Bài, ảnh: DUY KHÔI
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), Viện Phim Việt Nam đã tổ chức chương trình chiếu phim truyện Việt Nam miễn phí phục vụ khán giả. Các bộ phim hay, có giá trị của điện ảnh cách mạng Việt Nam, ca ngợi hình ảnh người lính “Bộ đội
Cụ Hồ” thật ý nghĩa trong những ngày tháng Bảy.
Bản phim “Đứa con và người lính” do Phương Nam Phim phát hành.
Theo Viện Phim Việt Nam, chương trình chiếu phim nhằm mang đến cho công chúng những bộ phim hay, thể hiện lòng biết ơn với các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Qua đó, tôn vinh truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ðền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.
Có 3 bộ phim được chiếu nhân dịp này là “Ðứa con và người lính”, “Người về đồng cói” và “Rừng lạnh”.
Trong đó, phim “Ðứa con và người lính” được xem là một trong những bộ phim về tình cảm gia đình thời chiến xúc động nhất của điện ảnh Việt Nam. Phim của đạo diễn Châu Huế, do Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1986. Ðó là chuyện về một gia đình nông dân yêu nước, người cha đi theo lý tưởng cách mạng xung phong ra chiến trường cầm súng chiến đấu, để lại quê nhà người vợ và đứa con trai vừa giáp thôi nôi.
Người con trai ấy tên Lê Thiên, sau khi trưởng thành cũng tình nguyện lên đường chiến đấu, với mong mỏi gặp lại người cha mà anh chưa kịp đọng lại một chút ký ức trong đầu. Thế nhưng, chiến trường nào dễ dàng cho những cuộc đoàn tụ. Những nguy hiểm, những éo le được phim lột tả đã lấy nước mắt người xem. Phim có mở đầu ấn tượng với hình ảnh người mẹ đi xa về nhà thấy hàng chữ ghi trên cánh cửa “Con về không gặp mẹ. Thư con để dưới cửa. Con Thiên!”, câu chuyện phim được triển khai từ đó. Phim có sự tham gia của các diễn viên điện ảnh Thế Anh, Mạnh Linh, Thùy Liên, Quốc Khánh...
“Người về đồng cói” là phim do nhà văn Lê Lựu biên kịch, NSND Bạch Diệp đạo diễn, Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam sản xuất vào năm 1973. Truyện phim kể về người lính Lê Văn đã mất đi một phần thân thể trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng người lính ấy quyết không chịu hưởng quyền lợi được nghỉ ngơi, kiên quyết phát huy tinh thần cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quê hương. Chiến trường và cuộc sống đời thường có nhiều trái lệch, những điều đó có thể gây khó khăn nhưng không ngăn cản được Lê Văn bởi chất lính nhiệt huyết luôn thắp sáng trong ông. Ðiểm thú vị là bài hát viết cho phim mang tên “Quê ta vui mùa cói” của nhạc sĩ Hoàng Hà sau đó rất nổi tiếng, trở thành ca khúc tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Còn với “Rừng lạnh”, đó là hành trình của 3 học trò: Nẫm, Hải và Liễu đưa thi thể thầy mình là Giáo sư Thành cùng toàn bộ tài liệu nghiên cứu ra miền Bắc. Giáo sư Thành là chuyên gia nghiên cứu chất độc hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống miền Nam nhưng không may ông bị nhiễm độc và qua đời. Trên đường vận chuyển, cả 3 bị toán biệt kích đuổi theo để cướp thi hài cùng tài liệu. Hải và Nẫm hy sinh còn Liễu cũng bị nhiễm chất độc hóa học và sau đó không qua khỏi. Cả toán biệt kích cũng bỏ mạng do chính chất độc hóa học đó… Phim của đạo diễn Trần Phương, do Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1982, với sự tham gia của các diễn viên: Phương Thanh, Lâm Hùng, Ðặng Việt Bảo...
Ðộc giả có thể tìm xem lại những bộ phim này trên YouTube.