15/05/2024 - 07:47

Nhẹ nhàng "Trong mùi hương nguyệt quế" 

Ngồi bên bàn trà cạnh gốc nguyệt quế trước sân trong buổi sáng mai, lần giở từng trang tập truyện ngắn "Trong mùi hương nguyệt quế" (NXB Lao Động), lòng lâng lâng cảm xúc tích cực. Những truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết có chút lao xao, có chút trăn trở, nhưng lúc nào tác giả cũng chọn cái kết bình yên, điềm nhiên đón nhận. Nhẹ nhàng như mùi hương nguyệt quế vậy!

Tập truyện ngắn "Trong mùi hương nguyệt quế".

"Tình người làm sao "sứt chỉ" cho được phải không? Ở đâu đó, chị đã thấy và hiểu ra như thế!". Nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết chọn cái kết đóng mà mở cho truyện ngắn "Áo sứt chỉ" mở đầu tập truyện như thế. Một người phụ nữ ôm khối tình đã cũ, cố níu vá lại những chiếc áo sứt chỉ đường tà của người thương, gửi lòng thương của mình về quá khứ. Nhưng rồi chị nhận ra rằng, vá chiếc áo thì dễ, nhưng làm sao để vá lành tâm hồn: "Giá mà những sứt mẻ của cuộc sống vợ chồng cũng vá lại được! Giá mà…". Rồi chị quay về với thực tại, rằng cuộc sống có bao điều thú vị để sống, để yêu, rằng chị còn có các con luôn yêu thương, luôn mong muốn mang hạnh phúc đến cho mẹ.

"Nắng chiều" cũng là một câu chuyện tương tự. Người phụ nữ đơn thân giật mình khi cô con gái mới lớn của mình báo tin sẽ lập gia đình. Chị nhớ lại thanh xuân của mình cũng thế, tình yêu "đủ nóng nhưng chưa đủ chín" đã khiến họ sớm hiệp rồi tan. Ngày tiễn con gái về nhà chồng, chị lủi thủi ra về trên con đường xưa, quay lại nói lời tiễn cha của con gái "đi mạnh giỏi": "Chị nhìn anh, người đàn ông của đời chị bằng cái nhìn rất sâu như khi ta biết cuộc chia tay có thể là mãi mãi". Nhưng rồi chị an nhiên rời bước: "Em còn cả cuộc đời phía trước đó chứ. Anh đừng lo, rồi em sẽ sống thật tốt mà". Với chị, sáng mai sẽ là một ngày mới!

Những "Câu chuyện với dòng sông", "Miệt vườn", "Ông già gác chim", "Về quê ăn Tết"… nói chung là 20 truyện ngắn trong tuyển tập này đều vậy, nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết thường bắt đầu bằng thực tại, nhớ về quá khứ, rồi quay lại thực tại. Quá khứ trong truyện ngắn của nhà văn, dù có đẹp đẽ, lãng mạn, hạnh phúc hay có đau khổ, tiếc nuối, đắng cay đến mấy, thì cũng đã là quá khứ. Nhân vật văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết có một nghị lực và chọn lựa đầy lý trí, nhưng con tim thì lúc nào cũng ăm ắp những yêu thương. Điều đó làm nên cá tính cho mỗi nhân vật.

Cách kể chuyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết không kịch tính, ít cao trào, cứ như con rạch nhỏ lặng thầm chảy nước về sông. Nhưng cách kể ấy được thể hiện bằng những câu văn mộc mạc, giản dị, trải đời cùng "phông" văn hóa rất dày dặn, khiến người đọc cuốn hút qua từng trang, từng truyện. Nhà văn kỳ công đi vào chi tiết, miêu tả hình tượng nhân vật, tình tiết truyện kỹ lưỡng, như thể một điêu khắc gia đang chạm trổ nhân vật của mình. Và cũng nhờ "phông" văn hóa tích tụ bằng cả đời người, chỉ việc tác giả miêu tả tiếng kêu của các loài chim, cách gác cu của người xưa, khung cảnh ăn Tết ở quê… cũng đủ làm người đọc xuyến xao không ít.

Ở tuổi 76, nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết vẫn rất thích "xê dịch", đi và tìm cảm hứng khắp mọi miền đất nước. Những cảm hứng ấy thấm đẫm trong trang văn của bà, những trang văn mới lạ, cảm xúc và nhẹ nhàng như mùi hương nguyệt quế vừa nở sáng nay.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết