20/03/2019 - 23:42

Nhiều giấy tờ không cần sao y, chứng thực 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 199/QĐ-TTg năm 2018 về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính (TTHC), quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực (QĐ199), có hiệu lực thi hành từ ngày 9-2-2018. Theo quyết định này, không quy định hình thức bản sao có công chứng, mở rộng các hình thức bản sao phù hợp với cách thức thực hiện TTHC. Tuy nhiên, hiện nay một số người dân trên địa bàn quận Ô Môn vẫn còn “thói quen” sao y các giấy tờ từ bản chính để làm các TTHC có liên quan.

Người dân thực hiện TTHC tại Bộ phận một cửa UBND quận Ô Môn.

Người dân thực hiện TTHC tại Bộ phận một cửa UBND quận Ô Môn.

Ông Hồ Thanh Văn, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Ô Môn, cho biết: Theo QĐ199, trong quá trình giải quyết TTHC, khi nộp hồ sơ trực tiếp, người dân có thể lựa chọn một trong những cách thức là nộp bản sao từ sổ gốc; bản sao và đối chiếu bản chính; bản sao có chứng thực. Phương án quy định cụ thể: không quy định hình thức bản sao có công chứng; mở rộng các hình thức bản sao cho phù hợp với cách thức thực hiện TTHC, theo đó quy định người yêu cầu có thể lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện) với các loại giấy tờ của các TTHC trong phạm vi quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, giao thông vận tải, hàng hải, lao động, tài chính, nội vụ…

Tuy nhiên, qua khảo sát ở một số phường trên địa bàn quận Ô Môn, hằng ngày có khá nhiều người dân đến các phường để sao y các loại  giấy tờ: bằng cấp, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu… để thực hiện các thủ tục tư pháp, đất đai, nhập học, hoặc xin việc. Nhiều người e ngại khi đến nộp hồ sơ không đủ con dấu sẽ phải làm lại nên vẫn sao y, chứng thực từ bản chính. Điều này không chỉ gây mất thời gian cũng như tốn kém chi phí của người dân mà còn làm tăng thêm một phần việc không cần thiết cho cán bộ công chức. Ông Nguyễn Văn Tịch (ngụ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn) cho biết: "Tôi đến UBND phường sao y một số hồ sơ để làm thủ tục về hộ khẩu. Biết là chỉ cần đối chiếu bản chính, nhưng để yên tâm, tôi sao y sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh… Tôi sợ là khi nộp hồ sơ, cán bộ đòi sao y, lại phải mất thời gian đi sao y rồi quay trở lại, chờ đợi...". Tương tự, ông Bùi Văn Hơn, ngụ phường Thới An, quận Ô Môn, chia sẻ: "Khi làm thủ tục liên quan đến đất đai, tôi thường mang hết hồ sơ liên quan đi sao y, công chứng. Hồ sơ đất đai rất phức tạp, nên có gì thì cứ sao y một thể cho tiện, đến khi cần, xuất trình nộp ngay, không phải mất thời gian".

Ông Võ Đông Tân, Chuyên viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Ô Môn, phụ trách tiếp nhận hồ sơ thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, cho biết: "Vấn đề đối chiếu bản sao từ bản chính đối với các thủ tục về đất đai cũng được quy định rất cụ thể tại các văn bản pháp luật về đất đai". Cụ thể căn cứ tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định: Khi nộp các giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai, các Điều 18, 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, khoản 16 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP (nếu có) để làm thủ tục đăng ký lần đầu hoặc đăng ký biến động theo quy định tại các Điều 8, 9, 9a, 9b và 10 của Thông tư này thì người nộp hồ sơ được lựa chọn một trong các hình thức sau: Nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực; Nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao; nộp bản chính giấy tờ. Tuy nhiên, trong trường hợp nộp bản sao giấy tờ thì khi nhận Giấy chứng nhận, người được cấp Giấy chứng nhận phải nộp bản chính các giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho cơ quan trao Giấy chứng nhận để chuyển lưu trữ theo quy định; trừ các giấy tờ là giấy phép xây dựng; quyết định phê duyệt dự án đầu tư, quyết định đầu tư, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.

Xung quanh vấn đề này, ông Hồ Thanh Văn cho biết: "Lãnh đạo quận luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu cán bộ Bộ phận một cửa phải nghiêm túc thực hiện theo quy định; không để người dân phải mất thời gian cũng như chi phí đối với các loại thủ tục không cần hồ sơ sao y, chứng thực. Thêm vào đó, lãnh đạo quận cũng yêu cầu các đơn vị phải thường xuyên tuyên truyền để người dân nắm, hạn chế tình trạng sao y khi nộp hồ sơ, gây lãng phí thời gian và tiền bạc của người dân".

HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết