05/02/2021 - 06:26

Nhức nhối nạn xúc phạm nhân viên y tế 

Chính phủ Anh ngày 3-2 đã lên án hành vi quấy rối Giám đốc Y tế vùng England, Chris Whitty (ảnh) khi ông bị một thanh niên lạ mặt gọi là “kẻ nói dối”.

Trong lúc xếp hàng mua thức ăn tại thủ đô Luân Đôn, Giáo sư Whitty bị một đối tượng vừa quay video vừa cáo buộc ông nói dối về các ca nhiễm COVID-19. Giáo sư Whitty không phản ứng trước lời lẽ này, nhưng Chính phủ Anh lên tiếng bảo vệ ông. “Chris Whitty là công chức nổi tiếng và ông đã nỗ lực hết mình để đưa chúng ta vượt qua giai đoạn rất khó khăn trong năm ngoái. Không thể chấp nhận việc ông Whitty trở thành mục tiêu xúc phạm như thế”, phát ngôn viên của Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh.

Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Anh đang chứng kiến làn sóng thuyết âm mưu nổi lên kể từ khi đại dịch bùng phát. Song song đó, Luân Đôn cũng ra sức trấn an người dân rằng vaccine an toàn và giải thích vì sao cần thiết đặt ra những biện pháp hạn chế liên quan COVID-19.

Bắt nạt trên mạng

Không chỉ ngoài đời thực, nạn xúc phạm còn xuất hiện trên mạng xã hội. Mặc dù dành nhiều giờ trong phòng chăm sóc đặc biệt để điều trị bệnh nhân COVID-19, nhưng bác sĩ người Mỹ Shikha Jain vẫn phải chịu đựng sự căng thẳng tinh thần do bị bắt nạt. Hoạt động trên mạng xã hội đã được các tổ chức chăm sóc sức khỏe khuyến khích, đặc biệt trước mối đe dọa của SARS-CoV-2. Thế nhưng nghiên cứu của các đại học Mỹ phát hiện 25% bác sĩ cả nam lẫn nữ từng bị xúc phạm. Các đối tượng nhắm vào chủng tộc hoặc tôn giáo của các chuyên gia y tế, một số trường hợp còn bị quấy rối tình dục.

Quấy rối thực sự đáng sợ, đặc biệt khi nạn nhân là sinh viên và đang nỗ lực làm việc thiện. Tricia Pendergrast, nữ sinh y khoa năm 2 thuộc Đại học Northwestern, hiện đang giúp thu gom các thiết bị bảo hộ cá nhân để cung cấp cho lực lượng y tế ở tuyến đầu. Nhưng Pendergrast đã nhận một số email và bài viết trên mạng xã hội từ nhiều người với những lời lẽ khó nghe liên quan đến chủ đề đeo khẩu trang. Có cả những đe dọa tiết lộ thông tin cá nhân và địa chỉ của các tình nguyện viên, nhưng điều này không khiến họ chùn bước.

Tương tự, ở Nhật Bản, các thầy thuốc cũng không tránh khỏi nạn kỳ thị mặc dù mạng xã hội đã đẩy mạnh nỗ lực ghi nhận đóng góp của họ trong cuộc chiến chống COVID-19. Khảo sát hồi tháng 4-2020 chỉ ra rằng 9,9% trong số 152 cơ sở trên khắp nước Nhật có các nhân viên y tế bị kỳ thị hoặc làm phiền liên quan đại dịch. Họ bị người thân trong gia đình “cấm” về nhà, lăng mạ và bị đồng nghiệp tại các khoa phòng khác xa lánh. Thậm chí, nhân viên y tế tham gia chống dịch còn bị đổ lỗi khi bệnh viện xảy ra tình trạng lây nhiễm, khiến con của các đồng nghiệp không được phép đến trường.

COVAX công bố danh sách phân phối vaccine đợt đầu

Ngày 3-2, Chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới khởi xướng nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với các loại vaccine ngừa COVID-19 đã công bố danh sách phân phối vaccine đợt đầu, với số liều đủ để đến giữa năm 2021 các nước tiêm cho hơn 3% dân số.

Các nước sẽ nhận vaccine theo tỷ lệ quy mô dân số. Ấn Độ sẽ nhận được nhiều nhất với 97,2 triệu liều, Pakistan 17,2 triệu liều, Nigeria 16 triệu, Indonesa 13,7 triệu, Bangladesh 12,8 triệu và Brazil 10,6 triệu liều. Ngoài ra, một số nước có khả năng tự chủ tài chính cũng nằm trong danh sách này, như Hàn Quốc (2,6 triệu liều), Canada (1,9 triệu liều) và New Zealand (250.000 liều).

Hai loại vaccine được sử dụng phân phối đợt đầu là chế phẩm của AstraZeneca/Oxford và Pfizer/BioNTech.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết