17/03/2023 - 22:42

Nhiều dư địa xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rất lớn và có nhu cầu nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản (NLTS). Với việc Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại sau đại dịch COVID-19 và nhiều sản phẩm NLTS của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, các mặt hàng NLTS của nước ta đang có nhiều thuận lợi để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường đông dân nhất thế giới này.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.

Thị trường rộng lớn

Từ ngày 8-1-2023, sau 3 năm dịch COVID-19, Trung Quốc đã mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động thông quan xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc của Việt Nam. Ðây là điều kiện để nước ta kết nối giao thương, thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc.

Theo Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,5 tỉ USD (gồm nhập khẩu 117,86 tỉ USD và xuất khẩu 57,7 tỉ USD), tăng 5,47% so với năm trước. Riêng kim ngạch xuất khẩu NLTS của nước ta sang Trung Quốc trong năm qua đạt 10,4 tỉ USD, tăng 10,4% so với năm trước, với thặng dư thương mại đạt 6,6 tỉ USD, tăng 5,8% so với năm trước. Các mặt hàng NLTS được xuất khẩu sang Trung Quốc tập trung chủ yếu gồm rau quả, thủy sản, sản phẩm gỗ, cao su, gạo, hạt điều, cà phê. Ðến nay, Việt Nam đã có 11 loại trái cây tươi và sản phẩm thạch đen được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đã công nhận danh sách 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã công nhận 805 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc…

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc là thị trường mà cộng đồng doanh nghiệp thủy sản nước ta coi trọng bởi nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang các nước đạt 11 tỉ USD, trong đó thị trường Trung Quốc có sự tăng trưởng lớn nhất và đạt kim ngạch 1,6 tỉ USD. Từ vị trí thứ 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Nhiều loại thủy hải sản của Việt Nam như tôm, cá tra, cua, mực, cá biển... cũng đang được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp và người tiêu dùng tại Trung Quốc.

Tháo gỡ khó khăn

Nhằm kết nối cung - cầu và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu NLTS sang thị trường Trung Quốc, Tổ Ðiều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970) của Bộ NN&PTNT vừa tổ chức diễn đàn trực tuyến thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tại diễn đàn này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cho rằng, thị trường Trung Quốc còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp nước ta đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm NLTS. Hiện nay, Trung Quốc cũng đã mở cửa các cửa khẩu đường bộ, thuận lợi để các doanh nghiệp nước ta kết nối giao thương, thúc đẩy xuất khẩu bằng đường bộ. Tuy vậy, hiện việc xuất khẩu NLTS sang thị trường Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn và rào cản. Ðặc biệt, thị trường này ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn và việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, cũng như siết chặt quản lý nhập khẩu hàng theo hình thức tiểu ngạch qua biên giới. Trong khi đó, việc xuất khẩu NLTS theo hình thức chính ngạch còn gặp các khó khăn về hồ sơ, thủ tục, quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến tốc độ thông quan hàng hóa...

Nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây các bộ ngành chức năng, địa phương và đơn vị có liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường và xúc tiến thương mại. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tổ chức, chế biến, đóng gói và thực hiện các quy trình để đáp ứng các nhu cầu và yêu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc trong thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, phát huy hiệu quả các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển và cả đường hàng không. Các doanh nghiệp cần quan tâm đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh và tăng cường liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng NLTS đáp ứng yêu cầu thị trường…

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký VASEP, kiến nghị: “Ngành chức năng cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp với các địa phương Trung Quốc. Hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Ðặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam”. Theo bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT cần phối hợp ngành chức năng sớm thống nhất với phía nước bạn công nhận kết quả kiểm dịch của cơ quan chức năng 2 nước, rút ngắn thời gian thông quan. Ðối với lãnh đạo các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập. Tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, tận dụng tối đa tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu. Ðẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu quy định của nước bạn. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu trên nguyên tắc cùng nắm bắt, cùng khai thác thị trường theo câu châm ngôn “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã yêu cầu các hiệp hội doanh nghiệp, bộ, ngành cần ghi nhận, tập hợp các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các đơn vị, doanh nghiệp về thị trường Trung Quốc. Qua đó, kịp thời gửi về Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các đơn vị chức năng thuộc Bộ NN&PTNT để có các giải pháp và chương trình làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng của nước ta và phía Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ cần phối hợp với Hải quan của Việt Nam và Hải quan Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện và có những giải pháp tạo thuận lợi nhất để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ, thủ tục cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Trước nhu cầu đẩy mạnh giao thương các sản phẩm NLTS, cần nghiên cứu đề xuất thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp nông sản Việt Nam - Trung Quốc nhằm kết nối thông tin và kết nối cung - cầu sản phẩm.

Chia sẻ bài viết