện Vĩnh Thạnh quy hoạch xây dựng trường Tiểu học, trường THCS và khu trung tâm thương mại trên địa bàn thị trấn, nhưng một số hộ dân bị ảnh hưởng không đồng tình giao đất thực hiện dự án. Anh Hồng tham mưu cho Đảng ủy chỉ đạo UBND thị trấn tổ chức các buổi họp dân tuyên truyền để bà con hiểu việc quy hoạch các dự án là vì lợi ích chung của xã hội, của nhân dân; trả lời cụ thể những vấn đề bà con thắc mắc về chính sách bồi hoàn, giải tỏa, bố trí tái định cư... Từ đó, bà con đã đồng thuận giao đất để thực hiện các công trình... Nhắc đến những đóng góp tích cực của người cán bộ tuyên giáo tận tụy này, đồng chí Trần Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Vĩnh Thạnh, nói: “Đồng chí Thanh Hồng có năng lực tuyên truyền, vận động tốt, nhạy bén trong nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các dư luận xã hội. Đồng chí tham mưu cho Đảng ủy triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và những vấn đề về tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, góp phần giúp Đảng ủy lãnh đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị đề ra”.

3. Từng có quá trình 10 năm làm công tác đoàn ở địa phương và 6 năm phụ trách công tác tuyên giáo, anh Nguyễn Thanh Sang, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Phú Thứ, quận Cái Răng, đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý. Anh nói: “Làm cán bộ nói chung, đặc biệt là cán bộ tuyên giáo cần phải không ngừng rèn luyện, học tập để thực hiện tốt cả 6 yếu tố: đi, nghe, đọc, nghĩ, viết, nói. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là phải thường xuyên đi cơ sở để vừa tuyên truyền, nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, tham mưu cho cấp ủy đề ra các chủ trương, giải pháp sát thực tế”.

 

Với phương châm đó, anh Sang dành nhiều thời gian đi cơ sở, tham dự các cuộc họp ở các khu vực, qua đó tuyên truyền những chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những ý kiến chưa đúng, anh khéo léo nhắc nhở, phân tích để bà con hiểu, những vấn đề bà con đề xuất, anh ghi nhận, báo cáo và tham mưu cho cấp ủy nhanh chóng giải quyết. Nhờ sâu sát với cơ sở, anh đã tham mưu cho Đảng ủy phường đề ra nhiều chủ trương được nhân dân đồng tình. Nhiều cán bộ còn nhắc tình hình năm 2004, khi phường Phú Thứ mới thành lập, còn gặp nhiều khó khăn, nhất là chưa có đường để xe 4 bánh về đến trung tâm xã, nhiều tuyến đường bị xuống cấp... không ít đảng viên lo ngại phường sẽ không giữ được danh hiệu văn hóa. Dù mới nhận nhiệm vụ tuyên giáo, anh Sang đã mạnh dạn tham mưu cho Đảng ủy đề ra nghị quyết, chỉ đạo các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân dồn sức thực hiện chủ trương này. Với sự hỗ trợ của quận, sự góp sức của nhân dân, trong năm 2004, phường Phú Thứ đã thực hiện nhiều công trình giao thông nông thôn, củng cố và nâng chất các thiết chế văn hóa, tiếp tục giữ vững danh hiệu xã văn hóa. Mới đây, nắm bắt nguyện vọng của bà con ở khu vực Thạnh Hòa muốn làm tuyến lộ chính trong khu vực, anh Sang đã tham mưu cho Đảng ủy xã đề ra chủ trương, tổ chức triển khai vận động nhân dân đóng góp xây dựng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân đã đóng góp 196 triệu đồng, cùng chính quyền thực hiện hoàn thành công trình, vừa đưa vào sử dụng cuối năm 2009. Mặc dù trên địa bàn hiện có 20 dự án quy hoạch với hơn 1/4 số hộ dân bị ảnh hưởng, tuy nhiên, thời gian qua, cũng nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phường Phú Thứ tiếp tục giữ ổn định về an ninh, trật tự an toàn xã hội; là một trong những địa phương đi đầu của quận về tiến độ thu thuế, các loại quỹ hàng năm. Các phong trào đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn luôn được giữ vững...

Anh Sang chia sẻ: “Ngày nay, dân trí được nâng cao, dân chủ được mở rộng, mọi người được bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề xã hội quan tâm, kể cả những ý kiến phê phán những tiêu cực, sai trái. Điều đó đòi hỏi cán bộ làn công tác tuyên giáo càng phải không ngừng học tập, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, rèn luyện kỹ năng diễn đạt sao cho gần gũi, dễ hiểu, dễ thuyết phục... Bên cạnh đó, muốn được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng, nói cho mình nghe, điều rất cần là phải thể hiện sự chân thành, gần gũi, sự tôn trọng đúng mức và biết cách gợi mở để họ có thể tâm sự, trình bày suy nghĩ của mình...”.

4. Tuy mới đảm nhiệm công tác tuyên giáo hơn 2 năm nay, nhưng anh Lê Thanh Bình, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Long Hưng, quận Ô Môn được nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng tin tưởng, tín nhiệm. Với tinh thần làm việc xông xáo, đầy trách nhiệm, ý thức không ngừng phấn đấu học hỏi và thường xuyên sâu sát cơ sở nắm bắt tình hình tư tưởng, anh đã kịp thời tham mưu cho Đảng ủy đề ra những chủ trương, giải pháp sát hợp trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương...

 

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trong quân ngũ, năm 1999, anh Bình tham gia công tác của ấp, lần lượt được phân công làm Thư ký Công an, công tác Văn phòng - thống kê thuộc UBND phường Thới Long. Đến cuối năm 2007, chia tách phường, anh Bình được phân công nhiệm vụ mới - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Long Hưng cho đến nay. Anh Bình nhớ lại, thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác tuyên truyền và nắm bắt tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng, nên khả năng tham mưu cho cấp ủy thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cũng còn hạn chế. Để khắc phục, anh thường xuyên đi cơ sở, tham gia các buổi sinh hoạt tập thể, hội họp, chủ động thực hiện các buổi gặp gỡ chung và riêng với các cán bộ, đảng viên và nhân dân... Qua đó, chọn lọc các vấn đề có liên quan đến tư tưởng, dư luận xã hội để báo cáo, tham mưu cho cấp ủy xử lý. Bên cạnh đó, anh tích cực nghiên cứu sách báo, tài liệu, các văn kiện của Đảng, sách lý luận và các loại báo chí, nghiên cứu những nội dung liên quan đến nhiệm vụ tuyên giáo; tham gia nhiều buổi sinh hoạt tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Với khả năng diễn đạt lưu loát, thuyết phục, anh thường nhận nhiệm vụ triển khai tuyên truyền các văn bản, chủ trương mới của Trung ương, thành phố, quận..., những chủ trương, Nghị quyết của Đảng ủy. Anh Bình cho biết: “Trước khi tổ chức triển khai văn bản mới, tôi nghiên cứu kỹ nội dung, hình thức, cách diễn đạt, rồi đánh máy lại, có chú thích từ ngữ rõ ràng hoặc dùng những từ gần gũi, dễ hiểu nhưng vẫn không làm khác đi ý nghĩa, rồi mới tổ chức triển khai trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do đa phần người dân địa phương là dân lao động, thường xuyên đi làm ăn xa, nên ngoài việc chuẩn bị tài liệu thật kỹ, tôi theo dõi lịch hoạt động của các đoàn thể để kết hợp tuyên truyền, vận động”.

Đồng chí Võ Hiếu Nghĩa, Phó Bí thư Đảng ủy phường Long Hưng, nhận xét: “Chính nhờ đổi mới công tác tuyên truyền mà thời gian qua, các chủ trương, nghị quyết của Đảng ủy phường khi triển khai thực hiện đều được nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia, như: thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đóng góp kinh phí và ngày công lao động để thực hiện nhiều công trình giao thông... Đặc biệt, với vai trò là Trưởng Ban Tuyên giáo, vừa qua, đồng chí Bình đã tham mưu cho Đảng ủy đề ra Nghị quyết và tuyên truyền sâu rộng ra dân về việc phấn đấu xây dựng Long Hưng trở thành phường văn hóa. Đến nay, các thiết chế văn hóa của phường đã được cải thiện rõ rệt, dự kiến sẽ trình để được công nhận vào cuối năm 2010”...

Dù khác nhau về tuổi đời, điều kiện công tác nhưng những cán bộ tuyên giáo chúng tôi đã gặp có điểm chung là luôn nhiệt tình, tâm huyết, gần gũi, gắn bó với nhân dân để ngày càng nâng cao năng lực, hiệu quả tham mưu cho các cấp ủy Đảng làm tốt công tác lãnh đạo trên “mặt trận tư tưởng” trong tình hình mới.

NHÓM PV CHÍNH TRỊ

Chia sẻ bài viết