12/10/2012 - 20:04

Nhật-Trung muốn đàm phán chuyện gì?

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh: AP

Chính quyền Nhật Bản và Trung Quốc vừa đồng thanh kêu gọi nhau trở lại bàn đàm phán nhằm giúp giảm căng thẳng quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á. Hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ ngày 11-10 cho rằng dầu khí là vấn đề chính yếu mà Tokyo và Bắc Kinh muốn thương lượng trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông hiện nay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: "Nhật Bản cần phải đối diện với thực tế, thừa nhận sự tranh chấp, sửa chữa những sai lầm và tìm kiếm cách thức mới giải quyết vấn đề thông qua đàm phán".

Theo Tân Hoa Xã, lời kêu gọi của ông Hồng Lỗi được đưa ra khi mới đây, hãng Kyoto News cho biết chính quyền Nhật Bản đang xem xét các kế hoạch làm giảm căng thẳng, trong đó có việc thừa nhận (không chính thức) rằng quần đảo Senkaku đang có sự đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, người từng khẳng định Tokyo coi quần đảo Senkaku là phần lãnh thổ không thể có tranh chấp và bất thỏa hiệp, hôm 10-10 cũng đã lên tiếng: "Chúng ta cần thảo luận thông qua nhiều kênh khác nhau nhằm đảm bảo sẽ không có tác động tiêu cực đến mối quan hệ rộng mở giữa Nhật Bản và Trung Quốc".

Giới phân tích chính trị cho rằng cuộc tranh chấp chủ quyền các hòn đảo nhỏ giữa hai cường quốc châu Á chẳng qua là để giành phần dầu khí khổng lồ trên diện tích khoảng 210 cây số vuông của vùng biển chung quanh. Nhật Bản và Trung Quốc đã ngồi vào bàn đàm phán và đạt được thỏa thuận hợp tác phát triển một lô khí đốt thiên nhiên trên Biển Hoa Đông năm 2008 nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể thực hiện.

Lô khí đốt mà Nhật Bản gọi là Shirabaka, còn Trung Quốc gọi là bãi Xuân Hiểu nằm cách quần đảo tranh chấp tới 309 cây số và được hai bên xem là "mô hình hợp tác" trên Biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản khi đó là ông Masahiko Komura tuyên bố: "Thỏa thuận này chứng minh rằng Nhật Bản và Trung Quốc có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề khó khăn". Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì khẳng định thỏa thuận đó "có ích cho sự ổn định và phù hợp với lợi ích cơ bản của hai nước".

Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (Cnooc) và Tổ hợp Khai thác Dầu khí Inpex của Nhật Bản là hai đơn vị được chỉ định hợp tác với nhau. Tuy nhiên, hiện cả hai công ty này đều không cho biết thông tin về quá trình hợp tác giữa họ đi đến đâu. Chỉ có một quan chức (giấu tên) của Bộ Công Thương và Kinh tế Nhật Bản mới đây cho biết tiến trình thảo luận thành lập liên doanh đã bị trì hoãn, và phía Tokyo đã đề nghị khởi động lại đàm phán nhưng phía Bắc Kinh chưa có câu trả lời.

Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Biển Hoa Đông có thể chứa 160 tỉ thùng dầu quy đổi, tức có thể đáp ứng đủ nhu cầu của Trung Quốc hoặc Nhật Bản tới 45 năm. Trung Quốc vừa vượt qua Mỹ trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, trong khi các mỏ dầu ngoài khơi của nước này đang dần cạn kiệt. Cuối thập niên này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần nhập khẩu hơn 60% nguồn dầu thô (so với 50% hiện nay) và 1/3 khí đốt thiên nhiên.

Trong 8 tháng đầu năm 2012, chỉ tính riêng từ Arabie Séoudite, Trung Quốc phải nhập khẩu 35,5 triệu tấn dầu thô với giá trị lên tới 29 tỉ USD. Cùng thời điểm này, Nhật Bản, nhà tiêu thụ năng lượng tương đương với quy mô nền kinh tế, phải mua hơn 40 triệu tấn dầu thô từ Arabie Séoudite với số tiền 34,8 tỉ USD.

KIẾN HÒA (Theo Bloomberg, Xinhua)

Chia sẻ bài viết