23/04/2025 - 08:43

Ðể người dân hài lòng hơn về hiệu quả hoạt động của chính quyền 

Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan vừa công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2024. Báo cáo cho thấy chính quyền các cấp trên cả nước đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ ở một số lĩnh vực trong công tác quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công (DVC) cho người dân. Ðồng thời, khuyến nghị chính quyền các cấp cần tăng cường tính minh bạch trong cung ứng DVC, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật...

Các đại biểu gợi ý giải pháp cải thiện Chỉ số PAPI của TP Cần Thơ tại hội thảo“Nhận diện các vấn đề đối với năng lực quản trị và hành chính công của TP Cần Thơ”, do Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức.

Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2024 cho thấy người dân đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền ở 7/8 chỉ số thành phần, cao hơn so với năm 2023. Trong đó, có 4 chỉ số ghi nhận những bước tiến đáng kể, gồm: “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “quản trị môi trường” và “quản trị điện tử”. Đối với 3 chỉ số: “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “trách nhiệm giải trình với người dân” và “cung ứng DVC” có tiến bộ nhẹ. Riêng chỉ số “thủ tục hành chính công” không cho thấy sự cải thiện rõ nét. Về kết quả Chỉ số PAPI, không ít địa phương hoặc rơi vào trạng thái chững lại hoặc giảm sút trong năm 2024 so với 3 năm đầu của nhiệm kỳ 2021-2026. Đơn cử như TP Cần Thơ xếp thứ 59 trong 61 tỉnh, thành (2 tỉnh khuyết dữ liệu là Tiền Giang và Vĩnh Phúc), xếp thứ 11 trong 12 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và xếp thứ 6 trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại hội thảo khoa học “Nhận diện các vấn đề đối với năng lực quản trị và hành chính công của TP Cần Thơ”, do Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức vào cuối tháng 3-2025, Thạc sĩ Võ Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố, cho biết điểm số và thứ hạng Chỉ số PAPI của thành phố liên tục giảm sâu, xuống thấp nhất cả nước (hạng 55 - năm 2022 và hạng 53 - năm 2023). Từ kết quả này cho thấy, nỗ lực cải cách, thực thi chính sách và cung ứng DVC, năng lực điều hành, quản lý nhà nước, thực thi công vụ của chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân. Do đó, yêu cầu cấp thiết là cần có những giải pháp đồng bộ và đột phá để cải thiện năng lực quản trị của chính quyền các cấp, nhằm thực hiện thắng lợi những định hướng phát triển của Trung ương, xứng đáng là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL.

Chỉ số PAPI là công cụ để người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011 đến nay. PAPI đo lường 8 chỉ số lĩnh vực nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng DVC; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

PGS. TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Kết quả khảo sát của PAPI là nguồn dữ liệu, thông tin rất bổ ích để chính quyền rà soát hiệu quả hoạt động của bộ máy, chất lượng DVC, từ đó xây dựng chính sách và kế hoạch hành động để cải thiện hiệu quả hoạt động của mình”. Theo bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, những phát hiện từ khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy nhu cầu cấp thiết và cơ hội to lớn của việc thúc đẩy khả năng tiếp cận DVC một cách công bằng của người dân thuộc các tầng lớp, vùng miền thông qua cải cách quản trị đang được triển khai trong năm 2025. Những phát hiện này gợi mở một lộ trình nâng cao hiệu quả quản trị công, lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm những cải cách thể chế hiện nay và tới đây sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ người dân ở khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số gặp nhiều thách thức trong tiếp cận và sử dụng thiết bị công nghệ kết nối với các cổng DVC trực tuyến. Đa số vẫn phải hoàn tất các thủ tục hành chính trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của UBND các cấp. Những thách thức này làm giảm hiệu quả quản trị điện tử và không phát huy được hiệu ứng của các cổng DVC trực tuyến. Từ thực trạng trên, các chuyên gia đề xuất thực hiện một số biện pháp có trọng điểm để đảm bảo tiếp cận công bằng với công nghệ và các chương trình nâng cao năng lực sử dụng kỹ thuật số, đặc biệt là cho phụ nữ, các nhóm dân tộc thiểu số và người dân ở khu vực nông thôn. Theo Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2024, giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công: tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện các quy định của pháp luật liên quan, bảo vệ người tố giác, thúc đẩy quản trị điện tử, nâng cao hiệu quả giám sát và bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Bài, ảnh: DÂN AN

Chia sẻ bài viết