16/08/2011 - 08:39

Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu

Những cảnh báo bi quan

Thị trường chứng khoán châu Á liên tục “nhảy múa” nhiều ngày qua. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ đang đe dọa các thị trường tài chính, các nhà lãnh đạo kinh tế hàng đầu thế giới đã đưa ra những cảnh báo khá bi quan về tương lai.

Trong bài viết đăng trên Thời báo Tài chính của Anh ngày 15-8, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, đồng tác giả với nhiều bộ trưởng tài chính khác, cho rằng họ tin là những rào cản lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế là chính trị, chứ không phải kinh tế. Vì vậy, các tác giả kêu gọi “giới lãnh đạo với sự can đảm chính trị” ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có những động thái mạnh mẽ hơn nhằm tái đảm bảo thị trường. Theo họ, Eurozone đã thực hiện những biện pháp giải quyết nhiều vấn đề về nguy cơ khủng hoảng nợ lan rộng, thông qua việc tăng cường vai trò của quỹ ổn định tài chính châu Âu và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mua trái phiếu của một số nước gánh nặng nợ. Tuy nhiên, hiện nay, châu Âu cần chứng tỏ cam kết thống nhất tài chính và những cơ chế điều hành mạnh hơn nhằm tránh rủi ro và tăng cường trách nhiệm tài chính. Bộ trưởng Osborne thừa nhận rằng một liên minh tài chính chặt chẽ hơn có thể là giải pháp duy nhất để đối phó với khủng hoảng.

Nỗ lực phối hợp tìm đường đưa Eurozone thoát khỏi khủng hoảng, hôm nay 16-8, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel có cuộc gặp thượng đỉnh tại Paris.

Kêu gọi của các bộ trưởng tài chính diễn ra sau khi Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cảnh báo rằng các thị trường chứng khoán đang bước vào “vùng nguy hiểm mới”, khác với năm 2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông Zoellick cho rằng mặc dù người dân ít bị nợ nần hơn so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 và những diễn biến hiện nay không có yếu tố “gây sốc bất ngờ” tương tự, nhưng lần này khả năng xử lý đã “eo hẹp” hơn. Theo Chủ tịch WB, kinh tế toàn cầu đã đi qua giai đoạn phục hồi không đồng đều (các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao, trong khi các thị trường phát triển vẫn phải vật lộn với những khó khăn) sang một giai đoạn mới nguy hiểm hơn, sau khi Mỹ bị hạ định mức tín nhiệm nợ và khủng hoảng nợ hiện hữu ở Eurozone. Vài tuần gần đây, các nhà đầu tư đã thể hiện thái độ thất thường với việc các chỉ số chứng khoán lên xuống liên tục trong nhiều ngày liền. Ông Zoellick nói: “Những gì xảy ra trong 2 tuần qua là sự hội tụ một số sự kiện ở châu Âu và Mỹ, cho thấy xu hướng nhiều nhà đầu tư mất niềm tin vào giới lãnh đạo kinh tế của một số nước quan trọng”. Chủ tịch WB cho rằng các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã không hành động kịp thời để đối phó với nguy cơ khủng hoảng nợ.

Ngày 14-8, các nhà kinh tế Mỹ và thế giới nhận định những hỗn loạn trên thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu trong 2 tuần qua, đã gây thiệt hại khổng lồ cho các thị trường chứng khoán thế giới, với con số thiệt hại không thể dự báo chính xác, nhưng ước tính lên tới 2.500 – 4.000 tỉ USD chỉ trong tuần giao dịch đầu tiên của
tháng 8.

Theo ông Zoellick, các nước đang phát triển cũng đối mặt với nhiều thách thức. Nhấn mạnh nguy cơ tăng trưởng quá nóng ở Trung Quốc, ông Zoellick cho rằng lạm phát 6,5% trong tháng 7, cao nhất trong 3 năm qua, đã tác động tới các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ (NDT) tăng giá để đối phó với sức ép giá cả. NDT đã tăng lên mức cao mới so với USD vào cuối tuần trước (1 USD chỉ còn đổi được 6,389 NDT), đánh dấu mức tăng hàng tuần lớn nhất của đồng tiền này kể từ khi được nới lỏng tháng 6 năm ngoái. Ông Zoellick cảnh báo tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc tăng tới 10% sẽ phơi bày nhiều vấn đề lớn cho giới lãnh đạo nước này và nếu xảy ra suy thoái, Bắc Kinh có thể không còn đủ sức kích thích kinh tế mạnh như trước vì tình trạng nợ xấu trong hệ thống tài chính của nước này.

THIÊN QUỐC
(Theo Guardian, WSJ)

Thị trường chứng khoán châu Á liên tục “nhảy múa” nhiều ngày qua. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết