30/07/2010 - 21:20

THÁNG 8-2010

Nhiều yếu tố sẽ tác động giảm giá tiêu dùng

Theo các ngành hữu quan, sẽ có nhiều yếu tố tác động giảm đến CPI trong tháng 8-2010 so với tháng 7-2010. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại Siêu thị Co.opMart Cần Thơ. Ảnh: N. HƯƠNG 

Theo công bố của Cục Thống kê TP Cần Thơ, tháng 7 – 2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố giảm 0,06% so với tháng trước. Nếu tính từ đầu năm 2010, đây là tháng đầu tiên CPI của thành phố ở mức âm. Theo các ngành hữu quan, sẽ có nhiều yếu tố tác động làm giảm CPI trong tháng 8-2010 so với tháng trước.

* CPI đạt mức tăng trưởng âm

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, CPI khu vực thành thị và khu vực nông thôn lần lượt giảm ở mức 0,04% và 0,1% là những yếu tố tác động khiến CPI toàn thành phố trong tháng 7-2010 chỉ bằng 99,94% so với tháng trước. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong năm 2010, TP Cần Thơ có CPI giảm, tuy nhiên mức giảm tương đối thấp, chỉ ở mức 0,06%.

Theo nhận định của ngành hữu quan, có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là biến động giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu dẫn đến mức tăng trưởng âm nêu trên. Đầu tiên đó là sự giảm giá của thị trường lúa gạo ở TP Cần Thơ và ĐBSCL từ đầu đến trung tuần tháng 7-2010 so với trung tuần của tháng trước đó. Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo ở trung tuần tháng 6-2010 ở mức 4.250 – 4.350 đồng/kg; gạo nguyên liệu loại làm ra gạo 5% tấm khoảng 5.650 – 5.700 đồng/kg, gạo làm ra gạo 25% tấm là 5.450 – 5.550 đồng/kg. Tuy nhiên, đến thượng tuần tháng 7-2010, các mức giá tương ứng vừa nêu giảm từ 200 – 250 đồng/kg. Trong tháng 7-2010, sau khi Chính phủ triển khai chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo và hỗ trợ 100% lãi suất cho các doanh nghiệp mua lúa, gạo tạm trữ, các doanh nghiệp đồng loạt triển khai thu mua lúa gạo trong dân. Điều này khiến thị trường gạo ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL ấm lên. Đến ngày 26-7, giá lúa khô hạt dài, bảo đảm chất lượng xuất khẩu ở ĐBSCL giá 3.900 – 4.100 đồng/kg; gạo nguyên liệu làm ra gạo 5% tấm khoảng 5.450 – 5.550 đồng/kg, gạo làm ra gạo 25% tấm là 5.350 – 5.400 đồng/kg... Các mức giá vừa nêu dù tăng từ 100- 200 đồng/kg so với 2 tuần trước nhưng theo nhiều nông dân trồng lúa, mức giá này chưa đủ để nông dân có lời. Ngoài ra, trong tháng 7, với sự ghi nhận giảm của nhiều loại hàng hóa như gas, thịt heo, rau quả... cũng là những yếu tố tác động giảm đến giá tiêu dùng. Cụ thể như: đầu tháng, giá gas giảm 13.000 đồng/bình 12 kg; giá heo hơi, thịt heo giảm từ 2.000 – 3.000 đồng/kg; các loại cà chua giảm 2.000-4.000- đồng/kg...

Theo công bố của Cục Thống kê TP Cần Thơ, so với tháng trước, tháng 7-2010, có 3/13 nhóm hàng hóa là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông; bưu chính viễn thông được đưa vào tính CPI giảm với các mức tương ứng là 0,03%, 0,44%, 0,53% và 0,9%. Các nhóm hàng còn lại như; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; thiết bị đồ dùng và gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; văn hóa thể thao và giải trí... có chỉ số giá tăng nhưng chỉ ở mức từ 0,1-0,48% so với tháng trước.

* Giá cả sẽ ít biến động?

Trong tháng 8-2010, theo các ngành hữu quan dự báo, tình hình giá cả trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ tiếp tục ít có biến động về giá. Trong tháng này sẽ có nhiều yếu tố tác động đến CPI theo xu hướng giảm.

Trước tiên là mặt hàng lúa gạo. Trong tháng 8-2010, các doanh nghiệp tiếp tục triển khai thu mua lúa gạo tạm trữ theo quy định. Tuy nhiên, chất lượng lúa, đặc biệt là giống IR50404 chất lượng thấp, tỷ lệ bạc bụng cao... không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu là nỗi lo của các doanh nghiệp. Trong khi đó, theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại Việt Nam Bộ Công Thương, giá gạo kỳ hạn trên thị trường châu Á giảm trong tuần (14 – 21/7/2010) và chắc chắn sẽ giảm nữa trong vài tuần tới bởi nhu cầu vẫn thấp trong khi nguồn cung đang ở lúc cao điểm. Điều này sẽ tác động ít nhiều đến giá xuất khẩu gạo của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Thêm vào đó, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức ban hành quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản bằng đồng VND ở mức 8%/năm. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng là 8,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng là 6,0%/năm; lãi suất cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng là 8%/năm... Ngoài ra, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay VND vẫn tiếp tục ổn định. Nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động phù hợp với mặt bằng lãi suất thị trường và hiện nay phổ biến từ 11-11,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Đây là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp có kế hoạch ổn định sản xuất kinh doanh, giảm giá thành từ đó giảm giá bán sản phẩm trên thị trường...

Về góc độ thị trường tiêu dùng, hiện nay, tình hình dịch bệnh heo tai xanh tiếp tục diễn biến phức tạp gây tâm lý ngại dùng các loại thịt heo của người tiêu dùng khiến giá cả các mặt hàng này có khả năng ít biến động, thậm chí tiếp tục giảm trong tháng 8-2010. Song song đó, hiện nay, cùng với hệ thống trên toàn quốc, các siêu thị trên địa bàn TP Cần Thơ tiếp tục thực hiện giảm giá nhiều loại mặt hàng nhằm kích thích tiêu dùng. Điển hình như hệ thống Siêu thị Co.opMart trên toàn quốc, từ ngày 21-7 đến 8-8, sẽ giảm giá hàng trăm mặt hàng với mức độ từ 10 – 50%...

Ngoài các thông tin trên, theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, trong công tác trọng tâm tháng 8-2010, ngành công thương thành phố tiếp tục phối hợp cùng các ngành hữu quan tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết. Điều này chắc chắn sẽ góp phần ổn định giá cả thị trường trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Hà Triều

Theo các ngành hữu quan, sẽ có nhiều yếu tố tác động giảm đến CPI trong tháng 8-2010 so với tháng 7-2010. Trong ảnh: Hoạt &#

Chia sẻ bài viết