Một nghiên cứu được công bố mới đây cho thấy chất lượng không khí ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi (MENA) thường xuyên vượt quá ngưỡng an toàn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch “đóng góp” tới hơn 90% nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại đây.
Vào năm 2017, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đã thực hiện chuyến hành trình lớn băng qua phía Đông Địa Trung Hải, xuyên qua Kênh đào Suez và đi quanh Vịnh Suez. Họ sử dụng thiết bị chuyên dụng để phân tích chất lượng không khí và các hạt vật chất trên bờ. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng phần lớn các hạt vật chất nhỏ - có thể xâm nhập sâu vào phổi dẫn đến nguy cơ gây bệnh cao hơn - là do con người tạo ra, chủ yếu từ việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo các nhà nghiên cứu, khu vực này được bao phủ trong các hợp chất đặc biệt có hại như sulfur dioxide (SO2), là kết quả trực tiếp của quá trình khai thác dầu. Ngoài ra, khí thải từ các tàu container qua lại tại một trong những tuyến đường vận chuyển đông đúc nhất trên thế giới này cũng góp phần gây ra khói bụi.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các số liệu về sức khỏe và tỷ lệ tử vong để tính toán số ca tử vong do ô nhiễm không khí gây ra hàng năm trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Tỷ lệ tử vong vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch khác nhau giữa các quốc gia, với 5,9% số ca tử vong ở Cyprus là do ô nhiễm không khí, trong khi con số này ở Kuwait là 15,9%. Con số này cao hơn nhiều so với các khu vực công nghiệp phát triển khác. Đơn cử như Mỹ và Đức có tỷ lệ tử vong do ô nhiễm không khí lần lượt là 3% và 3,7%. Trên toàn khu vực, nhóm nghiên cứu đã tính toán cứ 8 ca tử vong trong khu vực thì có 1 ca vì ô nhiễm không khí do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ông Jos Lelieveld tại Viện Hóa học Max Planck của Đức, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết khu vực Trung Đông - Bắc Phi có nhiều nhà máy lọc dầu và đây là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn, bên cạnh một lượng lớn các tàu qua lại trên Biển Đỏ và trong vùng Kênh đào Suez. Do đó, sự kết hợp của tất cả những yếu tố này đồng nghĩa không khí bị ô nhiễm hơn nhiều so với những gì mà hầu hết mọi người kỳ vọng.
Theo báo cáo của WHO, Trung Đông - Bắc Phi là khu vực có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới. Giả thiết lâu nay thường được sử dụng để giải thích cho thực trạng trên là bởi các lớp khói bụi thường bao phủ hầu hết các thành phố trong khu vực vốn chủ yếu là cát sa mạc. Những thành phố này nằm trên “vành đai bụi” của thế giới, nơi thường xuyên hứng chịu hơn 20 cơn bão cát lớn mỗi năm.
Hồi tháng 2 năm nay, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cho biết tình trạng ô nhiễm không khí đã khiến khu vực Trung Đông - Bắc Phi thiệt hại hơn 140 tỉ USD/năm, tương đương 2% sản lượng kinh tế của khu vực này. Theo báo cáo, dân cư đô thị ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi đang phải hít thở bầu không khí có mức độ ô nhiễm cao hơn 10 lần so với tiêu chuẩn được coi là an toàn của WHO. Ô nhiễm không khí cũng là nguyên nhân khiến gần 270.000 người tử vong/năm, đồng thời thường xuyên gây ra các vấn đề sức khỏe đối với người dân trong khu vực.
PHƯƠNG OANH (TTXVN)