14/04/2021 - 06:53

Nhật xả nước từ nhà máy hạt nhân ra biển 

Chính phủ xứ sở Mặt trời mọc vừa thông qua kế hoạch xả hơn 1 triệu tấn nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển, động thái dấy lên phản ứng gay gắt từ trong nước lẫn các quốc gia láng giềng.

“Kế hoạch an toàn”

Toàn bộ quá trình xả nước từ nhà máy Fukushima ra biển dự kiến kéo dài nhiều thập niên. Ảnh: Kyodo News

Toàn bộ quá trình xả nước từ nhà máy Fukushima ra biển dự kiến kéo dài nhiều thập niên. Ảnh: Kyodo News

“Chính phủ đã soạn thảo các chính sách cơ bản để xả lượng nước qua xử lý vào đại dương, sau khi đảm bảo mức độ an toàn của nước. Chính phủ cũng sẽ thực hiện nhiều biện pháp để ngăn ngừa tổn hại về danh tiếng”, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo hôm 13-4. Tokyo lập luận rằng kế hoạch này an toàn bởi nước đã được xử lý, loại bỏ gần như toàn bộ các yếu tố phóng xạ và sẽ được pha loãng để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trước khi xả ra biển. Thủ tướng Suga nói việc xả bỏ nước ở Fukushima là “vấn đề không thể tránh được” để khôi phục nhà máy vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngày 11-3-2011, trận động đất khủng khiếp với cường độ 9 độ Richter, kích hoạt sóng thần đã làm bùng nổ cuộc khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy Fukushima của Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), dẫn đến tình trạng mất điện ở các lò phản ứng từ số 1-4. Hậu quả là các lò từ 1-3 bị nóng chảy, buộc nhà máy phải bơm nước làm nguội. Bên cạnh đó, nước ngầm tại khu vực cũng bị nhiễm phóng xạ. Nhật Bản đã tiến hành xử lý nước nhiễm phóng xạ bằng hệ thống ALPS và chứa chúng trong hơn 1.000 bồn của nhà máy. Hiện khối lượng nước tại đây đã gần 1,3 triệu tấn và TEPCO sẽ hết chỗ chứa vào mùa thu năm sau. Việc trữ lượng nước khổng lồ này tiêu tốn hơn 912 triệu USD/năm.

Quá trình ALPS giúp loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ trong nước, bao gồm stronti và cesium. Tuy hệ thống không thể loại bỏ hoàn toàn chất phóng xạ tritium, một sản phẩm phụ của các lò phản ứng hạt nhân, nhưng lượng tritium còn sót lại là rất nhỏ và ít gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Theo Hãng tin Reuters, tritium được xem là gần như vô hại bởi nó không phát ra đủ năng lượng để xâm nhập da người. Các nhà máy điện hạt nhân khác trên thế giới cũng thường xả nước đã qua xử lý còn chứa lượng đồng vị phóng xạ này thấp ra biển.

Nhiều ý kiến trái chiều

Việc xả nước từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương chưa thể bắt đầu trong ít nhất 2 năm tới, nhưng quyết định trên khiến cộng đồng ngư dân địa phương giận dữ vì họ đã mất nhiều năm để khôi phục niềm tin của khách hàng vào hải sản được đánh bắt trong khu vực này.

Quyết định của Tokyo cũng lập tức vấp phải phản đối dữ dội từ các nước trong khu vực. Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Hàn Quốc ngày 13-4 cho biết Seoul “cực lực phản đối” động thái của Nhật Bản về việc xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển. Hôm trước đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong đã “lấy làm tiếc về quyết định có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới sự an toàn của người dân và môi trường lân cận trong tương lai”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng kế hoạch của Nhật xả nước thải qua xử lý từ nhà máy Fukushima vào đại dương là “cực kỳ vô trách nhiệm”. Bắc Kinh nhấn mạnh đại dương là “tài sản chung của nhân loại” và việc xử lý nước thải hạt nhân “không chỉ là vấn đề trong nước của Nhật Bản”. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Nhật Bản “hành động có trách nhiệm” về việc xả nước vào đại dương. Tương tự, tổ chức Greenpeace Nhật Bản cũng lên án mạnh mẽ quyết định xả nước từ nhà máy ra biển, nhấn mạnh việc làm này coi thường lợi ích của người dân Fukushima, Nhật Bản và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Mỹ lại thể hiện sự thông cảm với quyết định xả nước đã qua xử lý ra biển của Nhật. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Tokyo đã “minh bạch về quyết định của họ và dường như đã thông qua một cách tiếp cận phù hợp với những tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được toàn cầu chấp nhận”. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cũng ủng hộ kế hoạch của Nhật Bản, mô tả nó tương tự quá trình xả nước thải của các nhà máy hạt nhân khác trên thế giới.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết