01/08/2020 - 07:28

Nhiều nước lâm nợ vì COVID-19 

Zambia từng khiến các nước nghèo nhất thế giới phải trầm trồ khi thu hút nhiều khoản đầu tư lớn và được ưu ái giảm lãi suất. Song, chưa tới một thập kỷ sau đó, quốc gia Nam Phi này đang gồng mình trả khoản nợ hơn 11 tỉ USD. Dự kiến, nợ công của Zambia sẽ vượt qua GDP của nước này trong năm nay.

Tuyến đường sắt được Zambia dùng tiền vay nâng cấp. Ảnh: WSJ

Giá cả hàng xuất khẩu sụt giảm do cuộc suy thoái tài chính toàn cầu và sự mất giá của đồng nội tệ đã khiến nhiều quốc gia nghèo như Zambia không thể trả nổi số nợ vay trong hơn một thập kỷ. Số nợ phần lớn được vay từ các ngân hàng cũng như quỹ tài chính ở Luân Đôn (Anh), New York (Mỹ) và Frankfurt (Đức) được Zambia dùng để phát triển cơ sở hạ tầng, đối phó bệnh tật và dạy nghề cho giới trẻ. Nợ chồng lên nợ khi chính phủ các nước tìm cách vay thêm tiền để đối phó với đại dịch COVID-19. “Ngay cả trước khi đại dịch diễn ra, nhiều quốc gia đã phải đối mặt với áp lực về nợ nần” - Abebe Aemro Selassie, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khu vực châu Phi, cho biết.

Tuy giá các mặt hàng như đồng hay dầu - những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu tại nhiều thị trường mới nổi - đã phục hồi đáng kể kể từ tháng 3 nhưng sự chững lại về thương mại và phát triển của thế giới gây ảnh hưởng mạnh tới các khoản nợ công. Trong số 24 quốc gia có thu nhập thấp phát hành trái phiếu ngoại tệ, ít nhất một nửa gồm Ghana và Zambia hiện chìm trong nợ nần. Một số nước thậm chí rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đơn cử như trường hợp của Argentina, quốc gia vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử, giữa lúc nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh rơi vào vòng xoáy suy giảm kinh tế mới, lạm phát tăng tốc và thiếu hụt ngoại tệ.

Theo Wall Street Journal (WSJ), Argentina chính thức vỡ nợ hôm 22-5, sau khi không thể trả 500 triệu USD tiền lãi cho các khoản nợ nước ngoài. Buenos Aires đã không thể đạt thỏa thuận tái cấu trúc 65 tỉ USD nợ nước ngoài, gồm cả số trái phiếu phát hành trong các đợt tái cấu trúc sau khi nước này vỡ nợ năm 2001.

Được biết, Argentina chủ yếu nợ các công ty đầu tư như BlackRock (Mỹ) hay Pharo Management (Anh). Hiện nước này đang tìm cách huy động hỗ trợ cho đề xuất tái cấu trúc của mình, trong bối cảnh các chủ nợ cũng chịu sức ép giảm nợ cho các nước nghèo hơn khi kinh tế toàn cầu đi xuống.

Argentina liên tục hứng chịu khủng hoảng kinh tế và chính trị khiến tiền tệ mất giá, người dân đổ xô rút tiền và thị trường tài chính lao đao. Trong khi đó, chính phủ không sẵn sàng giảm chi tiêu công, mà thường in tiền hoặc vay USD để giải quyết. Giới chuyên gia cho rằng vỡ nợ sẽ càng đẩy Argentina đến bờ vực suy thoái. GDP Argentina đã giảm gần 12% trong tháng 3. Lạm phát nước này cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới, với 46%.

Dù việc Argentina vỡ nợ không thể tạo ra biến động tài chính ở Mỹ Latinh nhưng cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự báo sẽ có thêm nhiều quốc gia vỡ nợ trong năm nay, bởi đại dịch COVID-19 gây gián đoạn kinh tế toàn cầu. Hồi tháng 4, Ecuador phải hoãn trả nợ đến tháng 8 do chịu tác động từ COVID-19. Lebanon cũng đã vỡ nợ lần đầu tiên hồi tháng 3.

IMF cho biết, hơn 100 quốc gia đã yêu cầu tổ chức này hỗ trợ tài chính trong cuộc chiến chống COVID-19 kể từ tháng 3. IMF khi đó đã dành ra khoảng 1/3 trong số 250 tỉ USD được dành riêng cho công tác phòng chống COVID-19 để hỗ trợ các nước. Trong khi đó, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng 4 đã đồng ý hoãn việc thanh toán nợ cho các nước nghèo nhất thế giới vào cuối năm nay.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết