* Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình)
Trong tháng 3 và 4-1975, Thường vụ Khu ủy Tây Nam Bộ họp Ban Chấp hành mở rộng và Ban Thường vụ thành phố Cần Thơ bàn kế hoạch tiến công và nổi dậy ở thành phố Cần Thơ. Phối hợp chặt chẽ mũi công kích với quần chúng nổi dậy để giải phóng thành phố Cần Thơ.
Lúc đó, thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ (địch gọi là tỉnh Phong Dinh gồm địa phận thành phố hiện nay với tỉnh Hậu Giang và 1 huyện Kế Sách của Sóc Trăng giao). Còn thành phố Cần Thơ lúc đó gồm 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy (hiện nay) cộng với 2 phường Hưng Phú và Hưng Thạnh.

Lễ mừng thắng lợi 30-4-1975 tại thành phố Cần Thơ.
Ảnh: Nguồn “Đồng bằng sông Cửu Long Nơi chiến tranh đi qua
- NXB TPHCM 2003”
Theo chủ trương của Đảng, khu vực Tây Nam Bộ lấy thành phố Cần Thơ làm chỉ đạo riêng để giải phóng thành phố sớm, có tác dụng với nơi khác. Cho nên Thành ủy Cần Thơ gồm một số Khu ủy viên, một số cán bộ các ngành Khu do đồng chí Năm Nam, Khu ủy viên, làm Bí thư Thành ủy. Tôi là Ủy viên Thường vụ Thành ủy phụ trách Tuyên huấn và Dân vận, Mặt trận...
Thành phố Cần Thơ chia làm 3 vùng để thực hiện:
1. Vùng ven Vòng Cung và quận 2, lực lượng vũ trang tiến công các cứ điểm, kết hợp 3 mũi giáp công.
2. Vùng công kích - quân chủ lực ta tấn công là chủ yếu.
3. Vùng nội thành - vừa công kích cơ quan đầu não, vừa lãnh đạo quần chúng nổi dậy.
Thành ủy đưa vào nội thành hơn 100 cán bộ trung cấp, sơ cấp, lập các ban chỉ huy khu vực và điểm khởi nghĩa. Thành phố có 40 cán bộ, đảng viên, 200 cán bộ quần chúng, 100 tay súng ở các điểm khởi nghĩa, có 8 chi bộ Đảng, 15 tổ hạt nhân Đảng, 7 chi đoàn thanh niên, tổ cốt cán và tổ công đoàn, 30 tổ tự vệ và an ninh. Toàn thành phố có 5 khu vực và 15 điểm khởi nghĩa. Cơ sở cách mạng tương đối lớn so với năm 1969, 1970.
Ngày 12-4-1975, tôi (Nguyễn Văn Lưu - Năm Bình) vào nội thành, cùng đi có một số cán bộ và giao liên nữ.
Tôi ở nhà anh Út Dương (cơ sở mật của ta) lúc đó thuộc phường An Hòa (nay thuộc phường Thới Bình) danh nghĩa công khai là thân nhân ở vùng Cà Mau (theo giấy căn cước của tôi làm ở Cà Mau) đến nhà Út Dương để trị bệnh (vì Út Dương làm nghề y tá tư). Nơi này có hầm bí mật. Quá trình chờ đợi tổng tiến công, hằng ngày tôi đi quan sát tình hình ở thành phố.
Từ ngày 20-4-1975 đến 30-4-1975, một số sĩ quan, công chức, cố vấn Mỹ và một số doanh nhân người Việt - Hoa, di tản bằng tàu hoặc máy bay. Nhân dân xông vào nhà đập phá, hôi của... lính mã tà, cảnh sát bắn súng hăm dọa cũng không được, thậm chí còn bị đánh lại.
Đến ngày 22-4-1975, tôi dời qua nhà của chị út Chót (cơ sở mật của ta) cũng ở phường An Hòa, nơi đây cũng có xây dựng hầm bí mật, lấy danh nghĩa ở để trị bệnh. Thời gian ở đây, tôi xây dựng nhiều chỗ ăn ở (quyết bám trụ chiến đấu) đã tạo được 5 chỗ trong nội thành và 01 điểm ở vùng ven.
Tối 29-4-1975, tôi được nghị quyết về Tổng tiến công và nổi dậy trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi dời qua chỗ Út Dương để tiện việc chỉ huy khởi nghĩa.
Sáng 30-4-1975, tôi đi truyền đạt lệnh khởi nghĩa, dọc đường gặp anh Hà Thái Bình (Tư Hiền) được tăng cường cho khởi nghĩa nội thành. Tôi dặn anh Tư Hiền ở chỗ chỉ huy (nhà Út Dương).
Trên đường đi triển khai nghị quyết về tổng tấn công và nổi dậy, đi ngang qua trại nhập cư số 4, lính ở đây giăng dây thép gai ngang đường, không cho đi lại vì có lệnh giới nghiêm 24/24 giờ. Nhờ ông Tự, người lái xe gắn máy tôi đi, thuyết phục, lính cho đi qua.
Đến chỗ cô Ba Huệ, phía sau trường Lasan, thuộc phường Hưng Lợi (phường Xuân Khánh hiện nay). Cô Ba Huệ nói: Địch thiết quân luật, sao anh đi được? Tôi nói: Lính rã ngũ, đồng bào tản cư đi đầy đường, có ai ngăn cấm được đâu?
Khi trở về nhà Út Dương, cơ sở mật ở Nha cảnh sát Miền Tây (chỗ Công an thành phố Cần Thơ hiện nay) cho biết, số chỉ huy đã bỏ trốn.
Vấn đề đặt ra là làm sao giải thoát tù chính trị. Tôi đến gặp bác sĩ Lê Văn Thuấn (cơ sở mật của ta) nói rõ tôi là người của Mặt trận Dân tộc giải phóng đến bàn với ông lấy danh nghĩa Hội Hồng Thập tự xin thả tù chính trị để trị bệnh. Lúc này ở Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh của Ngụy quyền tuyên bố lúc 9 giờ 30 Sài Gòn bỏ ngỏ và 11 giờ 30 tuyên bố đầu hàng lực lượng giải phóng quân.
Bác sĩ Lê Văn Thuấn vội lấy áo mang vào đi ngay. Sau đó, bác sĩ Thuấn cho biết đã đến 3 nơi: Trại giam Cầu Bắc (Nha cảnh sát Miền Tây) và trại giam Khám lớn, thả được khoảng 6.000 tù chính trị và thường phạm. Tên quản lý trại giam Khám lớn nói nếu thả tù chính trị mà không thả tù thường phạm thì nó bóp cổ chúng tôi chết, nên phải thả nó ra. Còn tại trại tù binh và lao công đào binh, thả không được. Sau đó số tù binh này lập 2 tiểu đoàn với 700 quân, lấy tên tiểu đoàn Quyết Thắng I và Quyết Thắng II.
Số tù nhân được thả ra, hô vang khẩu hiệu cách mạng “Việt Nam độc lập, thống nhất muôn năm”, “Mặt trận dân tộc giải phóng muôn năm”... làm rối loạn cả thành phố...
Tại trại nhập ngũ số 4, cơ sở nội tuyến đã thả tân binh và lao công đào binh khoảng 5.000 người, tung ra khắp nẻo đường, hô to khẩu hiệu cách mạng, càng làm cho thành phố thêm rối loạn, vô chánh phủ.
Khí thế cách mạng lên cao!
Quần chúng, nhân viên, công chức... lo sợ số tù thường phạm được thả ra sẽ cướp giựt, hãm hiếp đồng bào...
Để ổn định đồng bào, tôi đến tiệm thuốc tây Tham Tướng ở đường Lý Thái Tổ gặp chị Sáu Hiếu (cơ sở bí mật) bàn việc chiếm Đài Phát thanh Cần Thơ. Chị Sáu Hiếu gợi ý: Anh Trần Kim Toàn (Năm Toàn) Trưởng Phòng Hành chánh - Quản Trị Đài Phát thanh, anh này tốt. Sáng nay, địch kêu xuống tàu để trốn. Anh xuống tàu, rồi trở lên bờ không đi vì vợ con đông.
Tôi nhờ chị Sáu Hiếu mời anh Năm Toàn đến. Tôi nói: “Tôi là người của Mặt trận dân tộc giải phóng, tôi biết hoàn cảnh của anh. Vậy anh có thể dẫn tôi vào chiếm Đài Phát thanh Cần Thơ được không?”. Anh Toàn đáp “Sẵn sàng dẫn đoàn vào chiếm Đài Phát thanh Cần Thơ (lúc đó xem như của cả khu vực Miền Tây)”.
Tôi nhờ chị Sáu Hiếu đi kêu một số cán bộ như Sáu Minh, Sáu Biên và kêu số cán bộ chọn 4 phòng vệ dân sự có võ trang (cơ sở mật của ta), tìm nhiếp ảnh và mang theo cả truyền đơn... Tôi dự thảo bản tuyên bố.
Khi đến đông đủ, với 6 xe gắn máy 12 người trực chỉ Đài Phát thanh Cần Thơ lúc 14 giờ Sài Gòn (sớm hơn giờ Hà Nội 1 giờ). Đến nơi, tôi, anh Năm Toàn và anh Sáu Biên (Trương Văn Biên) vào phòng tên quản đốc Mã Thành Chung. Số còn lại ở ngoài sân do anh Sáu Minh điều khiển, hạ cờ 3 sọc, kéo cờ Mặt trận lên. Kéo cờ nửa chừng, dây đứt, một bác nông dân ở trần, quần cụt đến dự, trèo lên cột cờ nối lại dây kéo cờ.
Anh Năm Toàn đi tìm tên quản đốc đang mặc quần áo đen, ướt mèm (có lẽ chém dè trong hồ nước). Tôi tự giới thiệu: là người của Mặt trận dân tộc giải phóng đến tiếp quản Đài Phát thanh, nếu anh muốn lập công với Cách mạng, thì giao Đài Phát thanh cho chúng tôi... Còn không, thì có tội với Cách mạng...
Tên quản đốc trả lời: Đài Phát thanh trực thuộc Tư lệnh vùng 4 chiến thuật, chưa có lệnh tôi không dám giao...
Tôi cười gằn: “Tư lệnh còn đâu nữa, đã di tản rồi (thực ra tên tướng Nam (Nguyễn Khoa Nam) vẫn còn tại tư dinh). Xin nhắc lại: Nếu muốn lập công thì giao Đài Phát thanh.
Thấy không thể cưỡng lại được, tên quản đốc dẫn tôi và anh Sáu Biên vào phòng thu âm để thử tiếng nói. Sau khi thử tiếng nói xong, ghi âm bản tuyên bố do tôi đọc. Sau đó, cho tôi nghe thử coi có đúng hay không. Đến 15 giờ (tức 14 giờ Hà Nội) tôi đồng ý cho phát lời tuyên bố và tiếp theo là 3 bản thông báo chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đối với binh sĩ và nhân viên chính quyền Sài Gòn, Chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đối với vùng mới giải phóng và mấy điều kỷ luật đối với cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản thành phố.
Khi phát trên đài phát thanh, có đặt một radio để nghe coi có đúng không. Lời tuyên bố này và ba chính sách của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được phát đi liên tục.
Lối 1 giờ sau, có một đại úy ngụy (gắn 3 bông mai trên cầu vai) không mang súng, mang thông báo của Tư lệnh vùng 4 chiến thuật để phát lên Đài Phát thanh. Nội dung như sau:
Có thiếu tá Nguyễn Văn Thạch của Mặt trận dân tộc giải phóng đến thương lượng với vùng 4 chiến thuật đầu hàng nhưng Tư lệnh vùng 4 chiến thuật hẹn lại ngày mai 1 tháng 5 năm 1975 lúc 7 giờ 30 đến tiếp tục bàn. Nay ra lệnh ngừng bắn tại chỗ. Binh sĩ vùng 4 chiến thuật ở đâu vẫn ở đó, không di chuyển.
Tên quản đốc Đài Phát thanh đưa cho tôi xem bản thông cáo. Biết có anh Tám Thạch, Phó ban Binh vận khu đã gặp tướng Nguyễn Khoa Nam nhưng thấy nó ra lệnh ngưng bắn tại chỗ, có lợi cho ta, nên tôi đồng ý cho phát trên Đài Phát thanh, cũng biết bọn này dục hoãn cầu mưu, hy vọng tình hình sẽ chuyển biến có lợi cho chúng nên tôi cho phát một lúc thì ngưng.
Cũng nên nhắc lại, địch đã bố trí một đại đội lính bảo an bảo vệ Đài Phát thanh do một đại úy chỉ huy, có 4 xe nồi đồng đậu trước Đài Phát thanh. Tên đại úy này lại là nội tuyến của ta. Ta đã cho nội tuyến này biết sẽ có người đến liên hệ để chiếm Đài Phát thanh nhưng cán bộ nắm vấn đề này đi theo bộ đội ta, còn ở bên ngoài (vùng xóm chài phường Hưng Phú, Hưng Thạnh) chưa vào được nội thành. Nội tuyến chờ lâu không thấy người đến liên hệ nên bắt đầu cho số lính không tin cậy giải ngũ trước, gom súng lại đem vào kho, 4 xe nồi đồng chĩa họng súng lên trời án binh bất động, sau đó cho toàn bộ số lính còn lại giải ngũ, súng cất vào kho. Và chính bản thân anh nội tuyến này cũng về nhà, không ở lại đơn vị vì lo sợ quân giải phóng không biết anh là nội tuyến, sẽ bất lợi cho anh.
Lời tuyên bố của cách mạng phát trên Đài Phát thanh Cần Thơ, đã cổ vũ quần chúng khắp nơi trong thành phố Cần Thơ và nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nổi dậy, giành chánh quyền về tay nhân dân.
Tại bản doanh Bộ Chỉ huy tiền phương của khu vực và trọng điểm của ta cũng bắt được sóng và nghe rõ tiếng của tôi đọc. Bộ Chỉ huy của Khu nhận định: Thành phố Cần Thơ đã làm theo kế hoạch, đã khởi nghĩa thành công. Đài Phát thanh Cần Thơ đã phát bản Tuyên bố của Ủy ban nhân dân thành phố! Sài Gòn đã giải phóng! Cần Thơ đã giải phóng!
Bộ Chỉ huy tiền phương ra lệnh: Sư đoàn 4 của Khu, bằng mọi phương tiện báo cho bọn địch đang phòng thủ Vòng Cung biết: Thành phố Cần Thơ đã được giải phóng! Toàn bộ quân địch phải buông súng đầu hàng! Nếu không, sẽ bị tiêu diệt!
Sau đó, Đoàn 6 pháo binh tiến công mãnh liệt chi khu Phong Điền. Các cánh quân khác cũng tiến công dồn dập vào các đơn vị địch. 17 giờ, toàn bộ địch ở Vòng Cung đầu hàng. Các Trung đoàn của Sư đoàn 4 của Khu giải giới Sư đoàn 21 của ngụy, Trung đoàn 11 (Sư đoàn 7 của ngụy) Trung đoàn bảo an tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ) 2 thiết đoàn và 1 chi đội xe nồi đồng.
Bộ Chỉ huy cũng ra lệnh cho Tỉnh Đội và Thành Đội Cần Thơ nhanh chóng tiến công theo kế hoạch, qua xã An Bình, phát triển vào nội thành.
Khoảng 18 giờ ngày 30-4-1975, cùng với tiểu đoàn Tây Đô vừa vượt Vòng Cung vào, đồng chí Trần Minh Sơn (7 Mạnh), Phó bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ bắt buộc Chuẩn tướng Mạch Văn Trường, Tư lệnh Sư đoàn 21 ngụy, kiêm Tư lệnh tuyến phòng thủ Vòng Cung và Bộ Tham mưu phải đầu hàng tại Dinh tỉnh trưởng Ngụy.
Sau đó Tiểu đoàn Tây Đô tiếp quản các căn cứ hậu cần, trại Cửu Long, Hải quân, Dinh tỉnh trưởng Ngụy. Các đội công tác tại chỗ nơi đây đã tiếp quản Nha cảnh sát Hậu Giang của Ngụy, Viện Đại học, các trường học, cơ sở thanh niên, thể dục thể thao, toàn bộ các ty hành chánh, các xí nghiệp điện, nước, bến xe, bến phà, các kho tàng...
Tại sào huyệt của vùng 4 chiến thuật, sau khi thông báo của Tư lệnh vùng 4 chiến thuật về ngừng bắn tại chỗ, binh sĩ vùng 4 chiến thuật ở đâu vẫn ở đó, không được di chuyển. Nguyễn Khoa Nam lên máy bay đi thị sát tuyến Vòng Cung và ra lệnh các binh sĩ “tử thủ”.
Có một chiếc tàu chở một số sĩ quan và công chức cao cấp chạy ra biển. Nguyễn Khoa Nam ra lệnh một máy bay ném bom chiếc tàu kể trên nhưng máy bay này chỉ ném bom ở vàm Kế Sách như thúc giục tàu chạy nhanh hơn.
Tuyệt vọng trước tình hình quân tướng bên dưới đã đầu hàng, bị bắt hoặc bỏ chạy, phương tiện chạy trốn không còn (chiếc máy bay riêng của Tư lệnh vùng bị tên thư ký riêng lấy chạy ra tàu ngoài biển), thiếu tướng Lê Văn Hưng, Phó tư lệnh vùng 4 chiến thuật tự sát. Còn Nguyễn Khoa Nam gọi Sư đoàn 21, Sư đoàn 4 không quân, thiếu tướng Hưng... đều không trả lời. Cuối cùng, đêm đó (30-4-1975) y cũng tự sát.
Sau này, bác sĩ Lê Văn Thuấn cho biết: “Rất may là ta giải phóng sớm, chứ nếu để trễ vài ba hôm sau, có thể anh sẽ bị bắt vì địch đã theo dõi”. Nhớ lại, trước nhà Út Dương, nơi tôi ở, có 1 nhà gần mé sông, có 1 người đàn ông thường dòm ngó sang nhà Út Dương, có lẽ là tên này.
Sau này, một số lần trình bày lại sự kiện chiếm Đài Phát thanh Cần Thơ, một số sinh viên có hỏi tôi, khi chiếm Đài Phát thanh có sợ bị bắt, bị tù đày, bị chết không? Tôi trả lời: Khi tiến hành công tác cách mạng, dù có hiểm nguy nhưng tôi vẫn tiến hành, dù có hy sinh thì cũng như bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Còn nếu đắn đo, lo sợ thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Tất nhiên, không thể làm bừa bãi mà phải có kế hoạch, phương pháp phù hợp.
Thành phố Cần Thơ đã tự lực giải phóng cùng một ngày với Thành phố Sài Gòn!
Khu Tây Nam Bộ cũng tự lực giải phóng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.